Chung tay vì phụ nữ và trẻ em
Thời gian qua, các cấp hội Phụ nữ đã nỗ lực triển khai đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” (gọi tắt là Đề án 938). Nổi bật trong giai đoạn 1 (2018 - 2021) của Đề án là hiệu quả từ các hoạt động, chương trình chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Hỗ trợ thông qua các mô hình
Một số mô hình hướng đến trẻ em đã được các cấp Hội LHPN tỉnh phối hợp triển khai rộng khắp như “Vòng tay yêu thương”, “Tư vấn học đường”, “Chắp cánh ước mơ”… Nổi bật là mô hình “Tư vấn học đường” của Trường THCS Bình Thành (huyện Tây Sơn), hoạt động từ năm 2019. Từ sự gần gũi, khích lệ các em chia sẻ nỗi lòng, các thầy cô trong tổ tư vấn đã “gỡ rối”, đem lại hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ học sinh.
Mô hình “Tư vấn tâm lý” của Trường THCS Bình Thành, huyện Tây Sơn. Ảnh: Hội LHPN tỉnh
Từng trải qua khủng hoảng tinh thần vì áp lực thi cử, em P.S.H (SN 2008, học sinh Trường THCS Bình Thành) chia sẻ, vì ông nội em rất quan trọng thành tích học tập, hay có sự so sánh điểm số giữa các cháu, dẫn đến tình trạng H. cùng anh chị em trong nhà thường xuyên căng thẳng. Trước kỳ thi học sinh giỏi của huyện, H. đặt mục tiêu phải đạt giải. Vốn có thành tích nổi bật trong học tập, thầy cô, bạn bè tin tưởng H. hoàn toàn đạt được mục tiêu.
“Em muốn giúp ba mẹ hãnh diện, được ông nội quan tâm, yêu thương nên em cố gắng cả ngày lẫn đêm để học bài. Em không dám chia sẻ với mẹ bởi sợ mẹ lo lắng. Thay vào đó, em tìm đến phòng tư vấn với hy vọng được lắng nghe và thầy cô sẽ tư vấn cách giải quyết”, H. tâm sự.
Đồng hành với H., cô Nguyễn Thị Hồng Nhi, Tổng phụ trách Đội của trường, cũng là thành viên trong ban tư vấn, cho biết: “Tôi trò chuyện với H. và được biết em căng thẳng vì chuyện thi cử và cả tâm sinh lý của tuổi dậy thì. Không chỉ H. mà nhiều học sinh cũng đối mặt với các vấn đề tương tự, thậm chí là bạo lực gia đình. Khi đó, ban tư vấn sẽ tìm hiểu sự việc, phối hợp với nhà trường, hội phụ nữ tìm cách tháo gỡ giúp các em”.
Song song với việc trợ giúp trẻ em, các mô hình hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ cũng được các cấp hội chú trọng, như: Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; CLB phòng, chống bạo lực gia đình, can thiệp, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại; CLB trợ giúp pháp lý; CLB Gia đình hạnh phúc…
Là một trong 3 cơ sở hội có mô hình điểm về “Hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội” tại TP Quy Nhơn, Hội LHPN phường Ghềnh Ráng coi trọng việc duy trì hoạt động của mô hình này. Bà Nguyễn Thị Sáu, Chủ tịch Hội LHPN phường, cho biết: “Nhờ thường xuyên sinh hoạt, các hội viên trong mô hình nắm bắt kịp thời tình hình và cùng hội ý, hỗ trợ nhiều trường hợp là nạn nhân hoặc bị đe dọa bởi bạo lực gia đình. Nhờ tính thiết thực đó mà mô hình được duy trì và phát triển từ năm 2018 đến nay”.
Đồng hành, nâng cao hiểu biết
Đều là những đối tượng dễ chịu sự tổn thương về thể chất lẫn tinh thần, phụ nữ và trẻ em luôn được quan tâm, tạo điều kiện nâng cao kiến thức và kỹ năng tự vệ.
Trong giai đoạn 1 của Đề án, hàng loạt hoạt động tuyên truyền đã được các cấp hội tổ chức. Theo số liệu của Hội LHPN tỉnh, 31 điểm truyền thông về Đề án được triển khai tại 11 huyện, thị, thành phố, thu hút gần 2.500 người tham dự; 4 điểm truyền thông nhân “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ gắn an toàn cho phụ nữ và trẻ em” có trên 500 lượt phụ nữ và trẻ em tham gia; 3 buổi truyền thông về kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường cho hơn 700 học sinh ở TX Hoài Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, huyện tổ chức trợ giúp pháp lý, kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 2.642 hội viên…
Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc đồng hành với phụ nữ, trẻ em trong đời thường được các cơ sở hội đặc biệt quan tâm. Ngay khi biết tin chị Cao Thị Huệ (SN 1978, ở khu phố Thiện Chánh 1) bị chồng sử dụng bạo lực vì mâu thuẫn, Hội LHPN phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) lập tức đến khuyên can, khéo léo chỉ ra việc vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình của người chồng. Đồng thời động viên cả hai cần chia sẻ khó khăn, chấm dứt tình trạng bạo lực, tránh tác động xấu đến hòa khí, đặc biệt là tâm lý của con trẻ trong nhà.
“Ngoài lần can thiệp kịp lúc đó, chị em trong hội còn thường xuyên hỏi thăm, động viên tôi tìm việc làm thêm để phụ chồng chăm lo gia đình. Các chị cũng tìm cách trò chuyện với chồng tôi để anh hiểu rõ đúng sai, không tái phạm. Nhờ vậy, vợ chồng tôi học được cách bình tĩnh giải quyết mâu thuẫn, thay vì sử dụng bạo lực”, chị Huệ tâm sự.
DƯƠNG LINH