Viết bên bờ đầm Trà Ổ
Tạp bút của NGUYỄN SA HUỲNH
Hai năm trôi qua, giờ đây tôi mới được nhìn những chiếc ghe lướt trên mặt đầm Trà Ổ giữa ngày hè oi ả. Cảnh đó đẹp, bình yên đến lạ lùng và lòng tôi chùng xuống! Mươi năm trước đó là một cảnh rất đỗi bình thường. Khi dịch bệnh đến, cái khổ không chừa một ai. Người làm đầm khổ phần vì tôm cá không được bao nhiêu, phần vì giá lại rẻ hơn bình thường. Cả nước đang gồng mình chống dịch, phận người chưa bao giờ trở nên nhỏ bé, mỏng manh như lúc này nhưng những cây sào vẫn khua nước ngày đêm, như dòng sống vốn chưa bao giờ ngừng nghỉ…
Mùa hè trước, giờ này đầm Trà Ổ đã thành thảo nguyên. Đất nứt nẻ, người ta có thể chạy xe máy băng đầm từ Châu Trúc phía xã Mỹ Châu, Chánh Khoan thuộc xã Mỹ Lợi băng băng qua xã Mỹ Thắng, xã Mỹ Đức… Đầm cạn có rất nhiều nguyên nhân nhưng trước tiên là do biến đổi khí hậu nên mấy năm nay Bình Định ít mưa. Do sa bồi và có lẽ cũng không thể bỏ qua chuyện người ta cứ đổ rác thải sinh hoạt xuống đầm ngày càng nhiều mà chúng thì không thoát được ra biển nên rồi đáy đầm cứ thế nhô dần lên, giờ thì đã rất nhiều so với mươi năm trước. Để phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, ba trạm bơm công suất lớn lấy đi một lượng nước không hề nhỏ từ đầm mỗi khi hè về. Để giữ đầm, giữ môi trường sinh thái, năm nay chính quyền đã giữ nước trong đầm, hạn chế chuyện lấy nước tưới cho cây trồng, có thể coi như hy sinh cái lợi nhỏ trước mắt để giữ cái lợi lớn bền vững sau này cho môi sinh.
Nhịp sống bên đầm Trà Ổ. Ảnh: NGUYỄN SA HUỲNH
Hiện vẫn có khoảng 200 - 300 hộ gia đình hằng ngày chèo ghe trên mặt đầm để mưu sinh. Khi nghe tôi hỏi về lượng cá tôm thu được, chị Mười cười bảo cá, tôm, rạm, sáng nay thứ gì cũng có nhưng đếm được! Câu trả lời thật buồn cười nhưng quá đáng thương cho hai vợ chồng vì họ đã chèo ghe từ một giờ sáng đến sáu giờ sáng nhưng chỉ thu được lượng thủy sản không tới một trăm nghìn đồng, đó là chưa kể từ chiều qua họ phải mất hàng tiếng đồng hồ để thả lờ, giăng lưới.
Vợ chồng anh Hồng bắt đầu làm đầm hơn một năm nay, anh đầu tư hai dây lờ (mỗi dây 100 cái) hết 80 triệu nhưng mỗi ngày hai vợ chồng giỏi lắm cũng chỉ kiếm được vài ba trăm nghìn, đó là mùa kia chứ mùa này may lắm thì được hơn trăm nghìn. Diện tích mặt đầm hiện nay chỉ còn khoảng một nửa so với mùa tháng mười, nhiều người đã kéo lờ lên bờ phơi chờ trời mưa. Mặc dầu vậy, mặt đầm vẫn đầy vẻ lãng mạn và kiêu hãnh mỗi buổi sớm mai.
Đầm còn nước là vẫn còn được nghe tiếng bà con chào hỏi nhau rôm rả “Sáng nay có khá không?” hay “Có được con nào to không?”. Trên mặt đầm nhỏ dần mọi người vẫn chia nhau từng mảng nhỏ để đánh bắt. Họ cứ chèo ghe đi, chỗ nào còn trống thì thả lờ, thả lưới xuống. Sáng đi thăm nếu không có hoặc ít quá thì về, mai lại ra thăm. Họ làm việc một cách thư thái nhẹ nhàng như mặt đầm vốn lúc nào cũng trong xanh, hiền hòa! Bác Quốc, người đã gắn bó với nghề chài lưới hơn năm mươi năm khẳng định như đinh đóng cột là chỉ một tháng nữa thôi nước đầm sẽ ngấp nghé lưng đê. Tôi cũng tin vào điều đó vì giờ đã vào tháng bảy âm lịch, mấy ngày nay trời chừng như cũng đã chuyển giông. Nhờ giữ đầm không lâm vào thế cạn khô nứt nẻ, điều kỳ diệu có thể sẽ xảy ra vào năm tới, cá tôm sẽ hồi sinh, đời sống người làm đầm sẽ khá hơn… Rất nhiều người đã gieo hy vọng xuống mặt đầm ngay từ những tràng sấm động đầu mùa!
Tôi nhớ mùa hè năm ngoái, khi xuống đầm, những hình ảnh đã làm nhói tim tôi. Những con cá trơ xương, những vỏ ốc lẫn trong bùn đất… Đầm một màu xám xịt, u tối, tan thương. Tôi đã viết bài “Đầm chết” để cảnh báo về sự biến mất của một hệ sinh thái quý giá của quê hương. May thay điều tồi tệ đã không xảy ra và đầm phần nào đã được hồi sinh. Hệ sinh thái đầm không thể nào trở lại như vài chục năm trước vì nhiều nguyên nhân mà hầu hết là do tác động của con người. Có lẽ bắt đầu từ sự thiên lệch quá mức cho mục tiêu giữ nước tưới khiến người ta hân hoan với chủ trương ngọt hóa đầm Trà Ổ và từ đó hệ sinh thái nước lợ vốn cực kỳ độc đáo của đầm dần biến mất. Đến khi người ta giật mình vì không còn những sắc hương kiều diễm của một thời sản vật “tiến vua” thì dường như đã muộn. Các loại rong đuôi chồn, rong lá hẹ biến mất ngay lập tức, hệ lụy là nhiều loài cá cũng biến mất theo vì không còn nơi sinh sống, không còn nguồn thức ăn, chuỗi sinh thái bị gãy một hai mắt là vết nứt gãy rất lớn. Rồi kế tiếp là đập ngăn mặn dựng lên lừng lững khiến nhiều loài cá không thể di cư vào đầm sinh sản được. Ngay cả loài chình mun, chình bông gắn liền với tên tuổi đầm Trà Ổ cũng biến mất… Những rụng rơi cứ như một sự bào mòn khiến người ta quen dần với nghiệt ngã. Rồi cũng đến lúc một câu hỏi âm thầm đặt ra trong mỗi người, một ít thóc gạo có được từ cuộc ngọt hóa có xứng với sự biến mất dần mòn kia không?
Nói như vậy không có nghĩa có thể bỏ qua những kẻ xem thường pháp luật ngang ngược dùng xung điện để đánh bắt. Mức xử phạt ngày càng nặng hơn nhưng xem chừng cũng chẳng bõ bèn gì và lòng tham khiến con người ta bất chấp. Ấy là chưa nói đến thứ lờ “bát quái” với mắt lưới nhỏ đến mức đến cả con tép cũng không thể thoát được, con cá diếc chỉ to bằng cái móng tay cũng bị bắt lên chợ, thì còn biết trách cứ vào ai!
Hệ sinh thái ngày xưa cá tôm đầy đầm, chim muông đầy trời làm sao trở lại khi lòng tham của con người cứ mãi hun hút không cùng? Nước về, đầm sẽ lại sinh sôi nhưng xin hãy nương tay để đầm phục sức đã. Đầm vẫn là nơi nương tựa mưu sinh của hàng trăm gia đình bà con trong vùng, là điểm xuất phát của hương vị bún tôm Phù Mỹ ngọt ngào gây nhớ thương trong lòng lữ khách yêu một nơi chốn bình yên, xinh đẹp đến ngã lòng! Xin hãy cùng nhau giữ lấy đầm Trà Ổ yêu thương!