Đêm nằm nhớ gió
Tản văn của HỒ MINH TÂM
Nhờ gió mà tháng Giêng năm ngoái tôi đến với Bình Định, neo mình trên bán đảo Phương Mai, bén rễ trên những đồi dương chập chùng Phù Cát. Mới đó đã một năm, tôi ăn nằm, tôi buồn vui miên man cùng gió.
***
Mấy hôm rồi về quê ăn tết, tiết tết năm này không như các năm trước, ấy là không mưa phùn chan gió bấc, suốt dọc dài các tỉnh từ Bắc miền Trung bao đời nay đã quen với tiết trời tết ấy. Trời tết hợp với thịt mỡ, dưa hành, hợp với thịt kho đông, hợp với các cụ già ngồi hơ tay bên bếp củi đun nồi bánh chưng bánh tét, rổn rảng chuyện khoai sắn lợn gà. Tết này, Quảng Bình quê tôi trời không mưa mà chỉ gió, mà gió lại rất to, gió thật tình, gió như nói cả phần mưa... gió rung cây ngoài cửa sổ bất giác khiến tôi nhớ gió Phương Mai.
Gió làm tôi nhớ gió, tôi nhớ gió... ấy là tôi nói thật, chẳng phải nhớ giăng nhớ gió như tuổi mười lăm mười bảy, nhớ cái mắt nhìn, nhớ cái tay run, nhớ cái mùi khăn áo, nhớ cái dồn dập hơi thở lạc nhịp... nhớ như tuổi ấy, gió trăng chỉ là mượn cớ. Gió trăng tuổi ấy như là dung môi, như là cái lặng yên vắt ngang cái nhúc nhích...
Ảnh: NGUYỄN THÀNH THI
Tôi nhớ gió, bởi chúng tôi đang sống nhờ gió, chính xác là nhờ năng lượng điện từ gió, chém gió mà lấy tiền, mà vui, mà sống. Hẳn ai cũng biết “năng lượng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi mà chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác hoặc từ vật này sang vật khác”. Thật kỳ lạ một ông nhà nghiên cứu vật lý, hóa học nghề bác sĩ người Đức - Julius Robert von Mayer (1814 - 1878) đã p hát minh ra định luật ấy. Chỉ mấy dòng như thế mà rồi gợi mở khiến nhân loại biến gió thành điện, biến nước thành điện, biến nắng thành điện... Quả thực loài người tiến bộ đã tận dụng cái xung động của nước, của không khí để biến cái rung rinh thành cái lung linh ánh điện khắp hành tinh này. Trong ba nguồn năng lượng: Nước - thủy điện, gió - phong điện và nắng - điện mặt trời thì sau khi cân đong đo đếm ưu nhược điểm của từng nguồn cặn kẽ, thế giới tiến bộ đang hướng đến nguồn năng lượng tái tạo ít nguy hại đã xác nhận điện gió là ít ảnh hưởng đến môi trường nhất.
Tôi, từ lúc bén rễ trên những đồi dương chập chùng Phù Cát nhiều khi âm thầm sung sướng, hãnh diện vì dòng năng lượng cực sạch mà mình tham gia tạo ra từ những cơn gió Bình Định. Thời này, nhiều khi thông tin còn cần hơn cả cơm áo. Thế nên có gió là có điện, có điện là có nhau. Bởi thời này với công nghệ thông tin ngày một phát triển... đôi bờ đại dương, hai cực địa cầu dường chẳng phải là cách trở để người với người thậm thình cùng nhau. Đấy, tám tỷ người trên trái đất này cần gió. Nước ta, với hơn ba nghìn cây số bờ biển và nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Một số vùng ở Việt Nam quanh năm dồi dào gió. Theo số liệu từ Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới điều tra, khảo sát, công bố, cả nước có khoảng 2.600 cây số vuông có tốc độ gió trung bình trên 6m/s ở độ cao 80 m so với mặt đất - điều kiện tiên quyết, lý tưởng để đầu tư điện gió... Và những đồi cát trên bán đảo Phương Mai và vùng lân cận ở tỉnh Bình Định là một trong những vùng đất giàu tiềm năng đầu tư như thế.
Bình Định, như tôi từng biết đến là vùng đất có bề dày lịch sử với nền văn hóa Sa Huỳnh phong phú, từng là cố đô của Vương Quốc Chămpa với bao giọt tháp từ trời. Là quê hương của hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, của độc đáo bài chòi, hát tuồng, là quê mẹ của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu... giờ đây tôi biết thêm là nơi chỉ nghe tên đất thôi đã gợi, đã thôi thúc năng lượng: Kỳ Co, Eo Gió, Thị Nại…
Gió đã đưa tôi đến với những bãi biển tuyệt đẹp, mùa hè nước trong vắt, lội ra cách bờ vài trăm mét, nước cũng chỉ mấp mé ngực; đến với những hoàng hôn, những bình minh trên biển còn nét nguyên sơ tinh khiết. Sáng sáng mùa hè tôi vẫn thường gặp vài đôi vợ chồng con cái xách lưới ra biển, họ cùng nhau thả rồi kéo nhưng thu lại chỉ rất ít cá. Tôi hỏi: Ít thế kia thì làm sao đủ mang ra chợ, họ cười hiền lành: Kéo chơi đỡ ngứa nghề, kiếm vài con liu tiu nhậu chơi thôi anh ơi... dân quanh vùng tụi tui phần lớn giờ làm công nhân cho khu kinh tế hết rồi. Mà thật, nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn đang dần mọc lên xung quanh nhà máy điện gió của chúng tôi. Thế là đã một năm, tôi thành người Bình Định. Mỗi ngày, mỗi ngày tôi hít thở, tôi lắng nghe tiếng gió Phương Mai. Và tôi cũng âm thầm hạnh phúc bởi chúng tôi đã dựng lên nhà máy tạo ra dòng năng lượng sạch, nếu nó không sạch thì hẳn xung quanh chúng tôi không thể mọc lên khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp như vẫn đang hối hả mọc lên. À, mà tôi còn nghiện nụ cười hồn hậu của dân xứ Nẫu này nữa! Tôi đã thầm nghĩ đó cũng là một dạng tài nguyên quý giá như gió vậy!
Nhớ, tháng Giêng năm ngoái, khi vừa đặt chân đến đồi cát Phương Mai, lẫn trong tiếng gì như tiếng sóng, như tiếng máy bay là tiếng cô nhân viên vừa nói vừa cười “em chào siếp” tôi chỉ kịp gật đầu chào lại, tâm trí của một kẻ lạ cái lạ nước đang bị phân tâm bởi tiếng sóng hay tiếng gió, rất lạ. Cô nhân viên nhanh nhảu vừa xách đồ trên xe xuống giùm tôi, vừa luôn miệng: Em nấu côm rầu, siếp tắm rửa rồi ăn côm... Cũng may cho tôi là thời sinh viên đã kịp có vài ông bạn thân người Bình Định nên tôi “dịch” được côm là cơm, siếp là sếp... chứ không lại buồn, chưa gì đã bị nhân viên... mắng cho là ông siếp lôm côm.
Tôi ăn Tết ở Quảng Bình và đêm nằm nhớ gió Bình Định, thoạt nghe cũng có vẻ phi lý nhưng tình thật có gì đáng ngạc nhiên đâu! Bạn tôi chỉ sau một năm lưu lại Hà Nội học chính trị đã cảm thán viết rằng, đất đã hóa tâm hồn từ những cơn gió. Còn tôi, tôi sống với đất này cả năm trời với cả đất và gió lồng lộng hào phóng thì đêm nằm nhớ gió cũng là chuyện bình thường, đúng không nẫu của tui quơi…