Tình cờ đọc báo, hay được nghe kể về những kỳ tích của các võ sư trên miền đất Võ, vậy là “mộ” và vượt dặm ngàn để “tầm sư học võ”- đó là “cơ duyên” của hầu hết các học trò phương xa khi về Bình Định học võ.
|
Biểu diễn võ nhân ngày giỗ tổ võ tại võ đường Phan Thọ. Ảnh: V.T
|
* “Muốn sang thì bắc cầu Kiều...”
Lão võ sư Phan Thọ (Tây Sơn) chính là người có đệ tử ngoại tỉnh nhiều nhất. Tính đến nay, ông đã truyền dạy cho hàng trăm đệ tử, đến từ nhiều địa phương trong nước như Lạng Sơn, Phú Thọ, Hải Hưng, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang… Người học ít cũng vài ba tháng, còn có người học đến vài ba năm. Nhiều học trò của võ sư Phan Thọ giờ đã trở thành huấn luyện viên, tiếp nối thầy truyền bá võ Bình Định đi khắp mọi miền đất nước.
Không nhiều đệ tử như võ sư Phan Thọ, nhưng võ đường của võ sư Phi Long Vịnh (Tuy Phước) cũng thu hút khá đông võ sinh ngoại tỉnh. Trong đó, nhiều nhất là ở các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Nam Định, Cao Bằng… Những võ sinh phương xa này, đến học võ với nhiều hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau. Người thì thi rớt đại học, quyết định đến với niềm đam mê võ học; người thì ôm ấp mục tiêu lớn hơn là học võ Bình Định để về dạy võ tại địa phương mình; nhưng lại cũng có người đi cả ngàn cây số vào Bình Định học võ chỉ để cốt phòng thân cho việc… chạy xe ôm…
Võ đường Bình Sơn của võ sư Lâm Ngọc Phú (An Nhơn) có hai đệ tử thật “đặc biệt”. Người thứ nhất là Nguyễn Vinh, một giáo viên Việt kiều tại Mỹ. Một lần tình cờ xem trên mạng, bắt gặp bài báo giới thiệu về võ sư Lâm Ngọc Phú, thế là Nguyễn Vinh dò hỏi địa chỉ, gọi điện thoại về xin phép được bái sư. Và rồi ba năm liên tục, cứ nghỉ hè là Nguyễn Vinh về An Thái học võ suốt ba tháng trời. Sau đó, với nền tảng võ thuật học được, Nguyễn Vinh đã đứng ra truyền dạy võ cổ truyền Bình Định tại Mỹ. Và trong một lần tham gia Đại hội Võ thuật ở Canada, những bài võ cổ truyền Bình Định do Nguyễn Vinh biểu diễn đã “hút hồn” nhiều người. Trong số này có Trịnh Quang Thắng, một Việt kiều tại Pháp. Lúc này, Quang Thắng đã 62 tuổi và cũng là huấn luyện viên võ thuật có tên tuổi. Nhưng rồi, do quá “mộ” võ Bình Định, Quang Thắng đã nhờ Nguyễn Vinh dẫn về ra mắt võ sư Lâm Ngọc Phú xin thọ giáo. Võ sư Lâm Ngọc Phú cho biết: “Năm ngoái, Quang Thắng đã về ở nhà tôi ba tháng để học võ. Trước đây, cậu ấy chỉ học võ nước ngoài, nên càng tiếp xúc võ Bình Định, Thắng càng đam mê và “vỡ” ra nhiều thứ trong kiến thức võ thuật của mình. Do đó, khi chia tay, Quang Thắng đã xin phép tôi được tiếp tục trở lại học võ vào một ngày gần nhất”.
Riêng đối với hai anh em võ sư Lý Thành Nhân, Lý Xuân Hỷ thì ngược lại, họ có đông đảo đệ tử ngoại tỉnh thông qua những lần được mời đi dạy ở khắp các địa phương, trải từ trong Nam, ngoài Bắc. Dù dạy ở đâu, hai võ sư này cũngï luôn hết mình trong việc truyền dạy tinh hoa võ cổ truyền Bình Định đến với đông đảo mọi người.
* Dạy cả võ lẫn đạo
Đến Bình Định học võ, những người ngoại tỉnh thường được các võ sư ưu tiên, miễn giảm đi nhiều nghi lễ. Chẳng hạn, khi muốn bái sư, thông thường các võ sinh địa phương phải chuẩn bị lễ vật trang trọng để cúng tổ. Tuy nhiên, với các võ sinh ngoại tỉnh, các võ sư thường chỉ yêu cầu lễ vật cúng tổ tượng trưng, rồi thâu nhận. Dù nhà của các võ sư đều tương đối chật chội, nhưng họ vẫn cho võ sinh ngoại tỉnh trọ, nhằm tạo thuận lợi cho võ sinh học võ.
Được ở chung với thầy, ngoài việc được chỉ bảo tận tình, các võ sinh còn học được nhiều suất võ mà thầy dạy trong ngày, thay vì chỉ học một suất như võ sinh địa phương. Chính vì vậy, võ sinh ngoại tỉnh học một tháng bằng võ sinh địa phương học hai, ba tháng, trình độ võ thuật tiến bộ rất nhanh. Tùy theo yêu cầu của võ sinh, các thầy sẽ căn cứ vào trình độ và thời gian học của họ mà có cách truyền dạy phù hợp.
Nhưng không phải ai ở xa đến học cũng được ưu ái truyền dạy và thu nạp. Khi thâu nhận võ sinh, các võ sư bao giờ cũng chú trọng tướng diện, cử chỉ, lời nói, cung cách xử sự, nhân thân, lai lịch của học trò, đặng quyết định có truyền dạy hay không, hoặc truyền dạy cái gì. Võ sư Phi Long Vịnh cho biết: “Thường khi ngủ, mỗi người không thể nào che giấu được tâm tính của mình. Biết vậy, nên tôi cứ nhìn bộ hình của học trò lúc ngủ ở dáng nằm, hơi thở, duỗi chân, gác tay… mà biết được tính cách của người đó, và có cách truyền dạy thích hợp”. Còn võ sư Phan Thọ thì nói: “Đối với các võ sinh, dù tôi yêu thương như con cháu trong nhà, nhưng việc truyền dạy võ thuật cũng phải tuân theo quy tắc. Đối với những người chỉ học một thời gian ngắn, mình không có nhiều điều kiện để nhận xét, hoặc những học trò đã phát hiện có vấn đề về đạo đức, tôi thường dạy những bài võ mang tính biểu diễn là chính, để đề phòng họ sử dụng vào mục đích xấu”.
Ý thức được rằng các võ sinh ngoại tỉnh sẽ góp phần quảng bá võ cổ truyền Bình Định ra các địa phương khác tỉnh bạn, nên dù thời gian truyền dạy ít hay nhiều, các võ sư cũng luôn cố gắng trao truyền tinh thần “võ đạo” cao đẹp cho đệ tử. Đó chính là đạo đức trong sáng, đức tính cao cả, tâm hồn hỷ xả của người học võ. Võ sư Lâm Ngọc Phú tâm sự: “Khi dạy võ sinh ngoại tỉnh, tôi luôn phân tích kỹ càng về tinh thần võ đạo, để từ đó, các võ sinh biết cách dụng võ thuật của mình vào những việc có ích cho xã hội”. Còn võ sư Phi Long Vịnh thì luôn răn dạy võ sinh: học võ là để tự vệ, còn dụng võ chỉ là biện pháp cuối cùng.
Truyền dạy võ đạo và tình cảm gia đình của các võ sư đối với các đệ tử phương xa, là “sợi dây neo” níu giữ tâm hồn họ nhớ về đất tổ. Chính vì vậy, nhiều võ sinh, tuy đã học từ rất lâu, nhưng vẫn luôn quan tâm đến thầy. Võ sư Phi Long Vịnh rất ngạc nhiên và xúc động khi mới đi biểu diễn võ ở Châu Âu về, đã có học trò ở tận Cao Bằng biết tin, gọi điện hỏi thăm. Còn lễ giỗ tổ hằng năm ở nhà võ sư Phan Thọ đều có rất đông võ sinh phương xa về dự. Hay như hai học trò ở nước ngoài của võ sư Lâm Ngọc Phú thì vẫn thường xuyên gọi điện thoại về thăm hỏi sức khỏe thầy.
Anh Lưu Hồng Loan, một học trò cũ của võ sư Phan Thọ, tâm sự: “Ba năm được ở trọ học võ trong nhà thầy đã để lại cho tôi những ấn tượng và tình cảm sâu sắc. Nhân cách và lời dạy của thầy đã giúp tôi lĩnh hội được rất nhiều về cái đạo của người học võ. Điều này, tôi luôn khắc ghi trong lòng và truyền dạy lại cho các học trò của mình khi về Kon Tum mở lò dạy võ”.
|