Gió qua thềm vắng...
● Tản văn của TRẦN VĂN THIÊN
Bây giờ đã vào những ngày nắng rất đậm và dày, còn gió thì cồn cào, luôn luốt qua mặt đầm. Gió và gió, lớp này đến lớp khác, ráo riết đuổi nhau chẳng gì cản nổi. Mường tượng gió có lúc như người đang yêu đã lâu biền biệt cách xa, nay được gặp lại trong cuống quýt, vồ vập, khát cháy. Có lúc lại như người say lảo đảo, nóng bừng hơi men, ghé chỗ này tạt chỗ nọ, quên cả đường về. Tôi đi đâu làm gì bận rộn hay thong thả, chỉ cần bâng quơ nghĩ một chút là lại nhớ vùng ven đầm và những cơn gió bất tận như từ thời vương quốc Champa cuồn cuộn kéo về. Gió bất tận gió!
Nhận ra trong gió đẫm một mùi đất cát hanh hao, mùi lá rụng, trái chín sau vườn, mùi cá khô cong mình phơi nắng. Gió kiêu hãnh, phóng túng, mang khát khao bất tận được vẫy vùng cuối bể đầu non. Gió ràn rạt, nóng bỏng, ôm tất cả vào giấc mơ trải dài ngút ngát, như bầy ngựa hoang tung bờm ngạo nghễ, vươn cổ hí vang qua những đồi cát mênh mông, lướt nhanh qua những ngọn sóng, nhưng khi tuôn về đến xóm đến làng, những rặng tre già những cánh đồng, mương nước, gió lại hiền lành đến thuần hậu. Ở nơi này, nếu có ai ví gió là một người con gái, người ta sẽ hình dung ra một cô gái mạnh mẽ, không quen cầu kì, chải chuốt, đôi lúc vụng về. Nhưng cô chỉ biết nói lời chân thật, có yêu ai thì yêu trọn lòng mình, không toan tính. Gió sẽ về đâu trong suốt dặm dài rong ruổi của mình, có để lại gì trong những giấc mơ trưa…
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Có những chiều tôi thấy mình như tan ra trong gió, nghe nắng vỡ dưới bàn chân cồn cào. Chỗ tôi đứng chỉ có gió và cát. Gió xóa nhòa những dấu chân lẻ loi trên cát, cuốn theo nỗi buồn mông lung đã từng neo lại tận sâu đáy lòng. Trong vũ điệu của gió, cát thực hiện những chuyến miên viễn hợp tan bất tận, những cuộc chuyển mình thầm lặng không hồi kết. Cát vẫn bay và cuộn thành những cột mờ ảo khổng lồ. Cát chính là đôi chân hữu hình của gió.
Những đứa trẻ ở lũng gió lớn lên chất phác như bụi dứa dại, nhánh xương rồng. Tóc cháy loe hoe, da đen nhẻm, đôi chân thoăn thoắt đi qua những mùa hạn, mùa mưa. Tiếng cười như tiếng sương rơi, như hồi chuông trong trẻo. Tôi ngày nhỏ vẫn thường cùng má vào rừng gom lá dương khô về chất ở góc bếp. Hoàng hôn trễ nải buông, con đường cát trắng có đôi bóng người liêu xiêu đi bên nhau, vai má cong vênh đòn gánh, tay tôi ôm bó cành nhánh khô. Chiếc đòn gánh hai đầu trìu trĩu lá dương, nảy lên nảy xuống dẻo dai theo nhịp đi của má. Đường về ngược hướng gió, má chỉnh lại vành nón trên đầu, bước cao bước thấp như gánh cả mùa gió trên vai. Sợ tôi mỏi chân, đến nửa đường má từ từ đặt gánh lá xuống, hai má con ngồi nghỉ trong tiếng gió vi vu. Gió có đủ sức hong khô mồ hôi đẫm một đời trên lưng má? Xương rồng hoa đỏ, cây từ bi hoa tím, thấp thoáng giữa những vạt rừng váng vất hơi sương. Rồi tháng ngày đi qua như lá rụng, tôi hồn nhiên lớn lên, đêm nằm chiêm bao cứ ngỡ mình còn là đứa nhỏ ngày nào, nghe gió cười, gió hát lời nhớ thương.
Gió mùa hè khi xuyên qua rừng dương quê tôi tự nhiên trở thành những nghệ sĩ vi vút tấu lên một khúc nhạc êm đềm triền miên không dứt. Ở lâu trong xứ nắng, những ngọn gió xoáy qua đồi cát trắng rát mặt, từng càu nhàu vì cát bay vào cả những mâm cơm, lòng má - một người con gái xứ đồng về làm dâu ven đầm mãi vẫn có chút lấn cấn không quen.
Còn tôi, tôi nhận ra trong hữu hạn đời mình, tôi mãi thuộc về góc nhà nao nao hình bóng má, lặng lẽ cầm bó chổi quét hết những vụn vỡ đắng cay. Và đâu đó trong những ngọn gió là mùi dầu gió thân thuộc. Tôi ngồi xuống cạnh má, lơ đãng nhìn khói nắng vàng hanh xuyên qua khung cửa đã bợt bạt vì gió mưa. Nhận ra mình bao năm vẫn như trẻ nhỏ chơi xa thèm nghe tiếng má gọi về. Vài sợi tóc bạc của má khẽ bay bay giữa vuông nắng mơ màng, níu lòng chùng xuống. Nghe từng mảnh gió khép lại trong giấc quê thơm thảo. Ngoài kia, gió gọi nhau qua thềm khua nắng dậy lao xao…