Đầu năm trẩy hội chợ Gò
Đầu năm hái lộc cầu duyên
Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò
Hai câu ca dao ấy đã thấm đượm trong tiềm thức của nhiều người dân Tuy Phước nói riêng và quê hương “xứ Nẫu” - Bình Định nói chung. Vì vậy, chẳng ai bảo ai, hẹn ai, nhưng cứ vào sáng mùng 1 tết Nguyên đán hằng năm, mọi người từ khắp nơi lại cùng nhau trẩy hội chợ Gò - Trường Úc (khu phố Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước), hái lộc đầu năm, cầu cho quốc thái dân an, mọi người, mọi nhà một năm mới an khang thịnh vượng.
Đây là phiên chợ mang đậm nét văn hóa của miền đất Võ. Chợ Gò được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp vào “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam”, bởi mỗi năm chỉ nhóm họp vào mùng 1 và mùng 2 tết âm lịch.
Ngoài trầu cau, mặt hàng đu đủ, quả sung, dừa trái cũng được bán tại phiên chợ Gò. Ảnh: TRỌNG LỢI
Sáng 22.1 (nhằm mùng 1 tết Nguyên đán), UBND huyện Tuy Phước Hội Xuân chợ Gò - Xuân Quý Mão 2023. Lãnh đạo Sở VH&TT, chính quyền địa phương và đông đảo nhân dân trong, ngoài tỉnh đến dự. Sau phần đánh trống khai hội, là chương trình nghệ thuật “Chào xuân mới” do Trung tâm VH-TT&TT huyện thực hiện, với nhiều tiết mục văn hóa nghệ thuật đặc sắc, như: Biểu diễn trống hội, múa lân; hô hát bài chòi; ca hát…
Năm nay, hội chợ Gò diễn ra trong tiết trời ấm áp. Thời tiết thuận lợi nên có khá đông người dân trong tỉnh, du khách nô nức về chợ. Không khác là mấy so với mọi năm, phiên chợ độc đáo của tết Việt bán nhiều mặt hàng, nhưng chính vẫn là trầu cau, đu đủ, muối, gạo, các loại rau xanh, củ quả. Len lỏi trong những mặt hàng truyền thống này còn có mặt hàng hải sản tươi sống (cá, tôm, cua), thịt gia súc (heo, bò)… Vì thế, “menu” ở phiên chợ thêm phong phú, song vẫn giữ nét mộc mạc truyền thống.
Điểm thú vị ở phiên chợ Gò là người bán, người mua luôn dành cho nhau cụ nười niềm nở, tay bắt mặt mừng, cùng “giao dịch” những mặt hàng, nhưng không mặc cả về giá. Những bao lì xì xinh xắn, dễ thương được nhiều khách hàng tặng cho các bà, các chị, em sau khi mua hàng cũng góp phần đem đến nhiều hình ảnh đẹp, ý nghĩa và thú vị trong những ngày đầu năm mới.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiếu (bìa trái) có 20 năm bán trầu cau ở phiên chợ Gò đầu năm. Ảnh: TRỌNG LỢI
Theo bà ngoại bán trầu cau ở chợ Gò vào mùng 1 tết từ lúc mới 15 tuổi, ngót nghét đến nay, chị Nguyễn Thị Thu Hiếu, ở thôn Tú Thủy, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) đã có 20 năm tham gia buôn bán ở chợ. “Sau khi bà mất, tôi muốn giữ lại một kỷ niệm ở bà là duy trì việc bán trầu cau hằng năm tại chợ Gò. Mỗi lần góp mặt tại phiên chợ đặc biệt này tôi cảm thấy rất vui, thoải mái trong lòng và đôi lúc có chút bâng khuâng về những ký ức tình cảm của bà và cháu”.
Bà Nguyễn Thị Hương, 83 tuổi, ở xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) bán trầu cau ở chợ Gò vào sáng mùng 1 tết.
+ Trong ảnh: Người bán, người mua ở chợ Gò dành cho nhau lời chúc mừng năm mới và món quà lì xì đầu năm mới. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tết này, bà Nguyễn Thị Hương, 83 tuổi, ở xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) nhờ con sử dụng ô tô chở xuống ít trầu cau, gạo, muối để bán ở phiên chợ Gò. Đây là năm thứ 8 liên tiếp bà góp mặt trong phiên chợ đầu năm. Bà cho biết, cốt yếu đến chợ Gò là để gặp gỡ với bà con, gửi lời chúc nhau sức khỏe, cầu mong năm mới “mưa thuận gió hòa”. Lần nào đi chợ Gò về lòng bà cũng thoải mái, khỏe hơn.
“Tôi thấy, ai đến chợ Gò cũng vui vẻ, cởi mở. Vì vậy, 2 năm nay, tôi rủ thêm bà Nguyễn Thị Hương, 83 tuổi, ở gần nhà cùng đi bán. Tôi và mợ ấy ngồi gần nhau. Mọi người mua mặt hàng của ai tôi cũng vui, vì chúng tôi đi chợ chủ yếu để thư thái tâm hồn”, cụ Hương thổ lộ lý do tuổi đã cao nhưng vẫn quyết tâm đi phiên chợ Gò hằng năm.
Trầu cau, đu đủ vừa chín, tươi ngon được bán ở chợ Gò ngày mùng 1 tết. Ảnh: TRỌNG LỢI
Nhiều loại bong bóng đủ màu sắc, kích cỡ được người dân bán xung quanh chợ Gò. Ảnh: TRỌNG LỢI
Các nghệ sĩ biểu diễn các tiết mục văn nghệ trong Hội Xuân chợ Gò - Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: TRỌNG LỢI
Đông đảo người dân theo dõi Hội Xuân chợ Gò - Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: TRỌNG LỢI
“Gắn với truyền thuyết địa phương, nơi đây ngày xưa là tiền đồn của quân Tây Sơn đóng giữ để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Tết đến, Hoàng đế Quang Trung chỉ dụ cho phép mở hội vui xuân tại chợ Gò Trường Úc, trước là để nhân dân vui xuân sau chiến tranh mất mát, khổ nhọc, sau là để ba quân vui xuân vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình. Chỉ dụ còn quy định thời gian vui xuân từ mùng một đến mùng ba tết. Chợ Gò là nơi không có sự thách trả, cãi vã như thường ngày và sự mua bán chẳng qua chỉ là cách để trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang, thịnh vượng chứ không đơn thuần là lý do kinh tế…” – (trích Tuy Phước - lịch sử và văn hóa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2015)
TRỌNG LỢI