Thương ba
Truyện ngắn của LÊ THỊ XUYÊN
Ba ơi, tại sao người cha phải thật cao lớn?
- Để các con vin vào đó mà lớn lên.
- Tại sao đôi tay cha phải to và thô ráp?
- Để dìu dắt các con đến khi trưởng thành.
- Tại sao đôi vai cha thường rộng và lực lưỡng?
- Để làm điểm tựa và gánh vác cả gia đình.
- Sao cha thường ít nói? Sao cha không bao giờ khóc?
- Cha ít nói để làm việc nhiều hơn. Cha ít khóc vì cha là đàn ông. Mà đàn ông thì phải mạnh mẽ.
Hưng nghe câu chuyện ông trời tạo ra người cha qua lời kể của mấy đứa bạn trong xóm, tò mò nên tối đến, nó hỏi tới đâu, anh Quang, ba của nó giải thích ngay tới đó, dễ hiểu mà gọn gàng như thế. Nó nghe trọn từng câu từng chữ rồi gật đầu lia lịa. Những điều ba nói luôn đúng. Nó nghĩ. Nó suy ra từ chính ba của nó. Ba cao lớn hơn nó. Đôi tay ba to và thô ráp. Bờ vai ba rộng và lực lưỡng. Ba ít nói, thường hay trầm tư nghĩ ngợi và làm việc suốt ngày… Hưng sà vào lòng ba, mân mê đôi bàn tay sần sùi, chai cứng, rồi đặt bàn tay nhỏ bé của mình vào giữa lòng bàn tay ấm áp của ba. Nó dựa vào ba ngủ ngon lành. Khi mở choàng mắt, Hưng thấy mình đang nằm trên giường, cạnh cửa sổ hướng ra vườn. Nắng của ngày mới xuyên qua song cửa, hắt lên khuôn mặt ngây thơ, trong sáng của nó như mơn trớn, trêu đùa. Gió quyện hương ổi, hương khế chín ngoài vườn thoảng qua song cửa vào nhà thơm phức. Trên cành khế, mấy chú chim sâu chăm chỉ đã dậy từ lúc nào, rủ nhau chuyền cành, bắt sâu và khoe giọng lích chích vui tai. Buổi sáng mùa hè thật trong lành. Hưng nghĩ rồi hít một hơi thật sâu cho thỏa niềm thích thú. Bỗng nó thấy thiêu thiếu âm thanh quen thuộc. Là bước chân của ba. Ba đi đâu rồi nhỉ? Thằng bé vội vàng bật dậy, lậy đật chạy ra sân đi tìm.
- Ba ơi… ba… ba ơi!
Không thấy ba đáp lại, nó lững thững bước vào nhà, lại gần chiếc bàn gỗ đen kịt lỗ chỗ những khe, rãnh vì mối mọt đục khoét, mở chiếc lồng bàn ra và thấy chén cơm chiên ba để sẵn cho nó…
***
Không an phận cảnh nghèo, sau khi sinh thằng Hưng được ba tháng, chị Lài, vợ anh Quang đã bỏ chồng bỏ con đi theo tiếng gọi tình yêu tìm thấy. Trước khi đi, chị có để lại mấy dòng viết vội: “Em có lỗi với anh và con. Anh đừng tìm em. Em sẽ không bao giờ trở lại làng quê nghèo khó này nữa đâu”.
Vợ bỏ đi, anh Quang ngồi ôm con rối bời tâm trạng. Thấy thằng Hưng khóc ré lên vì đói, vì khát, vì thiếu hơi mẹ, anh Quang phải gạt đi nỗi đau để lo cho con. Sau này, khi đủ lớn, Hưng nghe hàng xóm kể lại chuyện má nó bỏ ba con nó đi biệt xứ. Ba phải ôm nó đi khắp làng để xin sữa, tranh thủ làm thuê, làm mướn đủ việc cho làng để có tiền nuôi nó ăn học… Những mẩu chuyện nhỏ xíu, vụn vặt đôi khi nếu viết ra chắc chỉ được vài câu. Nhưng chuyện nào cũng khiến trái tim bé bỏng của nó quặn thắt.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Ngày vợ chồng anh Quang lấy nhau, vì nghèo nên một tấm ảnh cưới cũng không có. Hưng nghe người trong xóm kể, mẹ nó đẹp lắm nhưng đẹp thế nào thì cũng chỉ là những hình ảnh chập chờn, mơ hồ thoáng qua trong trí nghĩ. Nhiều lần Hưng có hỏi ba về má nhưng ba nó đều tìm cách lảng tránh. Hưng biết ba không muốn kể vì không muốn Hưng ghét mẹ. Hưng hiểu nên sau vài lần như vậy bèn không bao giờ hỏi nữa. Nhiều khi, nó thấy ba ngồi lẳng lặng dưới hiên nhà đến tận đêm khuya. Sự im lặng của ba khiến Hưng vừa sợ vừa buồn, vừa thương ba. Hưng biết ba đang có tâm sự, đang rất buồn nên lân la đến ngồi bên cạnh. Ba giang đôi tay chắc khỏe ôm trọn lấy nó.
- Ba sẽ cố gắng làm lụng để nuôi con ăn học nên người.
Hưng ôm chặt lấy ba. Nó bật lên tiếng gọi khe khẽ từ sâu trong lồng ngực “Ba…!”. Cả hai cứ thế im lặng. Bóng đêm bao trùm lên ngôi nhà mái ngói đơn sơ.
Hưng đang quét dọn nhà cửa thì giọng thằng Lâm gọi vang ngoài đầu ngõ, rủ đi chơi bi.
- Hưng ơi, ra gốc me đầu làng chơi bi! Bọn thằng Thắng, thằng Chiến đang chờ.
- Nhưng… tao đang quét nhà.
- Thì làm nhanh lên. Tao chờ.
- Ừ. Thế chờ chút.
Quét dọn nhà cửa sân vườn xong xuôi, Hưng ra giếng kéo lên gầu nước mát lạnh, rửa mặt mũi tay chân cho mát, sau đó ba chân bốn cẳng chạy theo thằng Lâm ra gốc me già nhập hội. Đám trẻ lên chín lên mười cùng nhau hò reo, nói cười ngả nghiêng cùng trò bắn bi dưới gốc me mát rượi.
- Trời nắng quá các bác ạ. Cứ thế này chắc mấy đám ruộng cũng chết khô mất.
- Ừ. Nắng như đổ lửa thế, lúa lại đang đòng, sao mà trổ bông cho được.
- Mà này… Tội anh Quang các bác nhỉ. Trời nắng thế này mà vẫn cứ lúi húi ngoài đồng. Bảo về mà cứ nán lại mãi.
- Anh ấy bảo phải cố gắng vét thêm ít nước cuối cùng ở ngoài mương vào trong ruộng để cứu lấy đám lúa. Chứ mất mùa, lấy gạo đâu ăn, lấy tiền đâu mà trang trải...
- Rõ tội. Quanh năm chỉ biết làm việc quần quật, chưa biết đến nghỉ ngơi là gì.
Câu chuyện của mấy bác trong làng từ đồng về, ngang qua gốc me khiến nụ cười rạng rỡ trên môi Hưng chợt tắt. Cả bọn réo tên, thúc giục, chờ đợi Hưng bắn bi để đến lượt chúng nhưng Hưng dường như không nghe thấy. Nó bần thần, im lặng một lúc rồi nhìn về phía đám bạn:
- Mình không chơi nữa.
Nói rồi, nó bỏ lại mấy viên bi dưới đất, ba chân bốn cẳng chạy một mạch ra thẳng cánh đồng. Từ xa, nó thấy bóng ba nó đang nhấp nhô vục nước vào đám ruộng khô khốc, nứt nẻ. Nó gọi ba từ xa.
- Ba… ơi!
Anh Quang ngẩng đầu lên. Cái nón đội đầu đã bung vành, rách te tua. Khuôn mặt anh càng sạm đen vì nắng. Cái áo lao động anh đang mặc cũng nhuộm bùn rêu đen đúa. Thấy con trai đầu không, lại đứng giữa cái nắng chang chang, anh liền xua tay ra hiệu cho con đi về. Thế nhưng, Hưng vẫn đứng như trời trồng, giọng vẫn khẩn khoản giục ba.
- Ba ơi, trời nắng lắm, về đi ba!
Thấy con trai mồ hôi nhễ nhại, nhếch nhác, anh Quang vội rửa tay chân, lên bờ, giục con đi về. Vừa nói, anh vừa gỡ chiếc nón đang đội, đội lên cho Hưng. Hưng líu ríu đi bên ba, lòng buồn vui khó tả.
Trời về trưa, nắng càng oi bức. Bữa cơm của hai ba con Hưng hôm nay thịnh soạn hơn thường ngày nhờ có nồi cá lóc đồng kho nghệ.
- Ăn đi con!
Anh Quang gắp cho con trai miếng cá ngon nhất, miệng tươi cười.
- Ba cũng ăn đi ạ!
Hưng cũng gắp một miếng cá ngon, mời ba ăn. Anh Quang gắp lại miếng cá cho con trai, vui vẻ bảo:
- Con ăn đi, ăn nhiều cho khỏe. Ngày xưa, đồng mình nhiều cá lắm, ông nội ngày nào cũng bắt cá lóc về kho. Ba ăn nhiều rồi đâm chán. Giờ chỉ thích ăn đầu và đuôi cá thôi.
Nghe ba kể chuyện ngày xưa, Hưng vừa thích thú lại vừa tò mò. Trong lòng nó biết rõ, ba chỉ muốn dành phần cá ngon cho nó nên mới nói thế. Nó đưa chén cơm lên miệng, và lấy và để, khóe mắt cứ thế rưng rưng.
Không ai nghĩ thời gian trôi qua nhanh đến thế. Cũng không ai hình dung được trong bàn tay thô ráp yêu thương của ba, thằng Hưng cứ thế lầm lũi tiến tới… tiến tới…hết cấp 3 vào đại học, thành cử nhân rồi lụi cụi tìm việc. Cứ thế cứ thế mà trở thành quản đốc của một xí nghiệp may trên huyện khi mới vào tuổi 28. Ông Quang đã ngấp nghé lục tuần và cũng y như ngày xưa, mọi suy nghĩ của ông đều dồn vào Hưng. Điều ông mong nhất lúc này là con trai nhanh lấy vợ, để ông có con dâu, có cháu bế bồng. Nhưng thúc giục mãi, Hưng vẫn cứ ậm ờ, cười trừ rồi hứa với ba, khi nào tròn “tam thập” mới “nhi lập”.
Hưng muốn đưa ba lên huyện ở cùng để tiện việc chăm sóc, báo hiếu, thế nhưng ông Quang lại muốn ở ngôi nhà cũ dưới quê. Niềm vui tuổi già của ông là bầu bạn với mấy luống rau, với dăm con gà vườn. Biết tính ba nên cuối tuần nào, Hưng cũng về nhà ăn cơm cùng với ông. Cách đây một tuần, ông thấy trong người không khỏe, liền đi khám bệnh. Qua kiểm tra sơ bộ, bác sĩ nói ông có chấm đen như hạt đỗ ở trong đầu, phải chờ theo dõi, kiểm tra lại mới có kết luận chính xác. Ông Quang lo sợ mình bị bệnh hiểm nghèo, không sống được bao lâu nữa nên càng mong muốn có thời gian ở bên con nhiều hơn.
Tối hôm qua, Hưng điện về trò chuyện. Nghe con trai bảo thèm ăn cơm với cá lóc đồng kho nghệ chính tay ông nấu, nhưng vì công việc đang bộn bề nên chưa về nhà được, chỉ thế thôi mà ông Quang quyết định sáng hôm sau ra chợ chọn mua con cá lóc đồng ngon nhất về kho. Ông cẩn thận cho vào chiếc cặp lồng. Nào ngăn cơm, ngăn canh, ngăn cá, và thế là ông vui vẻ bắt xe lên tận nơi con làm việc.
Chiếc cặp lồng cơm được ông cẩn thận quấn hai lớp khăn nên vẫn còn ấm nóng. Vì muốn cho con bất ngờ nên ông quyết lên đến nơi mới gọi điện thông báo cho con biết. Trong khi chờ con trai tan giờ làm, ông Quang nhận được điện thoại của bác sĩ. Ban đầu, ông Quang chột dạ, định không nghe máy, vì ông sợ phải đón nhận tin dữ. Nhưng sau đó, ông nghĩ lại, nhấn nút nghe. Ông định hỏi bác sĩ xem mình còn sống được bao lâu nữa thì bác sĩ cười khà, chúc mừng ông sức khỏe bình thường, rằng chấm đen kia không ảnh hưởng gì cả. Ông Quang không tin nên cứ hỏi đi hỏi lại hai, ba lần. Khi nghe bác sĩ khẳng định chắc nịch rằng mình khỏe mạnh, ông mới thở phào nhẹ nhõm, khuôn mặt mới giãn nở, miệng nở nụ cười an yên. Thấy ba, Hưng mừng mừng tủi tủi.
- Ba! Sao ba lên mà không báo cho con biết trước.
- Ba… ba nấu cơm, kho cá lóc đồng đem lên cho con.
- Ba…! Hưng xúc động, giọng đứt quãng.
- Thế ba đã ăn gì chưa?
- Ba... ! Ông Quang gượng cười.
- Vậy ba con mình cùng ăn nghe ba!
Nói rồi Hưng mở cặp lồng cơm vẫn còn ấm nóng ra. Món cá lóc đồng kho nghệ bao năm, qua đôi tay khéo léo của ba vẫn vẹn nguyên hương vị thơm ngon như thế. Hưng xuýt xoa, trầm trồ rồi gắp khúc cá giữa ngon nhất cho ba, còn phần đầu, đuôi thì cho mình khiến ông Quang ngạc nhiên.
- Sao lại dành hết khúc cá ngon cho ba!
- Ngày nhỏ con ăn khúc cá giữa nhiều thịt mãi nên giờ chỉ thích ăn phần đầu và đuôi cá thôi. Ba ăn khúc giữa giúp con nghe ba. Hưng tủm tỉm cười.
- Cái thằng…
Ông Quang nhìn con trai, đôi mắt chợt ngân ngấn nước.