Lan man với Tình sông núi
Cứ cho là trên đường Nam tiến sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), hành quân những 700 - 800 cây số từ Bắc vào nhưng chỉ đến khi đặt chân lên đất Quảng Ngãi, thấy bờ xe nước sông Trà đẹp quá, nhà thơ mới bật lên: “Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc/ Mây lồng và nước reo”, mở đầu cho thi phẩm bất hủ Tình sông núi.
Chiến sĩ cách mạng - nhà thơ Trần Mai Ninh
KHÔNG PHẢI “NAM TIẾN”!
Là tôi suy diễn từ tiểu sử không đầy đủ về Trần Mai Ninh - tác giả bài thơ, rằng ông quê Thanh Hóa, bạn đồng hương với Hữu Loan, tác giả bài thơ Đèo Cả nổi tiếng không kém, Nam tiến ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Nhưng khi đọc bút ký Ngọn gió chuyên cần và phóng túng của nhà văn Nguyễn Chí Trung, người từng tham gia kháng chiến vùng cực Nam Trung bộ với Trần Mai Ninh thì mới biết rằng, tác giả Tình sông núi tên thật là Nguyễn Thường Khanh, sinh năm 1917 tại Hà Tĩnh, lớn lên và học tại Thanh Hóa. Sau đó ông ra Hà Nội học ban Tú tài và tham gia hoạt động cách mạng tại đây.
Đầu năm 1941, Trần Mai Ninh về lại Thanh Hóa và lên chiến khu Ngọc Trạo tham gia đội quân du kích. Đến tháng 10 cùng năm, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, đày lên nhà giam Buôn Ma Thuột. Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, Trần Mai Ninh cùng các bạn tù đã vượt ngục. Ông được phân công về Ninh Hòa tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền. Suốt trong những năm đầu sau ngày khởi nghĩa 1945, Trần Mai Ninh đã đi lại thường xuyên giữa ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên - những tỉnh được xem là “vùng tự do” của Liên khu 5 lúc bấy giờ.
Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa trở nên nóng bỏng hơn lúc nào hết, Trần Mai Ninh bấy giờ đang ở Phú Yên. Ông muốn đi đường bộ vượt đèo Cả để đến Nha Trang. Nhưng cuối cùng Trần Mai Ninh chọn đường biển bằng một chuyến tàu bí mật vẫn thường chở vũ khí và lương thực cung cấp cho mặt trận Khánh Hòa, bắt đầu từ cửa Tiên Châu thuộc xã An Ninh, huyện Tuy An.
Bà Võ Thị Anh Túc, một tình báo viên thuộc Trung đoàn 803 ở Nha Trang, sau này là cán bộ giảng dạy của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội cho biết, Trần Mai Ninh bị bắt tại vùng biển ngoài khơi Hòn Hèo thuộc huyện Ninh Hòa. Bà Anh Túc cũng cung cấp thông tin là Trần Mai Ninh bị tra tấn trong tù cho đến chết. Hơn 50 năm sau, không một ai trong số bạn bè đồng đội biết được Trần Mai Ninh hy sinh ngày tháng nào của năm 1947 nên ông vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Năm 2000, nhà văn Nguyễn Chí Trung và một số người hoạt động cùng thời đã kiến nghị với các cấp công nhận cho liệt sĩ Trần Mai Ninh, lấy ngày 27.7 làm ngày giỗ của nhà thơ!
Bài thơ Tình sông núi được Trần Mai Ninh viết trong giai đoạn ra vô giữa Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên trước khi ông vào mặt trận Khánh Hòa rồi hy sinh ở đó.
CHẤM PHÁ SÔNG NÚI QUA THƠ
Trở lại với bài thơ Tình sông núi, chưa rõ cụ thể Trần Mai Ninh sáng tác vào thời gian nào, nhưng chắc chắn là sau năm 1945 và trước khi ông bị thực dân Pháp sát hại trong tù năm 1947.
Bờ xe nước sông Trà. Ảnh: NGUYỄN NGỌC TRINH
Mở đầu bài thơ, tác giả nhắc đến sông Trà Khúc cùng ánh trăng: “Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc/ Mây lồng và nước reo”. Những ai quê Quảng Ngãi, từng chứng kiến những guồng xe nước chậm rãi quay đều, bọt nước bắn ra như thể dát vàng trên sông vào mỗi đêm trăng thì mới hiểu một cách thấu đáo hai câu thơ này. Tả vẻ đẹp của bờ xe nước trên sông Trà vào ban đêm, lúc “trăng nghiêng”, hình ảnh hòa cùng âm thanh như thế, thật là tinh tế vậy.
Đang tả vẻ đẹp “không đụng hàng” của bờ xe nước sông Trà, đột ngột tác giả “nhảy cóc” vô Bình Định:
“Nắng bột chen dừa Tam Quan
Gió buồn uốn éo
Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ
Mờ soi Bình Định trăng mờ
Phú Phong rộng
Phù Cát lỳ
An Khê cao vun vút
Giá lạnh - Rừng buồn
Mượn ai kín hộ nước nguồn về đây”
Mạch thơ dồn dập bằng lối phá cách thể thơ truyền thống nghiêm ngặt vần điệu lúc bấy giờ, Trần Mai Ninh đã lột tả vẻ đẹp của “nước non Bình Định” mà ông từng đi qua và chứng kiến. Mỗi địa danh, nhà thơ lại gắn vào một đặc điểm, “định vị” địa danh ấy luôn.
Còn nhớ, hơn 20 năm trước, một đồng nghiệp quê Hà Nội cùng tôi đi cứu trợ đồng bào vùng Tam Quan bị thiệt hại do bão, bất ngờ anh đọc câu thơ của Trần Mai Ninh “Nắng bột chen dừa Tam Quan”, rồi hỏi cắc cớ: “Nắng bột ở đây là bột gì vậy?”. Tôi không giải thích trực tiếp câu hỏi ấy mà chỉ hẹn với anh là đợi đến mùa hè, mời anh vào đây, đi trong những rừng dừa khép tán ở Tam Quan thì sẽ thấy “nắng bột” nó kỳ diệu như thế nào!
Trong thơ, đừng nghĩ diễn đạt nội tâm để tìm sự đồng điệu của người đọc là phần khó nhất, mà tả cảnh vật quanh mình sao cho người đọc “ồ” lên rằng, “tôi cũng thấy vậy mà tả không được”, điều đó có khi còn khó hơn. Diễn tả cái nắng ở xứ dừa Tam Quan như rây bột là một ví dụ. Hoặc “Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ” rồi “Mờ soi Bình Định trăng mờ”… là những câu thơ không phải đặc tả, chỉ là chấm phá vài nét thôi. Ấy thế mà, tác giả cho ta cả một sự hình dung về vẻ đẹp của “sông núi” vùng quê này.
“Mờ soi Bình Định trăng mờ”, bạn có thấy những tháp Chăm trầm mặc, ảo diệu dưới ánh trăng không? Bạn có thấy cả một sự cổ kính pha lẫn huyền hồ sương khói nơi mảnh đất từng có thời là kinh đô của một vương quốc?
XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC VINH DANH
Năm 2007, Trần Mai Ninh được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Chỉ với hai bài thơ “Tình sông núi” và “Nhớ máu” đã đóng đinh tên ông trên thi đàn nước Việt. Tính tuổi thì Trần Mai Ninh cùng thời với những nhà thơ nổi danh trước Cách mạng tháng Tám như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh… nhưng xu hướng “lãng mạn” như các nhà thơ vừa nhắc không hề có trong các trước tác của Trần Mai Ninh.
Ông đã thổi vào thơ ca những năm sau Cách mạng tháng Tám một luồng gió mới: Không chịu ràng buộc với cách diễn đạt màu mè trau chuốt mà tung hứng theo cảm xúc tràn chảy của nhà thơ. Ngay cả tình cảm của thi nhân dành cho đất nước mình lúc đang có giặc cũng được diễn đạt bằng một hàm lượng chữ nghĩa khác trước. Tình sông núi không chỉ “điểm mặt” những địa danh tác giả từng đi qua mà thông qua những địa danh ấy, nhà thơ muốn giới thiệu rằng: “Không thấy nơi nào không đẹp/ Không giàu”, để rồi: “Khi vui non nước cùng cười/ Khi căm non nước với người đứng lên”!
Quyết liệt không khoan nhượng, cả trong thơ lẫn trong vai trò của một người lính ra trận, Trần Mai Ninh đã thành một biểu tượng dấn thân cho Tổ quốc mà nhiều thế hệ nhà thơ - chiến sĩ sau này xem ông như một thần tượng. Trần Vũ Mai, tức Vũ Xuân Mai, tác giả của trường ca Ở làng Phước Hậu nổi tiếng một thời, là một trường hợp như thế. Chỉ vì mê Trần Mai Ninh “đồng hương Thanh Hóa” mà Vũ Xuân Mai đã đổi họ Trần làm bút danh cho mình và tình nguyện đi thẳng vào vùng cực Nam Trung bộ, lần theo dấu chân mà Trần Mai Ninh đã từng đi hàng chục năm trước đó.
Tình sông núi đã song hành cùng đất nước suốt 75 năm qua và vẫn vẹn nguyên như thuở mà tác giả của nó đã nghe theo tiếng gọi của non sông để lên đường mà chẳng tiếc máu xương.
TRẦN ĐĂNG