Cân bằng giữa chơi và học. Thích đi du lịch để chiêm nghiệm về cuộc sống. Sống cho mình nhưng không quên nghĩ đến cộng đồng… Đó là vài nét chấm phá về chân dung của Nguyễn Chí Hiếu- một sinh viên người Bình Định đang nghiên cứu sinh tiến sĩ, ngành kinh tế tại Mỹ- người đã luôn nổi tiếng với những danh hiệu và giải thưởng cao nhất về học tập…
|
Nguyễn Chí Hiếu trong ngày tốt nghiệp đại học, năm 2007. (Ảnh do Nguyễn Chí Hiếu cung cấp).
|
* Gia đình là điểm tựa nâng “đôi cánh” ước mơ
* Năm nay, được về nhà “ăn” Tết, Hiếu cảm thấy như thế nào?
- Trong 3 tuần, được về với gia đình, tôi đã tranh thủ đi thăm thầy cô, bạn bè, gặp gỡ những người bạn học ở bên Anh lúc trước, giờ đã về đi làm tại Việt Nam; dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế, chở mẹ đi chợ hoa chọn mua hoa, mua bánh, mứt; về quê, lên mộ ông bà, đi thăm, chúc Tết họ hàng, chú, bác… Những chuyện rất bình thường thôi, nhưng đối với tôi, được sống trong không khí gia đình, hưởng một cái Tết cổ truyền của dân tộc là một cái gì rất đặc biệt, khó tả và rất quý giá. Đối với người Việt, sau một năm quần quật làm việc, đến Tết, còn thấy quý, huống chi đối với những người xa quê hương 4- 5 năm như tôi.
* Gia đình đã luôn nâng đỡ anh trên con đường học vấn?
- Ba mẹ tôi nguyên là những nhà giáo, nên rất quan tâm đến giáo dục con cái. Bắt học, nhưng cũng không đến mức phải thức khuya dậy sớm để học. Học đến 8,9 giờ tối, chúng tôi vẫn được xem ti vi … Chính vì quen với kiểu học, kiểu chơi như vậy nên bây giờ, tôi học nhiều quá cũng không được, chơi nhiều quá cũng không thích… Vào những dịp nghỉ ngơi, được đi chơi với bạn bè 2- 3 ngày, không học gì, thấy nhớ nhớ muốn học lại, học 2- 3 ngày, lại muốn chơi.
Không biết có phải là bí quyết không, nhưng tôi luôn biết cân bằng giữa việc học và chuyện chơi… Ba mẹ chỉ định hướng đến năm lớp 11, còn khi đã quyết định cho tôi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh), ba mẹ đã để tôi tự quyết định. Sau này, sang Anh cũng vậy, họ chỉ góp ý kiến, còn học ngành gì, học ở đâu, làm gì… tôi đều quyết định, ba mẹ luôn nghe và tôn trọng ý kiến của tôi, không áp đặt.
* Bơi ra biển lớn...
* Được sống và học tập trong những ngôi trường “hàng đầu thế giới” hẳn là sự may mắn?
- Tôi cũng nghĩ vậy! Mặc dù 2 nước Anh và Mỹ khác nhau, văn hóa khác nhau, nhưng môi trường học tập thì gần như giống nhau. Tuy nhiên, so với Anh, điều kiện học tập ở Mỹ còn tốt hơn gấp chục lần. Phòng ở của tôi trong KTX rất rộng với đầy đủ phòng học, phòng ngủ, nhà bếp, nhà tắm riêng cho mình sử dụng. KTX có 2 sân bóng chuyền, 2 sân ten-nit, sân bóng đá…
Ở Mỹ đất rộng, tài chính dồi dào nên cái gì họ cũng có thể đầu tư được. Đặc biệt, học ở bậc cao học, sự đầu tư còn tốt hơn so với bậc đại học. Thư viện ở Anh, ở Mỹ thì hiện đại gần như nhau và các phương tiện hỗ trợ như máy tính, máy photocoppy, internet thì rất đầy đủ. Trường đại học như một xã hội thu nhỏ. Trong trường có cả khách sạn, nhà hàng, bưu điện, sở cảnh sát, trạm cứu hỏa, bệnh viện… Tuy trường rộng như vậy, nhưng tôi đã không gặp khó khăn gì trong cuộc sống bởi mọi nhu cầu của mình đều được đáp ứng một cách nhanh chóng. Chẳng hạn, khi cần một chai nước rửa chén, tôi chỉ cần “vào mạng”, hôm sau cửa hàng của trường đã đưa nó lên tận phòng của mình rồi.
* Vậy, học bổng có đủ cho anh chi phí việc học tập?
- (Cười) Ồ, học bổng thì dư… Số tiền 375.000 USD được chia đều cho 5 năm học. Hàng tháng, khoa chuyển học phí cho trường, chuyển bảo hiểm sức khỏe qua bệnh viện, chuyển tiền nhà… Phần còn lại, được chi dùng cho ăn uống, cũng rất dư dả. Hồi mới sang Mỹ, tôi đã mua sắm nhiều vật dụng trong nhà, dư tiền, còn mua hẳn một cây piano để thỉnh thoảng chơi nhạc, thư giãn; tiền vé máy bay về thăm nhà Tết này cũng là tiền học bổng của đợt này đấy.
* Nghe nói, anh rất thích đi du lịch và trong thời gian học ở bên Anh, anh đã tranh thủ đi được rất nhiều nước?
- Những ngày nghỉ, tôi thường đi du lịch tới thăm các vùng miền của nước Anh, Pháp, Trung Quốc, Singapore… và chỉ đi một mình. Ngoài những hiểu biết về kiến thức văn hóa, tôi quan tâm đến cuộc sống của người dân ở những nơi mình đến. Có lần đi Trung Quốc, về thăm một vùng nông thôn, nơi tập trung rất nhiều người già sinh sống, được chứng kiến cuộc sống thanh bình, yên ả của họ… bắt gặp hình ảnh hai ông bà già ngồi ăn kem…, tôi chợt thèm cảm giác được như vậy. Cuộc sống vui vẻ chưa chắc cần phải có nhiều tiền; chưa hẳn phải phấn đấu để đạt được một vị trí có quyền lực cao. Đối với tôi, sống là vừa đủ, từng giây từng phút trôi qua vui vẻ, không phải hối tiếc…, chứ còn suốt ngày phải bon chen, cuộc sống luôn bị “cơm áo” cuốn đi, không có điểm dừng, không phải là con đường của tôi… Du lịch giúp tôi suy nghĩ và giải tỏa…
* Thế còn những dự định làm từ thiện?
- Hồi còn học đại học, tôi cũng đã rất thích làm từ thiện. Có năm, tôi đã làm đến 3- 4 chương trình văn nghệ gây quỹ từ thiện; về nước, tôi cũng thường tổ chức những hội thảo du học ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội… Sau khi tham gia chương trình “nhà lãnh đạo tương lai”, ý muốn làm một cái gì đó lớn lao hơn cho cộng đồng thôi thúc tôi rất nhiều. Nhưng rồi, tôi cứ bị việc học tập “cuốn” đi, vừa làm xong luận văn tốt nghiệp lại phải nộp đơn xin học bổng tiến sĩ…. Nhưng, nhất định tôi sẽ phải làm một điều gì đó cho cộng đồng. Có thể là sau khi đi làm, có lương rồi, tôi sẽ trích một phần lương của mình để tài trợ những suất học bổng cho học sinh nghèo học đại học. Rồi những em đó, khi thành công, lại giúp cho những người khác nữa, thì thật quý !
* Tương lai còn ở phía trước
* Học sinh Việt Nam ở nước ngoài được đánh giá như thế nào?
- Trường của tôi ở Bang California có rất nhiều sinh viên Việt Nam, nhưng sinh viên Việt Nam “gốc” chỉ chừng 10 người, nghiên cứu sinh tiến sĩ có 4 người, trong đó, khoa Kinh tế chỉ có mình tôi. Sinh viên Việt Nam được vào học ở những trường hàng đầu của Mỹ đã rất xuất sắc và trong quá trình học tập, các anh, chị, các bạn luôn nằm trong những vị trí đầu lớp và khá thành công… Đặc điểm nổi trội nhất của sinh viên Việt Nam là chăm chỉ. Họ chỉ cần chăm ít đi một tí so với ở nhà cũng đã hơn sinh viên quốc tế rồi. Sinh viên Việt Nam thường giỏi toán, giỏi các môn tự nhiên vì chương trình phổ thông ở Việt Nam vốn cao hơn so với nước ngoài, nhưng, khả năng của họ thường bị bó hẹp. Ngược lại, sinh viên quốc tế có những hiểu biết xã hội rất rộng. Khả năng bàn luận, nói chuyện về thời sự, chính trị của họ, tôi nghe luôn thấy… “choáng”.
* Anh đã rất thành công với nhiều danh hiệu, thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập. Vậy, con đường và những mục tiêu phía trước sẽ như thế nào?
- Khi học, tôi chỉ nghĩ học cho thật tốt để có được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, chứ còn giải thưởng này, giải thưởng kia, nhiều lúc cũng không biết có cần hay không. Trong năm học, tôi tham gia rất nhiều các CLB, các hoạt động xã hội. Chứ ngày nào cũng học trải dài 8- 9 giờ, theo một thời khóa biểu cố định, tôi không làm được…
Còn mục tiêu phía trước ư? 4 năm nữa, hoàn thành luận án tiến sĩ đã là mừng lắm rồi! Ra trường, tôi sẽ dành thời gian khoảng 3-6 tháng để đi du lịch. Đến Châu Phi, Châu Mỹ La tinh, những nơi mình muốn đến… Sau đó, hai công việc tôi đã nghĩ tới là làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và tư vấn kinh tế.
* Rồi anh sẽ trở về Việt Nam?
- Những kiến thức mà tôi được học thuộc những lĩnh vực còn khá mới mẻ, ở Việt Nam, chưa thể áp dụng được. Do đó, tôi chưa nghĩ đến về Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp. Nhưng trong quá trình học tập, tôi sẽ về nước thực tập ít tháng… Tôi quan niệm rằng, yêu quê hương không hẳn là cứ phải về quê hương làm việc mà còn có nhiều việc làm, đóng góp thiết thực, cụ thể khác cho đất nước.
* Cám ơn anh!
Nguyễn Chí Hiếu, sinh năm 1984, tại TP Quy Nhơn, nguyên là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Năm 2002, Hiếu rời Việt Nam sang Anh học đại học và đã giành được khá nhiều thành tích đáng nể ở nước ngoài: luôn đạt danh hiệu thủ khoa các năm học đại học và 2 lần được bình chọn là “Sinh viên giỏi nhất nước Anh” (2004- 2007); 1/100 “Sinh viên giỏi nhất thế giới” (2006); năm 2007, Hiếu đã được 5 trường đại học hàng đầu thế giới cấp học bổng đào tạo tiến sĩ và anh đã chọn nghiên cứu sinh tiến sĩ, ngành kinh tế tại Trường Đại học Stanford (Mỹ) với học bổng toàn phần trị giá 375.000 USD… | |