Hỗ trợ 13 trường mầm non công lập tự chủ: Mừng nhưng chưa hết lo
Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/NQ-HÐND ngày 11.12.2021 của HÐND tỉnh, năm 2022 tỉnh bắt đầu triển khai cơ chế hỗ trợ kinh phí trong 3 năm đối với 13 trường mầm non thuộc diện chuyển đổi sang loại hình trường công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính. Ðây là hỗ trợ cần thiết, nhưng về lâu dài các trường chưa hết lo.
13 trường mầm non, mẫu giáo (MN, MG) chuyển đổi gồm: MG Hương Sen, MN Hoa Sen, MN Quy Nhơn, MN Phong Lan, MN 2/9 (Quy Nhơn); MN huyện Tuy Phước (Tuy Phước); MN Bồng Sơn, MN Tam Quan (Hoài Nhơn); MN thị trấn Phù Mỹ (Phù Mỹ); MN 19/5 (Phù Cát); MN TX An Nhơn, MN phường Đập Đá (An Nhơn); MN Tây Sơn (Tây Sơn).
Học phí giảm, trẻ tăng trở lại
Đỉnh điểm của tăng học phí theo lộ trình tự chủ tài chính là năm học 2021 - 2022, mức thu của Trường MN Hoa Sen vọt lên 1,38 triệu đồng/tháng/trẻ. Học phí tăng, song cơ sở vật chất xuống cấp, cộng thêm dịch Covid-19 khiến số lượng trẻ theo học giảm chỉ còn 59 trẻ. Nỗi lo giải tỏa phần nào khi năm 2022 trường được hỗ trợ theo Nghị quyết 33/2021/NQ-HĐND, áp dụng mức thu như các trường MN công lập tự chủ một phần về tài chính là 270 nghìn đồng/tháng/trẻ. Thành phố cũng đầu tư xây mới dãy phòng học 2 tầng; cải tạo khu nhà hiệu bộ cho trường. Hiệu trưởng Phạm Thị Ngọc Lan cho hay, nhờ đó số trẻ huy động dần tăng trở lại, hiện có 132 trẻ (chỉ tiêu Phòng GD&ĐT thành phố giao 115 trẻ).
Trường MN Hoa Sen thu hút trẻ trở lại sau khi áp dụng mức học phí hợp lý và được đầu tư cơ sở trường lớp khang trang. Ảnh: M.H
Từng là trường “hot” của Quy Nhơn khi có thời điểm lên đến 290 trẻ, nhưng khi triển khai mức thu học phí 1,36 triệu đồng/tháng/trẻ, cộng hưởng với dịch bệnh, số trẻ vào Trường MN 2/9 tuột xuống còn 90 trẻ. Năm 2022, áp dụng mức thu 270 nghìn đồng/tháng/trẻ, trẻ huy động ra lớp tăng lên 213 trẻ. “Cơ chế hỗ trợ này rất phù hợp và kịp thời cho trường. Cùng với hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi chủ động tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ”, Hiệu trưởng Mai Thị Việt vui vẻ nói.
Nghị quyết 33/2021/NQ-HĐND được tỉnh thực hiện từ tháng 1.2022, kéo dài trong 3 năm cho 13 trường MN, MG. Các trường được thu học phí như các trường MN công lập tự chủ một phần về tài chính. Địa phương cũng quan tâm hơn trong đầu tư cơ sở, đội ngũ giáo viên cho các trường. Hiện, 13 trường có 101 nhóm/lớp (tăng 2 nhóm so với năm học trước), với 2.909 trẻ (tăng 641 trẻ). 2/13 trường được đầu tư xây mới; 4/13 trường sửa chữa một số hạng mục; 7/13 trường mua sắm thiết bị dạy học bổ sung… hơn 10,8 tỷ đồng. Quy mô trường lớp tạm ổn định và phát triển; cơ sở vật chất một số trường đã được cải thiện; hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên an tâm công tác.
Vẫn lo…
Với hỗ trợ của Nghị quyết 33/2021/NQ-HĐND, Trường MN Tam Quan thu hút nhiều hơn trẻ đến trường, hiện có 425 trẻ (chỉ còn thiếu 15 chỉ tiêu giao), việc chi trả lương cho cán bộ, nhân viên kịp thời hơn. Tuy nhiên, nỗi lo của Hiệu trưởng Võ Thị Minh Loan là ở lộ trình tiếp tục thực hiện tự chủ sau khi kết thúc 3 năm cơ chế hỗ trợ của tỉnh. Bởi, rà soát đơn vị chỉ đảm bảo được một phần chi thường xuyên (tự đảm bảo từ 10% - 30% chi thường xuyên) theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
Tương tự, bà Mai Thị Việt cũng trăn trở mức tự chủ tài chính sau thời điểm hỗ trợ của tỉnh cần tính toán theo lộ trình phù hợp. Cùng với đó, cần đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất cho trường; cơ chế linh hoạt hơn trong hoạt động giáo dục, tuyển dụng giáo viên…
Trong khi đó, một số trường MN, MG đến nay chưa được quan tâm đầu tư cơ sở; huy động trẻ ra lớp vẫn thấp như: MN thị trấn Phù Mỹ (80 trẻ), MN TX An Nhơn (90 trẻ), MN phường Đập Đá (112 trẻ)…
Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cùng với hỗ trợ của tỉnh, thành phố xây dựng đề án chuyển đổi loại hình trường công lập tự chủ, tự đảm bảo chi thường xuyên theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP cho 5 trường MN, MG. Tính toán lộ trình tự chủ từng giai đoạn từ 10% - 100% chi thường xuyên đến năm 2030. Đồng thời, thành phố tiếp tục cân đối đầu tư cơ sở vật chất cho các trường.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm cho hay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương liên quan khẩn trương xây dựng đề án tiếp tục chuyển đổi sang loại hình trường MN công lập tự chủ, tự đảm bảo chi thường xuyên theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, hoàn thành trong tháng 12.2022. Các sở, ngành phối hợp với các địa phương tổ chức thẩm định đề án và có kế hoạch hỗ trợ quan tâm đầu tư cơ sở, đồ dùng, đồ chơi một cách đồng bộ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, tạo điều kiện cho 13 trường có khả năng cạnh tranh với các trường MN công lập tự chủ một phần về tài chính và trường MN tư thục trên cùng địa bàn khi bắt đầu thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính.
MAI HOÀNG