Nhớ một con đường
Năm học lớp 6, lớp 7 tôi thường nhận việc đi chợ cho má. Khi đó tôi học buổi chiều và má tôi thì đã bắt đầu đau nặng, là sau này khi mường tượng lại tôi mới biết chứ khi đó, chỉ biết là má mình đau. Vậy đó. Cũng có thể nói là tôi ít để ý, quan tâm đến sức khỏe của má mình.
Đi chợ sáng. Và toàn bộ các lần đều là chợ Quân Trấn, Quy Nhơn. Chợ này gần nhà tôi nhất. Gọi là “đi chợ” cho nó thêm phần trách nhiệm hãnh diện chứ mọi việc mua bán rất đơn giản. Ngày ấy chưa phổ biến túi ny lông như bây giờ, gói rau, gói cá, gói thịt nhất tề dùng lá chuối. Đơn giản đến mức giờ tôi không thể nhớ ra hồi đó mình mang giỏ hay thứ gì để đi chợ.
Thường thì má tôi biểu mua: Một ít rau sống, một ít rau muống - rau cải - hoặc nếu không có thì mua rau dền, đại thể là rau nấu canh. Đôi khi đổi món thì thêm một miếng bầu, bí đao, bí đỏ, bắp sú; một ít thịt bò, thịt heo để nấu canh. Má gần như không giao cho tôi mua cá, có lẽ bà sợ tôi không né được cá ươn.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN MAI LONG
Đường đi chợ không xa lắm, chỉ từ đầu đường Phó Đức Chính đến ngã tư đường Trần Quang Diệu - Tăng Bạt Hổ là tới. Phần lớn hành trình đi chợ của tôi trải trên đường đất và tôi - thường cũng đi chân đất. Hình như lứa chúng tôi khi ấy đều thích như thế.
Lượt đi, tôi thường phóng cái rẹt. Rất lẹ. Chợ nhỏ, không đến sớm thì không còn đồ ngon, hoặc tệ hơn là không còn gì để mua. Sau vài lần mua, tất tần tật những người bán hàng đều quen mặt tôi. Vì gần như cả chợ đều biết ba tôi. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy hãnh diện khi nghe họ nhắc tới ba mình. Và ngày càng thêm ngấm ngầm hãnh diện… Ba tôi làm thầy thuốc, ông rất quan tâm tới nhóm khách hàng cần lao, nghèo khó. Nên tại những khu dân cư lao động trong thị xã, phần nhiều đều biết ông. Còn trong vòng bán kính chừng 1 - 2 km, ngày ấy gần như ai cũng biết. Cứ hỏi “y tá lùn” là trong giới xích lô, xe đạp thồ, đặc biệt ở các chợ, nhà ga, bến xe ai cũng sẵn lòng chỉ nhà, hoặc đưa đến tận nhà. Vì thế, ở chợ Quân Trấn, dần dần người ta biết và có lẽ cũng bán cho tôi với giá mềm hơn mọi người.
Tôi là con trai, lại là nhóc con, không biết trả treo và người ta cũng không nỡ bán mắc cho ông “y tá lùn”, nhờ vậy tôi đi chợ rất nhanh. Đường Trần Quang Diệu ngày đó với tôi vô cùng êm đềm, nhà cửa san sát nhau nhưng gần như nhà nào cũng có khoảnh sân trống trồng hoa lá, cây cảnh phía trước. Với một thằng bé khỏe tò mò như tôi, chỗ nào cũng đáng chọc mắt vào. Ở đường này, hỡi ôi, người ta lại nuôi rất nhiều chó. Tôi thích loài vật này nên dần dà tôi cũng quen ráo trọi đám chó ở đây. Đường về nhà vì thế nhiều khi mất thời gian gấp 4 - 5 lần so với lượt đi. Sau này điều kỳ lạ là mỗi khi hình dung về những đường phố gắn bó với mình thì trước khi nhớ đến đường Nguyễn Thái Học trước nhà, các đường phố Trần Phú, Lê Hồng Phong - đường đến trường…, trong ký ức tôi cứ loang loáng hình ảnh đường Trần Quang Diệu. Có lẽ đường này có quá nhiều thứ đậm đà chất Quy Nhơn.
Có dạo, có một anh chàng nhà ở giữa cung đường, cứ tầm tôi về đến đó là anh giải lao, thư giãn bằng cách kéo vi ô lông. Sau vài lần thấy tôi chóc mỏ đứng nghe mê mải, anh ra mời tôi vào nhà ngồi nghe anh kéo đàn. Tôi chả biết anh chơi bản gì và anh cũng chả nói. Nhưng lâu lâu anh lại hỏi có thích không? Thường thì tôi đáp: “thích” cộng với nhận xét “nghe vui vui”, “nghe buồn bã”. Nhưng khi không thích thì tôi chỉ biết nói là “không thích” chứ không đưa ra được nhận xét. Có một lần, tôi nhận xét là “nghe rầu rĩ quá”, anh chàng kéo đàn rất thích nhận xét này, sau đó giảng tôi nghe tràng giang đại hải rất nhiều chuyện.
Tôi nhớ chuyện này là bởi lần đó tôi đi chợ về muộn kinh khủng, má tôi chờ sôi nước đỏ gọng mới thấy tôi tùng tơn tủng tởn về nhà. Bà quất cho tôi một trận mê tơi. Sau lần đó, tôi còn được nghe đàn một dạo nữa. Rồi không hiểu sao anh trai kia không chơi đàn nữa, rồi cũng không thấy bóng dáng anh. Có lẽ nhà anh ấy đã chuyển đi nơi khác. Anh trai kéo đàn này đeo kính cận và chả hiểu sao về sau khi thấy một người nghiêng người kéo thanh vĩ là tôi lại hình dung ra anh ấy đang đung đưa kéo đàn cho tôi nghe.
Nhiều lần, không giấu được niềm say mê, tôi kể với má tôi về anh trai chơi đàn, về lũ chó ở đường Trần Quang Diệu… Má tôi ngồi nghe rất nghiêm túc. Bà ngồi ở chỗ bán chè trước nhà đợi khách, lắng nghe tôi luyên thuyên. Hễ có khách là tôi cúp máy. Má tôi múc chè xong, là tôi lại mở máy. Hoặc giả má tôi vừa lặt rau vừa nghe tôi tía lia. Thường thì đến lúc phải vào làm bếp, tôi mới tắt đài. Tắt đài xong thằng tôi ngồi chóc ngóc ở đó trông quán chè cho má, hễ có khách thì gọi má ra bán. Quán chè ở trước nhà. Tôi là người sẽ thấy anh Sáu, chị Năm đi học về, ba tôi đi làm về trước tiên. Chả hiểu sao, tôi chẳng luyên thuyên với ai chuyện nghe đàn, chuyện đánh bạn với lũ chó… mà chỉ kể với má mình. Cũng lạ. Và tất cả đều hun hút trải dài trên con đường ngày đó còn là đường đất Trần Quang Diệu.
Hẻm 3 Nguyễn Thái Học của tôi giờ là đường Phó Đức Chính. Nhà cửa trong xóm giờ khác xưa quá nhiều, nhà tôi cũng thế… Đường Trần Quang Diệu đã được tráng nhựa, chợ Quân Trấn đã thôi nhóm ở chỗ đó từ lâu nhưng phố vẫn hiền hiền dù tất cả không còn như cảnh cũ ngày xưa… Nhiều khi tôi vẫn có cảm giác thành phố của tôi dẫu có nở nồi đến đâu, dù có vươn cao đến tầm nào… thì rốt lại nét giản dị chân chất, những nụ cười hồn hậu, có chút gì đó bẽn lẽn lành hiền vẫn không đổi. Và tôi thầm gọi đó là một giá trị riêng có của thành phố quê nhà.
* * *
Tôi ngồi trước máy tính, bổ rào rào trên bàn phím những chuyện ngày xưa, rồi mơ màng, mơ màng như thể, chút xíu nữa thôi… chút xíu nữa thôi, sẽ thấy ba mình dừng xe đạp theo kiểu rất riêng của ông, sẽ thấy anh Sáu, chị Năm đi học về… bóng cây mận, cây ô ma đổ dài trên lan can xi măng trước nhà, mương nước trước nhà ngoằn nghèo ký ức. Thằng tôi ngồi trên lan can chống cằm đợi khách đến ăn chè và mừng vui gọi toáng lên: Má ơi… ra bán… Có khách… Má ơi… Quy Nhơn của tôi bao giờ cũng gợi lên những luồng hồi tưởng vừa bảng lảng chung vừa bùi ngùi riêng như thế.
BÁ PHÙNG