Rộn vui làng bún Song Thằn
Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, mọi hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, làng nghề truyền thống bún song thằn An Thái thuộc xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn phục hồi mạnh mẽ.
Tại An Thái hiện có 14 hộ sản xuất bún song thằn. Chủ một cơ sở sản xuất bún song thằn cho biết, bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất 150 kg bún, giá bún hiện nay là 190 nghìn đồng/kg.
Làng nghề truyền thống bún song thằn nằm bên bãi bồi sông Côn, An Thái.
Bún song thằn An Thái có hương vị thơm ngon độc đáo và dinh dưỡng cao, vì được làm hoàn toàn từ đậu xanh. Vậy nên, đây là một trong những đặc sản Xứ Nẫu nổi tiếng, được nhiều người ưa chuộng, đông đảo du khách mua làm quà biếu.
Bún song thằn được thưởng thức với nhiều cách khác nhau. Có thể chế biến bún bò, bún gà, bún tôm, nấu miến…, hay làm bún xào, đều rất ngon.
Chị Lâm Thùy Trang, một thợ làm bún An Thái khẳng định, muốn có bún song thằn ngon thì đậu xanh nguyên liệu nhất thiết phải là loại thật tốt. Đậu được phơi nắng cho thật khô rồi ngâm nước lạnh qua đêm, sau đó đem đậu xay. Bột xay xong thì lọc nhiều lần để có được tinh bột nguyên chất, lại đem phơi nắng cho khô rồi mới làm bún. Theo ông Nguyễn Phi Hổ, 63 tuổi, người có thâm niên trên 40 năm trong nghề làm bún song thằn, để bột nguyên liệu làm bún đạt chất lượng cao, nên phơi bột dưới ánh nắng tự nhiên và đảo đều thường xuyên.
Kinh nghiệm nhào bột làm bún cũng góp phần đáng kể vào chất lượng thành phẩm bún song thằn. Bột nhão bún sẽ dính và khó tạo hình, còn bột khô thì bún dễ bị gãy.
Tiếp đến, cho hỗn hợp bột đã nhào vào khuôn để ép ra sợi. Bún được ép trực tiếp vào nồi nước sôi, khi chín thì vớt ra làm mát bằng nước lạnh để bún dai hơn.
Và, sân phơi bún song thằn từ hàng trăm năm qua của người dân làng An Thái chính là bãi bồi của sông Côn huyền thoại.
ĐÀO TIẾN ĐẠT