Chuyện của ngoại
● Truyện ngắn của TRẦN THU HÀ
1. Chiều, nắng xuống dần, vắt ngang ngọn hàng cau ở góc vườn, ngoại ngước nhìn lên chép miệng rồi thở dài. Giang để ý thấy gần đây, ngoại vẫn hay thở dài như thế. Nó có thoáng chút thắc mắc nhưng ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, nó lại quên ngay khi bị cuốn vào mấy trò chơi trẻ con. Tiếng í ới ngoài đầu ngõ không để nó giữ lại thắc mắc ấy thêm một giây nào nữa. Nó lao ra ngõ như tên bắn và mất hút vào con đường làng mát rượi bóng tre. Phía sau, ngoại nhìn theo chép miệng “Con gái gì mà...”.
Trước đây, chiều đến, lũ trẻ xóm ven đê vẫn thường tụ tập trong vườn sau nhà ngoại chơi những trò quen thuộc ấy, mỗi lúc không phải chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng. Vào mùa ổi chín, mùi thơm nức mũi, hương ổi quện vào gió khiến đám trẻ không cưỡng lại được, thế là chúng canh chừng ngoại để hái trộm. Có lần ngoại bắt được, cái roi tre của ngoại tặng cho mỗi đứa một vệt đỏ nhớ đời trên bắp chân. Nhưng ngoại có rảnh rỗi đâu mà để tâm đến chúng. Thế nên, vườn ổi của ngoại năm nào cũng xác xơ vì lũ trẻ cứng đầu, tinh nghịch ấy. Ngoại quyết định đốn hết vườn ổi và thay vào đó một hàng cau, còn thì ngoại trồng dăm bụi chuối tiêu. Kể từ ngày đó, Giang theo chúng bạn ra chơi ở góc đình làng. Ngoại không còn phải bận lòng vì chúng nữa.
Tranh của họa sĩ TRẦN NGUYÊN
Ông bà ngoại chỉ có mỗi một mình mẹ Giang, ông mất năm 31 tuổi. Ngoại kể, năm ấy ông lên dặm lại cái mái tranh bị dột và không may trượt ngã xuống sân gạch rồi đi luôn. Từ đó, ngoại ôm nỗi đau mất chồng và cặm cụi làm lụng nuôi mẹ Giang khôn lớn, cho mẹ ăn học đàng hoàng, rồi mẹ đi thoát ly và gặp bố. Gia đình bố ở làng bên nhưng đông con nên ngoại bắt về ở rể. Ngoại thương bố còn hơn cả mẹ vì bố hiền lành lại lễ phép. Chị em Giang lớn lên bên ngoại, được ngoại chăm chút yêu thương.
2. Giang chạy ào vào nhà, nó gọi to: “Ngoại ơi, ngoại ơi!”. Vừa gọi nó vừa kéo vạt áo lau mồ hôi trên mặt, xong nó bưng ấm tích ngậm miệng vào vòi ấm tu một hơi. Chừng đã khát, nó nhìn quanh khắp nhà vẫn không thấy ngoại đâu. Nó chạy xuống bếp, cũng không có ngoại. Chợt nó nghe có tiếng thở dài và tiếng bước chân nặng nhọc phía sau lưng. Nó vội quay lại và thốt lên: “Ngoại!” rồi nhìn ngoại lo lắng. Ngoại hướng về phía nó, đôi mắt mệt mỏi và có vẻ đượm buồn.
Giang không biết nói gì, nó khẽ cầm tay ngoại áp vào đôi má bầu bĩnh của mình và cầu mong không có điều gì xấu xảy ra với ngoại. Chưa bao giờ Giang thấy ngoại lạ lùng như thế, kể cả lần nghe tin mẹ Giang bị tai nạn giao thông trên đường từ nhà lên huyện, ngoại vẫn giữ thái độ bình tĩnh và nhờ cậu Bình nhà ông trẻ Phú trông chừng hai chị em Giang rồi sắp xếp lên bệnh viện chăm mẹ. Vậy mà hôm nay hẳn có điều gì bất ổn mới khiến ngoại không giống ngoại tí nào. Những thắc mắc mỗi lúc một dày thêm trong đầu cô bé mười ba tuổi là Giang, thỉnh thoảng nó trộm liếc nhìn gương mặt ngoại. Chao ôi, lần đầu tiên Giang mới nhận ra những nếp nhăn đã hằn sâu trên trán và đuôi mắt ngoại và hình như cũng lần đầu tiên, Giang nhìn thấy giọt nước mắt hiếm hoi lăn xuống gò má đã úa màu thời gian của ngoại.
Ngày hè, trời oi bức đến khó chịu, Giang dọn cơm trên chiếc chõng tre trước sân ngoại thường ngồi nhai trầu ăn cho mát. Bữa cơm tối của ba bà cháu chỉ có đĩa rau muống luộc, bát nước luộc rau có quả sấu dầm, đĩa cà pháo và nồi tép đồng kho khế. “Cu Sơn đâu, ra ăn cơm rồi còn học bài cháu”, tiếng ngoại cắt ngang ý nghĩ của Giang, tiếng thằng Sơn lanh lảnh: “Vâng ạ!” rồi nó ào từ trong nhà ra như một cơn lốc nhỏ. Cái thằng trông cục mịch thế mà hóm hỉnh phết, nếu không có nó chắc ngoại sẽ còn thở dài suốt cả bữa ăn. Trăm thứ bà rằn, nó nói suốt bữa ăn mà không biết mệt, ngoại phải giục mấy lần nó mới ăn xong hai bát cơm. Cứ mỗi lần kể xong một chuyện, nó lại quay sang ngoại hỏi: “Ngoại thấy vui không ngoại?” và cười tít mắt khoe cái hàm răng sún ngả màu đen xì đen xịt. Ngoại gật đầu và cười hiền khô: “Vui! Cha bố nhà anh, giống ai mà cái miệng nói không kịp khép thế hở?”. Thằng Sơn lại nhe hàm răng sún cười khoái chí.
3. Trăng mười sáu tròn vành vạnh, chênh chếch nhú lên khỏi ngọn cau, tỏa xuống nhân gian thứ ánh sáng dịu nhẹ, mát lành. Chị em Giang đã chuẩn bị bài vở cho ngày mai xong rồi mà ngoại vẫn ngồi ở ngoài chõng tre, bỏm bẻm nhai trầu. Ánh trăng trùm lên dáng ngồi quen thuộc của ngoại, nhìn nghiêng trông ngoại như một bức tượng, còn trong mắt Giang ngoại như một vị thần. Giang khẽ mỉm cười, nó chạy đến bên ngoại, ngả đầu vào lòng ngoại, mân mê cái ruột tượng cột ngang thắt lưng của ngoại. Ngoại cúi xuống, đưa tay vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên mặt Giang rồi bất giác mắng yêu: “Cha bố chị, giống con gái mẹ như đúc!”. Giang cười tít mắt, nó dí dỏm: “Thế thì không giàu ba họ rồi ngoại nhỉ?”.
Hồi thằng Sơn còn nhỏ thì ba bà cháu ngủ chung, năm nó lên chín tuổi ngoại cho nó ngủ riêng, ban đầu nhớ hơi ngoại cứ nửa đêm là nó mò sang. Sau, nghe ngoại thủ thỉ thế nào, nó tuyệt nhiên không như thế nữa, bây giờ thì cu cậu cứ đặt lưng xuống chưa đầy hai phút là ngủ tít thò lò. Giang ngủ với ngoại, nó bảo, sau này không lấy chồng chỉ ở với ngoại thôi. Nghe thế, ngoại dí nhẹ ngón tay trỏ vào trán nó: “Tôi chả tin nhà chị...”, ngoại cười hàm răng nhuộm đen lấp lánh trong mắt Giang. Đêm nay, Giang vẫn ôm ngang người ngoại nhưng nó cảm thấy hơi thở của ngoại không đều như mọi bữa. Giang biết ngoại đang lo âu, thắc thỏm điều gì đó nhưng nó chẳng thể đoán ra, song chỉ được một lúc, nó đã chìm vào giấc ngủ tuổi mười ba bình yên đến lạ.
4. Đã thành nếp, trừ Chủ nhật là chị em Giang được ngủ nướng đến tận lúc mặt trời lên quá ngọn cau. Còn thì, ngày nào cũng vậy, cứ gà gáy báo canh năm là ngoại đánh thức chị em Giang dậy. Đêm nay chẳng hiểu có linh tính gì mà mới qua nửa canh tư Giang đã thức giấc, nó đang định ngủ lại thì nghe có tiếng rì rầm phía bàn thờ. Ban đầu nó cảm thấy lạnh cả gáy, co người lại, đưa hai tay ôm mặt và nhắm nghiền hai mắt rồi nín thở. Một lúc sau, nó lấy bình tĩnh khẽ nhổm người dậy nhìn qua phía gian thờ, nó thở phào, thì ra là ngoại. Ngoại đứng chắp tay trước ngực, nhìn lên tấm ảnh của ông ngoại, Giang tò mò lắng nghe tiếng được tiếng mất: “... Ông có linh thiêng thì phù hộ độ trì cho con cháu... tôi không còn nhiều thời gian... tôi sắp được gặp... mấy mươi năm tôi vẫn mong... nhưng tôi chẳng cầm lòng... bọn trẻ con non dại...”. Giang chợt lờ mờ hiểu ra điều gì đó, nó nghe tim mình nhói lên một cái, nó nằm xuống gần như nín thở, những ý nghĩ chẳng lành lởn vởn trong đầu nó: “Ngoại, lẽ nào ngoại...”.
Nó vén cửa màn, bước khe khẽ ra phía sau lưng ngoại, hai tay ôm vòng qua bụng ngoại, nước mắt ứa ra, nó thốt lên: “Ngoại...” rồi bỗng dưng khóc nức nở. Ngoại bị bất ngờ nên không kịp phản ứng, ngoại đứng im một lúc, sẽ sàng gỡ tay Giang ra và quay lại ôm chặt nó vào lòng, ngoại không nói gì. Hai bà cháu cứ thế ôm chặt lấy nhau cho đến khi tiếng gà gáy báo canh năm.
5. Kể từ buổi sáng hôm đó, buổi sáng đầy ám ảnh đối với Giang thì hơn ba tháng sau ngoại mất. Căn bệnh ung thư gan khắc nghiệt giai đoạn cuối đã hành hạ thân xác ngoại suốt những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Ngoại cắn răng chịu đựng, không muốn con cháu phải bận lòng quá nhiều về mình. Thì ra, ngoại đi xa rồi, Giang mới hiểu cái tiếng thở dài và đôi mắt đượm buồn của ngoại chẳng phải vì ngoại lo lắng cho sức khỏe và sự sống chết của mình mà vì ngoại nghĩ đến bố mẹ Giang, chị em Giang. Cả đời ngoại, bốn con người ấy là niềm thương, niềm lo của ngoại, mãi mãi bé bỏng trong đôi mắt ngoại, cần được ngoại nâng niu, chăm bẵm.
Lại thêm một đêm trăng mười sáu trong đời, Giang bần thần nhìn ra chiếc chõng tre trước sân nhà, ngoại - vị thần của nó vẫn ngồi đó nhai trầu bình thản. Nó nghe rõ tiếng ngoại mắng yêu thằng Sơn, tiếng thằng Sơn lảnh lót đáp lời của ngoại và những tràng cười giòn tan như bắp nổ vỡ òa lan ra cả một vùng đêm lấp lánh ánh trăng. Và, nó nghe rõ tiếng trái tim mình thổn thức: “Ngoại ơi, ngoại ơi...”.