Bây giờ, giữa đại ngàn hùng vĩ của huyện Vĩnh Thạnh, ở về phía thượng nguồn sông Côn, một con đập bê tông khổng lồ dài trên 600m, cao trên 95m so với mặt biển đã hiện lên sừng sững và hoành tráng, vững chãi chắn ngang dòng Côn giang. Đập đầu mối công trình thủy lợi Định Bình đang được thi công những hạng mục cuối cùng...
|
Công trình đầu mối hồ chứa nước Định Bình.
|
* Đích đến ở ngay trước mắt
Sau hơn 4 năm miệt mài thi công, đến nay công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh đã gần về đến đích an toàn. Vào thời điểm giữa tháng Chạp năm ngoái, chúng tôi cũng có mặt ở nơi thượng nguồn sông Côn này. Lúc ấy công trường nhộn nhịp lắm vì đang vào giai đoạn thi công cao điểm. Gần cả nghìn công nhân và đông đảo đội ngũ xe máy, thiết bị của liên danh các nhà thầu, dưới sự chỉ huy của tổng thầu là Công ty cổ phần Xây dựng 47, khẩn trương làm việc suốt ngày đêm không ngơi nghỉ để chạy đua với tiến độ.
Bây giờ thì công trường yên ắng hơn nhiều, bởi đang đi vào những hạng mục cuối cùng. Một lượng lớn công nhân và phương tiện thiết bị đã được điều đi các công trường khác, còn lại khoảng 250 cán bộ, công nhân của các công ty xây dựng: 47, 25, 26 đang thi công bê tông mặt đập và đúc dầm cầu. Ở thân đập, Công ty Xây dựng 276 đang thi công phần cơ khí để chuẩn bị lắp đặt 6 cửa tràn xả đáy và 6 tràn xả mặt. Bên dưới chân đập đầu mối, nhà máy thủy điện Định Bình (liên doanh giữa Công ty 47 và Công ty Điện lực 3...) đang phát thử nghiệm lên lưới điện quốc gia với công suất 6 MW (tổng công suất 6,6 MW).
Đứng trên mặt đập ở cao trình trên 95 m nhìn về phía thượng lưu, dòng sông Côn với vài lạch nước nhỏ của năm trước giờ đã biến thành mặt hồ rộng mênh mông. Hiện nay hồ đã tích nước đến cao trình 80.8 với trên 100 triệu mét khối nước, theo đúng kế hoạch đã đề ra. Phía hạ lưu đập, dòng Côn ăm ắp nước, hiền hòa chảy về xuôi tưới mát những cánh đồng lúa Đông Xuân đang vào vụ.
Theo kỹ sư Nguyễn Minh Nhân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 6 (thuộc Bộ NN-PTNT), đại diện chủ đầu tư: Nhìn chung, tiến độ thi công vượt lũ chính vụ năm 2007 là đạt yêu cầu. Sau mùa mưa, các nhà thầu đang nỗ lực tăng cường thi công để bù lại thời gian mưa lũ không làm được. Khối lượng lớn nhất và quan trọng nhất của công trình là bê tông đập đầu mối. Trong tổng số 436.460m3 bê tông, đã hoàn tất 178.505m3 bê tông đầm lăn và 244.138m3 bê tông thông thường; còn lại 13.817m3 bê tông thông thường đang được tiếp tục thi công. Tổng khối lượng công việc đã hoàn thành trên 90%. Các hạng mục đang được đẩy nhanh tiến độ là: thi công cầu thả phai, cầu giao thông; lắp đặt cửa tràn xả mặt, bê tông mặt đập; hoàn thiện mái hạ lưu hai vai đập; lắp đặt hệ thống điện và chỉnh trang hoàn thiện công trình để bàn giao cho đơn vị quản lý-vận hành trong quý II.2008.
|
Kỹ sư Nguyễn Minh Nhân (bên phải) đang giới thiệu về công trình Định Bình.
|
* Làm thông tầm, không nghỉ Tết
Ở mặt bằng bên cạnh đỉnh đập đầu mối, trên 50 công nhân của Công ty 47 đang tập trung xây dựng khu nhà quản lý-vận hành công trình, và đang khẩn trương đúc dầm cầu. Ông Nguyễn Quang Cang - cán bộ kỹ thuật của Công ty 47, Phó chỉ huy công trường - cho biết: Để hoàn thiện cầu thả phai và cầu giao thông, chúng tôi phải đúc 48 dầm chữ T, mỗi dầm dài 16m, nặng 110 tấn. Đến nay đã đúc được 12 dầm, từ nay đến Tết sẽ đúc được thêm 12 dầm nữa. Để kịp tiến độ đúc dầm và chuẩn bị các công việc nhằm đáp ứng yêu cầu lao dầm ngay sau Tết, trên 70 công nhân của Công ty 47 sẽ ăn Tết ở công trường. Công ty đã chuẩn bị mọi thứ để anh em có thể ăn một cái Tết đầy đủ, cùng với các chế độ đãi ngộ xứng đáng. Còn các bộ phận khác sẽ được nghỉ Tết từ ngày 29 tháng Chạp.
Tâm sự với chúng tôi, các công nhân sẽ ăn Tết công trường đều cho rằng: Đã là công nhân xây dựng thủy lợi thì chuyện ăn Tết tại công trường đã trở thành bình thường. Tuy cũng có buồn vì không được sum họp gia đình trong những ngày thiêng liêng nhất của dân tộc, nhưng nhiệm vụ là trên hết, và họ sẽ nỗ lực hoàn thành.
|
Nhà máy thủy điện Định Bình đang phát thử nghiệm lên lưới điện quốc gia.
|
* Đã phát huy hiệu quả công trình
Đưa chúng tôi đi tham quan công trường, gương mặt của kỹ sư Nguyễn Minh Nhân đã “dãn” ra và tươi hơn rất nhiều so với trước đây. Chúng tôi hiểu rằng ông và những cộng sự đã phần nào trút đi gánh nặng lo toan trong thời gian trước, khi công trình còn đang bộn bề. Đã qua rồi nỗi lo thi công chậm tiến độ. Qua rồi nỗi lo về sự thiếu hụt lượng tro bay vốn là chất phụ gia không thể thay thế trong kỹ thuật bê tông đầm lăn. Qua rồi nỗi lo thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến chất lượng bê tông đầm lăn. Qua rồi nỗi lo về sự an nguy của công trình trong nhiều mùa mưa bão...
Để có được sự an tâm của hôm nay, suốt mấy năm liền những người làm công tác quản lý dự án đã thường xuyên đôn đốc các nhà thầu tổ chức thi công đạt tiến độ, chất lượng, đảm bảo an toàn lao động; lập hồ sơ nghiệm thu đúng quy định; thực hiện chặt chẽ nhiệm vụ giám sát thi công; kịp thời giải quyết những vướng mắc về kỹ thuật... Sau khi công trình này hoàn thành, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 6 sẽ tiếp tục quản lý thi công dự án đập dâng Văn Phong để phát huy trọn vẹn hiệu quả của công trình thủy lợi Định Bình.
Kỹ sư Nguyễn Minh Nhân cho biết: Từ trung tuần tháng 10 đến cuối tháng 11.2007, công trình đập đầu mối Định Bình đã đón 5 cơn lũ lớn; lưu lượng nước đến lớn nhất là 2.238m3/giây, lưu lượng xả lớn nhất là 2.068m3/giây; nhờ đó, đã cắt được đỉnh lũ cho phía hạ lưu, hạn chế được thiệt hại. Công trình bước đầu đã phát huy được nhiệm vụ thiết kế: cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; điều tiết lũ (khi hoàn thành sẽ điều tiết được 30% lưu vực lũ trên hệ thống sông Côn); phát được điện, nuôi trồng thủy sản, phục vụ du lịch... Dự kiến hồ Định Bình sẽ tích nước đến cao trình thiết kế với dung tích 226 triệu m3 nước trong mùa lũ tiểu mãn năm nay.
Công trình hồ chứa nước Định Bình là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Bình Định, với dung tích 226 triệu m3; tổng kinh phí đầu tư trên 1.089 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Trong đó kinh phí đền bù giải tỏa, tái định cư gần 264 tỉ; giá trị xây lắp công trình đầu mối và các công việc khác trên 825 tỉ đồng. Công trình được khởi công từ năm 2003; sẽ hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong năm 2008.
Hồ Định Bình góp phần điều tiết lượng nước sông Côn, điều tiết lũ trên hệ thống sông Côn và cung cấp nước tưới cho trên 15.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ở các địa phương phía Nam tỉnh; trong tương lai sẽ nâng lên gấp đôi; đồng thời cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch… | |