Vườn của mẹ
● Tùy bút của TRẦN BĂNG KHUÊ
Tôi rời giường khá muộn. Mẹ thì dậy từ lâu. Tiếng của mẹ lúc cao lúc thấp lên xuống theo từng bậc thang, từng bước chân. Tôi cố gắng lắng nghe thứ âm thanh này. Rồi mơ một giấc mơ khác. Rất nhiều lần mẹ kể đi kể lại về tiếng bước chân của ông ngoại. Mấy bận ghé đất cũ nhà xưa, bác trai bác gái nghe tiếng chân mẹ đi, không thấy bóng mẹ, lại giật mình, ngỡ là ông. Mấy chục năm rồi, trong câu chuyện của mẹ, trong hoài niệm cũ kỹ ấy vẫn là những ảo ảnh thân thuộc gũi gần về người đã đi xa. Mẹ nhớ tiếng dép, tiếng bước chân đó. Các bác cũng rất nhớ như vậy. Còn ông ngoại, hẳn bây giờ đã phiêu diêu trong cõi vô cùng.
Sáng nào thức dậy mẹ cũng ra vườn trước tiên. Cây trong vườn như đàn con của mẹ. Đứa nào cũng hóng tiếng bước chân quen thuộc đó, rì rào tiếng lá. Tôi biết, chúng đều được bàn tay mẹ lo lắng chăm sóc tưới tắm trước tiên, để xinh tươi khoác tấm áo màu nắng, xanh ngắt màu trời buổi sớm. Mỗi đứa mang một hơi thở, một sức sống riêng. Có đứa không phải lớn lên từ bàn tay mẹ vun trồng, cũng từ đâu xuất hiện tươi cười, chen chúc trong các chậu lớn chậu bé. Mẹ bao trọn hết. Mẹ nâng niu từng đứa một.
Vườn của mẹ, tưởng nhắc đến ai cũng sẽ hình dung ra một mảnh đất dọc ngang rộng mênh mông lắm. Nhưng vườn ấy, mảnh vườn mà mẹ cầm cây rượt tôi chạy dài những trưa ham chơi không chịu ngủ đã mất tích trong những biến cố thời gian của một gia đình. Mảnh vườn mà tôi nhớ, từ trước ra sau, đủ đầy các loại cây trái, mít, xoài, ổi, đu đủ, khoai sắn. Cây trái có khi không cần trồng xuống, mà tự mình gieo mầm, đâm chồi nảy lộc lớn lên theo mỗi mùa mưa, mùa ăn quả vứt hạt ra vườn.
Mảnh vườn bây giờ của mẹ. Nhỏ xíu. Mẹ phải tranh thủ từng khoảnh đất chưa hóa thành đường bê tông để chêm dăm ba luống rau lang xuống. Mảnh vườn bây giờ của mẹ là những chậu xi măng, những thùng xốp di động tận dụng lại từ đâu đó trôi dạt về. Vậy mà, khi xếp chúng lại với nhau, san sát từng vách tường, vách cổng, từng rẻo đất thừa nơi thành phố đông đúc cũng đủ để dựng xây một khoảng xanh rì rào cho nắng gió đong đưa.
Hôm nào đó rời khỏi giường sớm hơn, khi trời ươm nắng hồng lọt qua khe cửa, việc của tôi mấy hôm rảnh rỗi là ghé vườn của mẹ đầu tiên. Lúc đó mẹ cũng đã xong việc vun vén tém tỉa cây cành. Tôi chỉ là đứa hưởng thụ sự trong lành của cây cỏ, sắc màu lấp lánh của mấy bụi hoa hồng nở rộ. Ngắm nghía mỗi gốc đinh lăng cứng cáp, với những khóm lá xanh đậm nhạt xum xuê thôi cũng thấy đã mắt. Chưa kể, tôi còn tham lam rẽ lối vào soi từng bông hoa dại trắng phơn phớt tím lang thang bám vào bên vách tường, vách đá. Rồi ngước mặt lên ngắm cành vối non đong đưa trong gió, dưới trời xanh.
Dưới chân tôi đứng là một chậu nha đam già. Đời cây, đời người mấy chốc mà hóa vào hư vô, như một huyễn mộng. Nhưng đời cây, có thể được tái sinh. Đời người thì chưa chắc. Đôi khi tôi có tự hỏi về kiếp trước, kiếp sau của một đời người. Vậy, nếu có, liệu ông ngoại tôi, bà ngoại tôi đã tái sinh chưa? Hoặc cô gái mới hai mươi tư tuổi đầu mà tôi yêu mến, vừa mới rời bỏ cuộc chơi năm ngoái, rời bỏ khung cửa sổ ngày nào cô ngồi nắn nót từng nốt guitar vì bệnh tật đã kịp tái sinh chưa?
Tôi nhìn đất trời, một mùa nắng chan trong mắt. Môi tôi chỉ muốn nở nụ cười. Miệng tôi chỉ muốn hát ca, nói lời dịu ngọt nựng nịu với chú chó đang theo chân tôi ra vườn ngắm hoa, hít hà hương thơm của rau cỏ. Ai biết được đây mới là những ước mơ lớn nhất, ủi an nhất trong đời. Tôi cần gì đâu ngoài một thứ tự thời gian sắp xếp, sáng ra vườn cuốc đất trồng cây, trưa vào bếp nghịch ngợm bếp núc, tối bật đèn ngồi vào bàn đọc sách, hoặc viết thứ gì đó rồi cất giấu trong một chiếc hộp pandora chẳng hạn. Đời như là mơ. Và đời cũng không như là mơ. Sau buổi sáng, mộng mê dưới nắng, trong vườn của mẹ, tôi mới chợt nhớ ra vài việc còn phải làm. Tôi rời vườn khép nhẹ cánh cổng, đi vào nhà. Mẹ nghe tiếng dép tôi lẹt xẹt, mẹ như mộng về nơi xưa cũ khi bần thần vô thức hỏi trống không - “Ba hả ba?”.