Sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả cải cách hành chính
Các nhiệm vụ cải cách hành chính ngày càng được mở rộng với nhiều nội dung mới và khó. Song, đích đến cuối cùng của cải cách vẫn là sự hài lòng của người dân, tổ chức, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển KT-XH.
Chương trình hành động về CCHC, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC giai đoạn 2020 - 2025 nhấn mạnh mục tiêu “lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, DN làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước”. Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long, đây chính là vấn đề mang tính nguyên tắc xuyên suốt quá trình thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể trong hoạt động CCHC.
Ông TRỊNH XUÂN LONG
● Có thể thấy, kết quả đánh giá từ phía người dân ngày càng có ý nghĩa trong quá trình thực thi nhiệm vụ CCHC. Liên quan đến vấn đề này, theo ông, đâu là những chỉ tiêu đáng chú ý đặt ra từ Chương trình hành động về CCHC lần này ?
- Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2020 của Bình Định đạt 86,17%, đứng thứ 29/63 tỉnh, thành, tăng 16 bậc so với năm 2019. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, song vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Chẳng hạn, chỉ số hài lòng về công chức giải quyết TTHC đạt 83,99%, thấp hơn giá trị trung bình chung của cả nước (86,53%); dù tình trạng phiền hà, sách nhiễu hoặc gợi ý nộp thêm tiền ngoài khoản phí, lệ phí theo quy định đã hạn chế đáng kể, nhưng tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần vẫn còn diễn ra. Chỉ số hài lòng về kết quả giải quyết TTHC đạt 88,42% (cả nước là 89,73%); việc thông báo trễ hẹn và thực hiện xin lỗi người dân, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm túc.
Chỉ số SIPAS ngày càng phản ánh trung thực hơn bức tranh CCHC của các địa phương trong cả nước. Chương trình hành động về CCHC, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 rất quan tâm đến các chỉ tiêu liên quan đến sự hài lòng; như mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt từ 85% trở lên. Mức độ hài lòng của người dân và DN về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%; trong đó trên lĩnh vực đất đai, xây dựng đạt tối thiểu 80%.
● Để tiếp tục nâng cao chỉ số SIPAS, phát huy hiệu quả các hoạt động CCHC trong thời gian đến, các giải pháp nào sẽ được chú trọng, thưa ông?
- Trước hết là đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC, đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; thường xuyên đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, DN về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác CCHC.
Sự hài lòng của người dân, DN chính là thước đo của CCHC. - Trong ảnh: Hướng dẫn người dân thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: N.V.TRANG
Trong giai đoạn tới, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ, giải quyết TTHC đối với cán bộ, công chức, viên chức, việc thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động công vụ cần được quan tâm nhiều hơn. Đi cùng với đó là tiếp nhận và công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, DN; kiên quyết xử lý, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ theo kết quả công việc; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.
Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát trách nhiệm giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC thuận lợi, kịp thời, không để tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn, nhất là việc giải quyết TTHC tại UBND cấp huyện và cấp xã trên lĩnh vực tư pháp, đất đai... Nghiêm túc xin lỗi người dân, tổ chức và DN khi để xảy ra trễ hẹn và có biện pháp khắc phục kịp thời.
● Xin cảm ơn ông!
Chánh Văn phòng UBND tỉnh LÊ NGỌC AN: Hiện đại hóa để phục vụ người dân, DN tốt hơn
Chương trình hành động đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025: 90% hồ sơ công việc tại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 80% đối với cấp huyện và 60% đối với UBND cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Đạt được những chỉ tiêu này sẽ góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa nền hành chính công, xây dựng Chính quyền điện tử, tiến tới Chính quyền số phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, DN.
Việc gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng cần đồng bộ với triển khai kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và DN.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy tiến độ hình thành Chính quyền số, cần xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và các hệ thống thông tin phục vụ người dân, DN. Phát triển dữ liệu nội bộ, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm quản lý thống nhất, đồng bộ và kết nối thông suốt giữa Trung ương và địa phương.
Đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đẩy mạnh dịch vụ chứng thực điện tử và sử dụng lại kết quả này trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đảm bảo cung cấp và lưu trữ hồ sơ, giấy tờ điện tử có giá trị pháp lý cho người dân, DN.
Và quan trọng không kém là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy chế, quy định thay thế các quy chế, quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu có được những quy định phù hợp, tạo cơ sở pháp lý cho phát triển Chính quyền số, hình thành các nguồn cơ sở dữ liệu và kết nối liên thông, đồng bộ các phần mềm phục vụ hiệu quả cho công tác giải quyết TTHC cho người dân, DN.
Giám đốc Sở Tài chính LÊ HOÀNG NGHI: Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý tài chính công
Để tiếp tục nâng mức tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đảm bảo quản lý chặt chẽ, có hiệu quả các nguồn tài chính, nguồn lực của đơn vị theo quy định của pháp luật, trong năm 2020, Sở Tài chính đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án tự chủ của thời kỳ ổn định giai đoạn 2020 - 2022 cho 278 ĐVSNCL. Hiện nay 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 159/159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ chế tự chủ.
Ngày 21.6.2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.8. Theo sự phân công của UBND tỉnh, Sở Tài chính đang chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các hoạt động: Xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt phương án tự chủ tài chính; đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; xác định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước...
Yêu cầu quan trọng trong thời gian đến là đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra.
Cụ thể, đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính nhà nước và cơ chế tài chính đối với ĐVSNCL; chủ động chuyển đổi các ĐVSNCL sang mô hình tự chủ hoàn toàn về chi đầu tư và chi thường xuyên. Thực hiện mô hình quản trị đối với các ĐVSNCL theo mô hình DN; thực hiện việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần theo quy định và lộ trình của Chính phủ.
Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt, trước hết là các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, y tế, KH&CN. Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và có chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Một khi các ĐVSNCL nâng cao khả năng tự chủ và từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chất lượng dịch vụ công sẽ tiếp tục cải thiện, tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội lựa chọn, tiếp cận các dịch vụ với chất lượng ngày càng cao. Qua đó, góp phần cải thiện thu nhập của người lao động tại các ĐVSNCL, đảm bảo chỉ tiêu cải cách tài chính công.
HOÀI NHÂN (Ghi)
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)