Phải đổi mới hướng nghiệp cho học sinh
Trước thay đổi không ngừng của thị trường lao động, giáo dục hướng nghiệp cần thay đổi về nội dung và hình thức triển khai ngay tại trường phổ thông.
Tăng trải nghiệm, “trò tự thiết kế, tự thi công”
Từ năm học 2018 - 2019, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn) đưa nội dung giáo dục trải nghiệm vào chương trình giáo dục của trường. Hằng năm, mỗi lớp có từ 1 - 2 chuyến học tập trải nghiệm theo chủ đề như: Học tập trải nghiệm thông qua việc tổ chức lễ hội Trung thu cho học sinh (HS) Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, học tập trải nghiệm làng nghề truyền thống ở An Nhơn của các lớp chuyên Tiếng Anh; học tập trải nghiệm tại cao nguyên Vân Hòa (tỉnh Phú Yên), tại Hầm Hô (huyện Tây Sơn) của lớp chuyên Ngữ văn; học tập trải nghiệm tại khoa Toán và Thống kê (Trường ĐH Quy Nhơn) của lớp chuyên Toán; học tập trải nghiệm tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo của lớp chuyên Toán - Tin…
HS chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn học tập trải nghiệm tại khoa Toán và Thống kê (Trường ĐH Quy Nhơn). Ảnh: M.H
Bên cạnh đó, hoạt động CLB của HS Lê Quý Đôn là một hình thức trải nghiệm phát triển khá mạnh, hiệu quả, chuyển từ “thầy thiết kế - trò thi công” dần sang “trò tự thiết kế, trò tự thi công”, đặc biệt mô hình hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc Lê Quý Đôn mở rộng - LQDOMUN.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Phan Thị Ly Giang cho hay: “Đây là những hoạt động mà HS hoàn toàn chủ động và sáng tạo lên ý tưởng, lập kế hoạch xác định mục tiêu, nội dung, hình thức tổ chức và tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, việc tham gia CLB giúp HS học hỏi và rèn luyện được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, quan trọng là xác định được sở thích và năng lực, góp phần có định hướng nghề nghiệp đúng đắn”.
Tuy nhiên, những mô hình hướng nghiệp trải nghiệm giúp HS “nhìn xa trông rộng” như trên tại các trường THPT khác chưa nhiều. Trong khi đó, công tác giáo dục hướng nghiệp là một yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.
Tại hội thảo về hoạt động giáo dục hướng nghiệp các trường THPT do Trường ĐH Quang Trung tổ chức cuối tuần qua, theo ông Huỳnh Ngọc Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (TX An Nhơn), công tác hướng nghiệp của nhà trường còn nhiều hạn chế như chưa thực hiện hết chức năng của giáo dục hướng nghiệp; chưa tạo ra sự chuyển biến về thái độ nghề nghiệp và hiểu biết nghề nghiệp, đặc biệt chưa phát triển được năng lực lựa chọn nghề nghiệp phù hợp của từng HS. “Công tác tư vấn chọn nghề cho HS của nhà trường cũng chỉ dừng lại ở việc tổ chức giới thiệu ngành nghề để các em xem xét lựa chọn hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo tư vấn, giới thiệu ngành nghề đào tạo. Đây chỉ là giải pháp tình thế, thực sự chưa mang lại hiệu quả cao trong định hướng HS chọn lựa ngành học phù hợp”, ông Mai nhận định.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Phù Mỹ) nêu thực trạng vài năm trở lại đây, mỗi mùa tuyển sinh đại học có rất nhiều HS đăng ký khối ngành kinh tế, trong khi nhân lực khối ngành xã hội và kỹ thuật chất lượng cao lại thiếu hụt! Sự mất cân bằng trong phân bổ nguồn nhân lực như hiện nay một phần do định hướng nghề nghiệp cho HS THPT còn rất hạn chế.
Tăng cường hướng nghiệp trải nghiệm cho học sinh
Năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp trở thành hoạt động giáo dục bắt buộc khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bậc THPT. Chương trình đặc biệt chú trọng vai trò giáo dục định hướng nghề nghiệp, thời lượng thực hiện 105 tiết (3 tiết/ tuần). Theo Sở GD&ĐT, các trường cần xây dựng hoạt động trải nghiệm thực tế, tìm hiểu ngành nghề cho HS tối thiểu 1 lần/năm.
Bà Phan Thị Ly Giang cho rằng, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp được triển khai qua bốn mạch nội dung hoạt động chính hướng vào bản thân, hướng đến xã hội, hướng đến tự nhiên và hướng nghiệp. Một chương trình xuyên suốt và toàn diện như vậy nếu được thực hiện đầy đủ sẽ giúp HS có hiểu biết sâu sắc về hướng nghiệp, nhu cầu xã hội đối với các loại ngành nghề, tạo điều kiện để các em có thể hình thành và rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết, hiểu được bản thân… từ đó có thể tự làm tốt việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng các trường THPT cần xây dựng kế hoạch giáo dục chi tiết cho bộ môn hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các phong trào hoạt động của Đoàn thanh niên và hoạt động giáo dục. Mặt khác, cần phối hợp thật tốt các lực lượng xã hội, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng để tư vấn, hướng nghiệp, định hướng cho học sinh; tiếp tục xây dựng các CLB hoạt động Tiếng Anh; STEM; âm nhạc…
Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp, ông Huỳnh Ngọc Mai nhấn mạnh tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế, linh hoạt hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp, đảm bảo HS được tiếp cận đầy đủ thông tin về xu hướng và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Đặc biệt, huy động các nguồn lực xã hội như trường đại học, cao đẳng, DN tham gia giáo dục hướng nghiệp tạo thuận lợi để HS có cơ hội tìm hiểu, học hỏi, thực hành ngành nghề; cũng như khai thác, sử dụng điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp…
TS Trần Thị Việt Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung khẳng định giáo dục hướng nghiệp là trách nhiệm của trường đại học, trường phổ thông và gia đình. Sự phối hợp giữa các bên sẽ giúp HS hiểu và lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp. Nghề nghiệp lý tưởng chính là sự giao thoa của 3 yếu tố: Sở thích, năng lực và điều xã hội cần. Vì vậy, HS rất cần sự hướng dẫn, tư vấn ngay trong trường học và gia đình.
MAI HOÀNG