Tập trung thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU
Tới đây, Ðoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sang Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp cùng các sở, ban, ngành và các địa phương tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn vi phạm IUU; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiếp và làm việc với Ðoàn thanh tra của EC trong trường hợp được lựa chọn.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Gần 5 năm qua, Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong triển khai đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU và bước đầu đã có một số chuyển biến tích cực; công tác kiểm tra, giám sát sản lượng xác nhận và chứng nhận nguồn gốc khai thác thủy sản thực hiện tốt. Dù vậy, tình trạng tàu cá bị bắt giữ do vi phạm IUU vẫn chưa dứt hẳn.
Từ đây cho đến ngày 10.10, ngành chức năng tỉnh Bình Định tập trung rà soát, hướng dẫn và cấp giấy phép khai thác cho tàu cá. Ảnh: THU DỊU
Năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 34 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ (trong 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 7 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ). Ngành chức năng đã xử phạt 18 trường hợp với số tiền 16,2 tỷ đồng và tịch thu xung công quỹ 2 tàu. Song, các trường hợp xử phạt đều chưa thực hiện, bởi hoàn cảnh các chủ tàu còn khó khăn.
Cùng với đó, hệ thống giám sát tàu cá, thiết bị VNS chưa ổn định, thông suốt, nhiều tàu cá bị mất kết nối, gián đoạn, vượt ranh giới bị cảnh báo; công tác quản lý cảng cá trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, chưa giám sát được sản lượng toàn bộ tàu thuyền cập cảng…
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, nguyên nhân tình trạng kể trên là do một số ngư dân vì lợi ích kinh tế cá nhân đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Nhiều chủ tàu không trực tiếp tham gia khai thác mà thuê mướn thuyền trưởng điều khiển, tự tổ chức đánh bắt. Vì muốn nhanh chóng có thu nhập cao, thuyền trưởng cố tình xâm phạm lãnh hải các nước khác để khai thác thủy sản bất hợp pháp. Tất cả chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh, nhiều năm liền không đưa tàu cá về địa phương gây khó khăn trong công tác tuyên truyền phổ biến các quy định.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khách quan việc phân định ranh giới trên biển giữa các nước trong khu vực, đặc biệt ở vùng biển phía Nam của Việt Nam chưa rõ ràng, nên có trường hợp tàu khai thác hải sản ở vùng chồng lấn, vùng đang có tranh chấp đã bị lực lượng tuần tra nước ngoài bắt giữ, đưa về nước họ để xử lý. Một số trường hợp tàu gặp gió bão hoặc chạy tránh trú bão, tàu bị hỏng máy trôi trên biển… bị dạt vào các vùng biển nước ngoài nhưng không biết các biện pháp xin hỗ trợ khẩn cấp và đã bị bắt giữ.
Gấp rút triển khai các giải pháp ngăn chặn IUU
Trước tình hình này, UBND tỉnh giao ngành nông nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể cho từng vấn đề mà EC khuyến nghị. Theo đó, từ đây cho đến ngày 10.10, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát và thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá của ngư dân trong tỉnh (đến nay đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 4.841/5.815 tàu cá, còn lại 974 tàu chưa cấp giấy phép); rà soát lại toàn bộ thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá trên 15 m, theo dõi các tín hiệu từ thiết bị giám sát hành trình, xác định các vị trí neo đậu nắm bắt thông tin của tàu cá.
Đối với công tác quản lý trên bờ, phải tăng cường quản lý tàu cá ra vào cảng, bốc xếp hàng hóa, giám sát và xác nhận nguồn gốc sản phẩm tại cảng đúng quy định. Các Tổ IUU trong và ngoài tỉnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cập bến, xuất bến. Tăng cường kết nối thông tin với các tỉnh phía Nam nơi có tàu cá Bình Định hoạt động để quản lý tốt đội tàu, tiếp nhận nhanh và kịp thời các vấn đề phát sinh để xử lý.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo ngành nông nghiệp, các sở, ngành và địa phương tập trung vào những giải pháp cụ thể, nỗ lực tối đa để khắc phục những điểm còn tồn đọng. Đồng thời, Sở NN&PTNT thành lập các tổ kiểm tra đi về các địa phương, đặc biệt là các địa phương có nhiều tàu cá vi phạm để cùng triển khai các bước tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân.
THU DỊU