Nhen một niềm vui
Tản văn của NGUYỄN THỊ ÁI TRINH
Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, tới bảy người! Tuy vậy, tuổi thơ chúng tôi cũng không hề vất vả vì được ba má chăm lo đủ đầy. Ngày còn nhỏ, người tôi thương nhất là ba. Tôi nhớ những lúc tôi học bài mà ngủ quên luôn trên bàn, ba là người gọi dậy và thả mùng cho ngủ. Lắm lúc tôi cũng khá khờ khạo, khi thấy lũ kiến đu lên cây thanh long ba trồng, chúng cắn rỉa cái thân cây còn trơ cả cọng, tôi nhanh chân chạy ù vào nhà lấy hũ mỡ ra bôi lên thân cây, vừa bôi vừa bắng nhắng quát chúng “cho lũ bay trơn trợt, té ngã, té ngã luôn nè”. Nào ngờ, một lúc sau tôi chạy ra xem, ôi không chỉ vài con mà cả một đàn kiến, một bầy kiến đỏ, chúng bu xúm lại những chỗ mỡ tha hồ đánh chén ngon lành. Vừa cười ngất ba tôi vừa giảng giải... Một ngày nọ, luộc rau, tôi để cái rổ trên nền đất và vớt rau chín cho vào rổ. Ba lại ôn tồn bảo ban: “Con gái à, nước nóng từ rổ rau rơi xuống đất rồi nó sẽ bốc ngược hơi đất từ dưới lên không tốt cho thức ăn. Con phải đặt một cái thau bên dưới cái rổ nhé”. Ba lúc nào cũng nhẹ nhàng và điềm đạm với chúng tôi như vậy!
Ba có dáng cao to, khá đẹp trai, nhìn rất phong độ với khuôn mặt chữ điền, đôi mắt long lanh như chuẩn bị cười. Tuy ba không mắng, không la nhưng khi nghiêm sắc mặt là anh chị em chúng tôi rất hãi và biết nên làm gì. Là thợ xây nên hầu như toàn bộ căn nhà gia đình tôi ở đều do một tay ba xây dựng. Cứ đi làm có ít tiền, ba lại gom góp xây dần theo kiểu chắp nối. Nhà đông con là thế, ba thương tụi tôi như nhau, nhưng không hiểu sao lúc nào tôi cũng nghĩ ba thương mình nhất. Năm học lớp 2 hay lớp 3 gì đấy, má tôi bảo tôi nhen bếp lò. Tôi vừa làm vừa càm ràm, vì trời mưa, củi thì ướt. Thấy thế, ba chỉ nhẹ nhàng nói “đứng dậy để ba làm cho”. Ôi tôi đứng dậy mà trong lòng sau đó hối hận vô cùng vì ba tôi đã biến việc nhen bếp thành một trò vui đầy khéo léo. Mỗi lần nhớ lại tôi luôn ước thời gian quay ngược lại để tôi được ba dạy cách nhen lò, à không có lẽ nên gọi đó là nhen lên một niềm vui.
Tranh của họa sĩ G.A TIBBLE
Năm tôi học lớp 9, má tôi sinh thêm em út, bé Sa. Tôi nhớ má sinh em, ba phải làm mọi việc, giặt giũ quần áo, rồi cơm nước. Ba tôi nấu ăn rất ngon. Nấu nướng xong, ba cho vào cà mèn rồi chở tôi mang theo cơm xuống bệnh viện cho má. Ba tôi xách cơm đi trước, tôi rảo bước theo sau, đến cửa phòng, lấp ló ngoài cửa, thấy cái bàn tay nhỏ xíu của cô em út, tôi chạy vội ra ngoài sân bệnh viện đứng. Tôi dỗi! Dỗi vì nhà đã đông mà má còn sinh em. Nhớ khi đi học, cô giáo dạy địa lý giảng “gia tăng dân số gây ra bao hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường và phát triển kinh tế xã hội”. Khi cô hỏi cả lớp, nhà bạn nào đông anh chị em nhất, không ai trả lời nhưng đều nhìn về phía tôi. Điều đó thực sự khiến tôi cảm thấy xấu hổ. Ba bảo “sao con không vào, ba chở con theo để con thăm em, chứ đâu phải để con cầm cơm đâu, cầm cơm thì mình ba cầm cũng được”. Tôi im lặng không trả lời, ba không hiểu lý do vì sao nhưng không nói gì thêm.
Và năm lớp 9 ấy cũng là năm cuối cùng tôi được gặp ba. Khi bé Ngôn ở cạnh nhà, học cùng lớp, xuống rủ tôi đi thi tốt nghiệp. Tôi nói “mày đi đi, ba tao chở”. Đang ngồi nhậu với đông bạn bè trong nhà, nhưng ba đứng dậy chở tôi đi thi. Tôi tỏ ra hí hửng và đắc chí với bạn lắm vì được ba thương chiều.
Ngày nhỏ được cái tôi học cũng khá tốt. Với thành tích 9 năm liên tục học sinh giỏi và cũng là cái đứa học giỏi nhất trong cái xóm đạo ấy, nên việc thi cử đối với tôi cũng khá nhẹ nhàng. Tôi đi thi về và khoe với ba là con làm bài này, bài này nè chắc chắn được 10 điểm. Ba tôi vui lắm và hứa với tôi “khi nào con lên lớp 10, ba sẽ may cho con một bộ áo dài và lắp cho con một cái xe đạp”. Ba nói thêm “không phải ba không có tiền mua cho con cái xe đạp mi ni nhưng ba lắp cái xe đạp đầm con sẽ đi nhẹ hơn”.
Thế rồi, năm ấy khi tôi chưa kịp nhận kết quả tốt nghiệp cấp 2 thì ba đã không còn. Một vụ tai nạn giao thông đã cướp ba đi vĩnh viễn. Giờ viết những dòng này mà nước mắt tôi không ngừng rơi. Đã 24 năm trôi qua kể từ ngày ba rời khỏi cõi đời này nhưng những hình ảnh về ba, những lời ba dạy, đối với tôi vẫn mới như ngày hôm qua.
Mỗi lần nhớ ba tôi luôn nhớ chuyện nhen lên một niềm vui. Tôi mường tượng mỗi một mẩu chuyện về ba là một thanh củi và chỉ cần khéo sắp xếp một chút thôi, chúng sẽ rất nhẹm sau một tia lửa nhỏ, và lòng tôi có được rất nhiều ngày bằng an.