Cảnh giác với tà đạo trên mạng xã hội
Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, việc các tà đạo “núp bóng” trên mạng xã hội dễ gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.
Trên thực tế, nếu đăng ký hoạt động như một tổ chức, một hội đoàn tôn giáo chính thức, các tà đạo dễ bị các tổ chức tôn giáo chính thống phát giác, bị các cơ quan chức năng kiểm soát. Và, chính sự nở rộ của các mạng xã hội, nhất là các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo, TikTok, Zoom... đã tạo mảnh đất “màu mỡ” cho các tà đạo hoạt động.
Điển hình là nhóm “Hội thánh Đức chúa trời mẹ”, sau khi bị phát giác, xóa bỏ các tụ điểm sinh hoạt tập trung đã chuyển hướng sang truyền giáo trực tuyến trên mạng xã hội, sử dụng một số ứng dụng như Zoom, Skype… Đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19, hoạt động dạy học trực tiếp gián đoạn, các em có nhiều thời gian trên không gian mạng, dễ bị lôi kéo vào các hội, nhóm.
Mạng xã hội đang là mảnh đất “màu mỡ” của các tà đạo để lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin, gây bất ổn cho đời sống xã hội (ảnh minh họa). Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, các đối tượng tổ chức sinh hoạt tôn giáo trá hình trên mạng còn hướng tới người già, người mắc bệnh nan y, dễ bị dụ dỗ tin theo. Cách thức tiếp cận rất tinh vi, không dùng hình ảnh ma quỷ, cúng bái cực đoan, mà dùng những thuật ngữ khoa học, triết lý nhân sinh để dụ dỗ, mê hoặc. Đáng lo ngại là ngày càng có nhiều người tin vào những lời dụ dỗ sáo rỗng về tinh thần lạc quan, đánh thức tiềm năng bản thân, năng lượng trường sinh, nhất là chữa bệnh bằng năng lượng, không cần dùng thuốc…
Cách thức hoạt động của các hội nhóm này tương đối giống nhau. Khởi đầu là những mẩu “PR” đơn giản trên Facebook, Zalo… có khi sử dụng các video, những buổi livestream với những lý lẽ nhân văn cao đẹp, mời gọi “con mồi” tham gia các buổi hội thảo trực tuyến. Các buổi livestream hay hội thảo trực tuyến có vô số các nick ảo lẫn nick thật là những “con mồi” đã “dính câu”, hoặc được thuê tham gia để được trả công. Đây chính là chiêu lừa mà các hội bán hàng đa cấp thường sử dụng.
Một khi đã tham gia và tin theo, “con mồi” sẽ tham gia các nhóm kín, group không công khai, chỉ có những người tin theo mới được đăng ký thành viên để tham gia sâu hơn vào các hoạt động khác. Sau đó, dần dần tham gia tích cực vào hoạt động của hội, nhóm, hết mình cống hiến cho tà đạo, như đóng góp quỹ từ thiện, mua sách, tài liệu, thực phẩm dưỡng sinh... Và, đáng lo ngại nhất là nhiều người nghe và làm theo, khi có bệnh không chịu đi khám, không sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ. Không ít người mắc bệnh mãn tính nguy hiểm, bị ung thư đã bỏ qua “giai đoạn vàng” điều trị theo y học hiện đại, phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Theo ông Hồ Quang Thơm, Trưởng Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), trước sự xuất hiện của các đạo lạ, tà đạo trên mạng xã hội, tỉnh đã thông báo, yêu cầu và được 11 huyện, thị xã, thành phố báo cáo đến nay chưa ghi nhận thông tin về việc rủ rê người dân tham gia sinh hoạt tôn giáo trá hình trên mạng. Đồng thời, các tôn giáo chính thống, được công nhận hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với chủ trương chống lại các tà đạo hoạt động trá hình.
“Tuy nhiên, người dân không được chủ quan, phải hết sức cảnh giác, nhất là trong giai đoạn học sinh, sinh viên không đi học trực tiếp, tham gia nhiều hội nhóm trên mạng, rất dễ bị lôi kéo. Chúng ta phải xác định “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, một khi đã vướng vào thì rất khó cứu chữa, khắc phục”, ông Thơm khuyến cáo.
Nâng cao cảnh giác trong giai đoạn nhạy cảm
Bên cạnh lợi dụng không gian mạng, các hình thức sinh hoạt tôn giáo trá hình theo nhóm nhỏ, quy mô gia đình cũng dễ dẫn đến nhiều biến tướng nguy hiểm, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. UBND tỉnh đã nhiều lần yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, quan trọng là thường xuyên tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn khu dân cư. Không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương phòng, chống dịch Covid-19 để có các hoạt động mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là tổ chức các sinh hoạt tôn giáo tại nhà, dẫn đến tình trạng “biến gia thành tự”.
HOÀI NHÂN