Thơm cay ngày cũ
Tạp bút của TRẦN THỊ HUYỀN TRANG
Người Quy Nhơn và người lao động nơi khác đến Quy Nhơn làm việc, từ vài thập niên cuối thế kỷ hai mươi sang đầu thế kỷ hai mốt, mấy ai chưa ăn bánh canh Bà Tèo. Bà có ba đứa con, đứa lớn tên là Tèo, nên người ta lấy tên con để gọi bà - bà Tèo, dì Tèo, cô Tèo.
Chỉ biết bánh canh bà rẻ, ngon, đậm đà. Tô bún chả cá hai ngàn đồng, tô bánh canh chả cá năm trăm đồng. Tô bún chả cá tiến lên tám ngàn, mười ngàn, tô bánh canh lẹt đẹt ngàn rưỡi, hai ngàn. Lâu lắm lâu lắm, khi dì Tèo thiếu phụ đã thành bà Tèo lưng còng, khi cái đòn gánh đã dựng ở góc bếp và nồi bánh canh được khiêng lên một tấm gỗ có bốn bánh xe để kéo từ nhà trong hẻm ra vỉa hè đường lớn, giá của tô bánh canh vẫn dễ chịu đối với người lao động, với viên chức ít tiền. Đặc biệt là nó ngon, ngon một cách đầy đặn, đậm đà, tròn vị. Ngon một cách đặc biệt, khiến ai đã ăn là ghiền, và nhớ.
Có lần mới 5 giờ sáng tôi tìm tận nhà bà mua bánh canh về cho con trước khi đi công tác. Nhà bà lạ ở chỗ, từ con hẻm rẽ vào, bước lên dốc hè là gian bếp, rồi mới tới gian chính, vừa là không gian sinh hoạt gia đình vừa là buồng ngủ. Khi tôi bước vào gian bếp nhỏ, bà đang lom khom chụm củi, trong khi các con bà vẫn ngủ say.
Nồi nước dùng ninh xương heo, xương cá, một nắm tôm khô, trên một bếp lò đỏ rực. Khi nồi nước ninh đã “tới”, bà Tèo vớt hết xí quách, cho chả cá hoặc chả tôm vo viên bằng đầu ngón tay cái vào, nước trong nồi sẽ chuyển hồng nhạt màu lòng tôm. Bột gạo đã xay, đăng rút nước, trộn thêm ít bột mì, nhồi nhuyễn mịn, vắt thành nắm tròn từ đêm trước, lấy từng nắm để trên mặt thớt rồi dùng vỏ chai cán đều cho lớp bột ôm vòng lấy thân chai. Sau đó một tay nắm cổ chai, tay kia dùng dao lỉa dọc thân chai, sợi bánh đều tăm tắp rơi vào nồi nước dùng đang sôi. Bột bánh nhồi kỹ nên dù nấu chín vẫn săn chắc, vừa dai vừa mềm nhưng không bở (khác với sợi bánh đại trà, lúc ăn mới trụng nước sôi cho vào tô, thả vào nước sôi năm ba phút đã nở thừ lừ, gãy vụn).
Bánh canh chả cá viên múc ra tô nóng hổi, bà Tèo sẽ cho thêm mươi miếng chả cá chiên cắt thẻ, rồi nhón tay rắc hành ngò, rau răm, tiêu bột lên mặt bánh nghi ngút khói. Thực khách vừa hít mùi thơm vừa nêm thêm tương ớt, nước mắm ớt cho vừa miệng. Vừa húp vừa hít hà. Mùa đông bánh canh nóng cực ngon. Mùa hè, vừa ăn vừa chặm mồ hôi, vẫn... cực ngon. Mỗi anh thợ hồ, xích lô hai tô, trụ vững tới trưa. Học trò một tô. Các cô gái thùy mị rón rén cũng một tô. Ăn rồi, môi má đỏ lựng, nước mắt rơm rớm vì cay tiêu, cay ớt.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN MAI LONG
Thực khách không biết rõ gia cảnh của bà, chỉ mang máng rằng gánh bánh canh của bà nuôi cả nhà, vì sáng sáng các con bà lần lượt ra đứng chờ mẹ cho mấy đồng trước khi tới trường hoặc đi học nghề, cầm tiền mẹ đưa, nán lại vài phút nghe mẹ dặn dò. Bà vừa cắt đặt phần việc của từng đứa con, vừa cắm cúi múc bánh canh cho khách. Thường khi con bà rời bước, bà mới ngẩng lên, lặng lẽ nhìn theo chúng, lúc thì mỉm cười, lúc thì lắc đầu nhè nhẹ.
Người mẹ ấy, hẳn là nghèo, nhưng cách bà buôn bán lại tử tế, xởi lởi. Khách quen tới kéo cái đòn gỗ, bà chỉ cần nhìn qua là biết nên múc như thế nào cho vừa ý. Đối với cánh lao động nặng, xích lô, ba gác, thợ hồ, bà luôn ý tứ giảm chút chả, thêm ít bánh để họ đủ no, thảng hoặc có anh liếc theo miếng chả lầu bầu, bà tặc lưỡi cho luôn. Phần bánh bán mang về cho người già, trẻ nhỏ, bà luôn âm thầm biệt đãi, múc lớp gần đáy nồi để giữ độ nóng lâu hơn, và cẩn thận gói riêng tiêu ớt, nhắc đề phòng bị sặc. Quanh nồi bánh canh của bà, lúc lửa đã ngún, khách đã vơi, cũng là lúc dăm người vô gia cư ghé lại, bà chỉ lấy nửa tiền hoặc đôi khi miễn phí.
Trong tập hợp người Quy Nhơn mê bánh canh bà Tèo, học sinh chiếm một phần không nhỏ. Các con tôi lót dạ bánh canh sáng từ hồi tiểu học đến thời trung học. Tất nhiên là có nhiều món mê mẩn khác nữa, như bánh mì chấm, bánh xèo vỏ, bánh bèo nóng, xôi thập cẩm... Nhưng đầu bảng trong cõi nhớ khi xa vẫn là món bánh canh bà Tèo.
Cháu tôi, một học trò trung học thưở ấy, khi đã là cha của hai học trò tiểu học ở Sài Gòn, mỗi lần về Quy Nhơn là dong xe ra mua bánh canh bà Tèo, rồi đi ngang thả cho dì mấy bịch: Dì ơi, con mua luôn cho dì nè, ăn bánh canh này mới “đã”.
Rồi một ngày, bên nồi bánh canh vỉa hè, không còn bóng bà Tèo nữa. Không còn chiếc đòn gánh và đôi gióng tre lên nước bóng loáng dựng sát tường. Những cái đòn gỗ thấp tẹt để khách ngồi đã thay bằng ghế nhựa. Thế chỗ bà là cô cháu gái, người từng gánh đỡ cho bà từ những mùa mưa trước.
Năm tháng đi qua, mà lòng người cứ hay ngoái lại. Tôi bắt gặp ở mình điều đó khi cho xe chạy rất chậm qua khúc quanh này, nơi mưa xiên, nắng chéo, và những ngọn gió chùng chình đều nhắc nhớ vị bánh canh mằn mặn thơm cay ngày cũ.