Tìm giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023
(BĐ) - Chiều 25.12, Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” diễn ra phiên toàn thể. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ VH-TT&DL và tỉnh Nghệ An tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu ở 19 tỉnh, thành trọng điểm về du lịch. Đây là sự kiện này nằm trong chuỗi hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức thường niên từ năm 2017.
Tham gia phiên toàn thể có các đồng chí: Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tham gia Hội thảo tại điểm cầu Bình Định có Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, đại diện các sở, chuyên gia du lịch, đơn vị kinh doanh du lịch.
Tại phiên toàn thể, Hội thảo nghe phát biểu của lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ; các báo cáo đánh giá về tác động của dịch Covid-19, đề xuất giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023 của các bộ, ngành và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, DN.
Trước đó, tại phiên chuyên đề diễn ra sáng 25.12, Hội thảo đã nghe báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia và các DN về chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch, xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng Covid-19 để phát triển du lịch.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của du lịch: Thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm và cải thiện cuộc sống người dân; bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng.
Số lượng khách, doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Nhiều DN du lịch tạm dừng, chấm dứt hoạt động hoặc buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự. Lao động du lịch hầu hết bị mất việc, không có thu nhập, buộc phải chuyển làm nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại.
Bên cạnh đó, DN lữ hành, vận tải du lịch đường bộ, đường thủy, đường không gần như dừng hoạt động vì không có khách và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh. Cơ sở lưu trú du lịch và cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm phục vụ du khách thiệt hại rất lớn. Nhiều cơ sở sau thời gian hoạt động cầm chừng phải đóng cửa, trang thiết bị xuống cấp, chi phí bảo trì tăng cao. Sự suy giảm của ngành du lịch đã tác động đến nhiều ngành nghề lĩnh vực liên quan trong chuỗi giá trị ngành như vận tải, ăn uống, khách sạn, bán lẻ...
Phiên chuyên đề đã đề cập đến 5 nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch, gồm có: 1- Mở cửa hoạt động du lịch gắn với đảm bảo an toàn; 2- Hỗ trợ DN và người lao động trong ngành du lịch; 3- Đổi mới chính sách, tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; 4- Đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới; 5- Xây dựng thể chế, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển.
NGUYỄN VĂN TRANG