Viết về bè bạn...
Lặng lẽ hương (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, năm 2020) là tập thơ vừa ra mắt bạn đọc của nhà thơ Phạm Văn Phương (SN 1958, quê ở TX An Nhơn). Với lối viết mộc mạc, chân thành, anh giãi bày lòng mình với quê hương, với tình yêu, với nghề phấn trắng bảng đen gắn chặt đời mình. Và, anh dành nhiều trang viết về bè bạn. Những người bạn đi qua đời anh, bằng hữu từ thuở hàn vi hay một tình cờ hạnh ngộ…
Nghe trên đài một giọng hát quen, bao ký ức như sống lại, bắt một nhịp cầu liên tưởng để tiếng lòng anh bật thức, ngân lên những câu thơ dễ thương đến lạ: “sớm mai anh bước lên đồi/ anh nghe ra có tiếng cười em đây/ tiếng em thánh thót trên cây/ bay trên ngàn lá, đậu đầy lòng anh” (Anh nghe em hát trên đài). Phạm Văn Phương có nhiều bài đậm chất hoài niệm, chở theo những yêu thương theo năm tháng vơi đầy lòng mình, để nhớ để thương: “nhớ gì không, dấu yêu ơi/ con sông nước đục rối bời tiếng chim/ lòng ta từ nhớ thương em/ ngân lên bất tuyệt từng đêm lạnh người// bên sông chim én về rồi/ tưởng trong sương khói nụ cười chín lên” (Lời tháng Giêng).
Điểm đặc biệt trong tập thơ này, tác giả dành nhiều bài viết về những bạn bè mình. Dung dị thôi, anh khơi dậy những vùng ký ức hạnh ngộ, thắp lên những ấm áp thân tình: “ngõ quê biết bạn tần ngần/ thảnh thơi về lại cầm chân một ngày/ tiếng buồn thầm thĩ trong cây/ câu vui rộn rã như ngày thanh tân// cám ơn bạn nhỏ muôn phần/ mà ta riêng bạn ân cần bấy nhiêu” (Cám ơn bạn nhỏ ngày xưa). Nhiều bài là niềm tiếc thương, rưng rưng niềm nỗi: “người về một gói tro xương/ lạ trong vĩnh quyết ngùi hương thân tình/ lần tay trên cát mong manh/ thấy trăm năm tựa cái nhìn phù vân/ muôn xa bỗng hóa thật gần/ cỏ quê rồi sẽ ân cần xanh lên” (Tiễn biệt anh Phạm Văn Hiên).
Lặng lẽ hương là tập thơ thứ 2 của anh sau Hái bên đường (NXB Văn học, năm 2005).
VÂN PHI