Tấm hộ chiếu vũ trụ mang tên Quy Nhơn
Tất nhiên, thời Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên đều chưa ai nghĩ đến sự ra đời của ICISE trên thành phố tuổi học trò biển xanh cát trắng này, nhưng cảm thức về một vũ trụ vô hạn đã hiện hữu trong lòng bàn tay của hai thi nhân tít từ đầu thế kỷ XX. Cho đến tận bây giờ, ngọn lửa thi ca từ nhóm thơ Bình Định truyền thống của các thi nhân vẫn không nguôi cháy sáng ở thành phố này…
Vũ trụ là một tình yêu lớn đối với các nhà khoa học thiên văn và họ quan niệm về “phả hệ vũ trụ” từ khởi thủy được xác định chính xác và ngẫu nhiên bởi các hàm số vật lý, để bây giờ con người và vạn vật có họ hàng, anh em với những vì sao trong thiên hà. Đó là điều không còn bàn cãi gì nữa, nhưng…
NƠI HỘI TỤ, GẶP GỠ CỦA GIỚI TINH HOA
Ở góc độ này, các nhà thơ Bình Định dường như có duyên khởi, Hàn Mặc Tử đã xem lãnh địa chị Hằng là đất “sổ hồng chính chủ” có thẩm quyền: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho” và “vũ trụ tính” hoàn bị từ y phục: “Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng” cho đến ẩm thực: “Gió trăng có sẵn làm sao ăn”... Một người bạn của ông - Chế Lan Viên - cũng gần gũi với dòng lượng tử ánh sáng ấy, coi vũ trụ là chốn hẹn hò: “Ta gặp nàng trên một vì sao nhỏ - Ta hôn nàng trong bóng núi mây cao - Ta ôm nàng trong những nguồn trăng đổ - Ta ghì nàng trong những suối trăng sao”. Thi nhân đã chiêm quan về một chiều kích khác, cái chiều kích mà ngày nay ta có thể gọi tên là “lượng tử topo” bên bờ biển Quy Nhơn: “Đêm hôm nay ngồi đây bên bờ bể - Ta lặng đếm thử bao nhiêu thế kỷ - Đã trôi trong một phút vội vàng qua - Ta lắng nghe những thế giới bao la - Tụ họp lại trong lòng muôn hột cát”.
Vừa qua, trong khuôn khổ Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 18, GS Duncan Haldane (Nobel Vật lý 2016) châm lửa lên đài trong nghi lễ thắp đuốc khoa học hưởng ứng kỷ niệm Năm quốc tế về Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững - sự kiện do Liên Hiệp Quốc thông qua. Ấy là ngọn lửa mang tính chất hội tụ, kết tinh, giao lưu và lan tỏa, và ICISE - chốn hoàng cung vật lý bên bờ biển Quy Nhơn - vinh hạnh được là một trong những điểm trao truyền.
Sau nghi lễ thắp đuốc khoa học, hàng loạt các hội thảo quốc tế diễn ra, thu hút hàng trăm nhà khoa học uy tín quốc tế đến với Quy Nhơn, mở đầu là: “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện”, nêu bật những phát triển gần đây trong nghiên cứu các tính chất cân bằng và không cân bằng của các vật liệu lượng tử mới, như: Các trạng thái Topo của vật chất, các hệ hai lớp xoắn, các vật liệu từ, TMDs (transition metals dichalcogenides), siêu dẫn, các hiện tượng lượng tử trong hệ trung mô... Hội nghị “Vật lý Neutrino” thảo luận về những kết quả mới nhất trong lĩnh vực vật lý Neutrino bao gồm các kết quả từ các thí nghiệm với máy gia tốc và với lò phản ứng hạt nhân; các phép đo khối lượng neutrino trực tiếp; tìm kiếm phân rã beta không có neutrino; các thách thức lý thuyết để hiểu sâu hơn về các tính chất của neutrino và vai trò của nó trong vũ trụ. Hội thảo khoa học quốc tế về lĩnh vực vật lý thiên văn và vũ trụ học “Vũ trụ vàng - Vật lý thiên văn hạt nhân và tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin” tập trung thảo luận phát hiện mới về nguồn gốc các nguyên tố nặng như vàng; mối liên hệ giữa các nguyên tố, vật chất trong vũ trụ đối với trái đất và sự sống con người ở trái đất; tương tác giữa tia vũ trụ với bầu khí quyển của trái đất tạo ra “mưa vũ trụ”... Hội thảo “Vật lý thiên văn SAGI 2022 - Những hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi”, khảo cứu sâu khái niệm “con mắt thứ 3 của loài người” (parimetry) nhìn vào vũ trụ bên cạnh trắc quang, quang phổ, nhằm mở rộng biên giới mới để khám phá vũ trụ chính xác hơn.
Phải kể ra chi tiết hơi dông dài như thế để khẳng định một điều rằng, chỉ 1 tháng của Năm Quốc tế Khoa học 2022 đã diễn ra biết bao hoạt động chất ngất, tiếp diễn liên tục hàng trăm hội nghị, hội thảo quốc tế cũng như Trường Vật lý được ICISE tổ chức từ 2013 đến nay. Tất cả đã minh chứng rằng Quy Nhơn là nơi hội tụ những anh tài bốn phương.
QUY NHƠN VÀ CÁNH CỬA MỞ VÀO VŨ TRỤ
Trên Đại lộ Khoa học lừng danh của Quy Nhơn nhiều năm nay đã in bóng những tên tuổi lừng danh thế giới của các nhà khoa học sở hữu các giải Nobel, giải Fields, Giải Dirac…, trong đó có nhiều nhà khoa học lỗi lạc gốc Việt như GS Trịnh Xuân Thuận, GS Phạm Quang Hưng; GS Lưu Lệ Hằng, GS Vũ Hà Văn, GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn… Ngọn lửa khoa học thì cháy trên đài cao để làm biểu tượng, nhưng bản thân những nhà khoa học này chính là hiện thân những ngọn lửa, của trí tuệ, của cống hiến, của đam mê, của tình yêu không biên giới … Như “lượng tử topo” trong thơ ca xứ sở này: “Để nghe tiếng nhạc Nghê thường trỗi - Để hớp tinh anh của nguyệt cầu - Và để thoát ly ngoài thế giới - Để cười để trửng để yêu nhau” (Hàn Mặc Tử).
Trên Đại lộ Khoa học, bên cạnh ICISE là Trung tâm Khám phá khoa học với Nhà mô hình vũ trụ, Trạm quan sát thiên văn phổ thông, Bảo tàng khoa học được phân chia thành các tiểu khu khám phá: Vật lý, toán học, khoa học sự sống, hóa học, thiên văn học… Gần đó là Công viên Sáng tạo TMA Bình Định và một chi nhánh của FPT, tập đoàn công nghệ hùng mạnh Việt Nam...tất cả mang sứ mệnh tgóp phần đưa Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn và Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa trở thành một điểm đến của công nghệ 4.0… Một công viên phần mềm trong chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung cũng tiếp tục được xướng tên trên bản đồ quy hoạch nơi này.
Gần đây, người ta đang đặt ra thế mạnh Quy Nhơn trong loại hình du lịch MICE với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên; di sản văn hóa; dung nhan các bãi biển; sự phong phú ẩm thực; hệ thống giao thông hàng không, cảng biển, đường bộ, đường sắt; khách sạn, resort; đặc biệt là những giá trị cốt lõi hội tụ và lan tỏa từ Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa - “đặc sản” điển hình, độc đáo dưới khung trời Đông Nam Á.
***
Bên khung cửa sổ Quy Nhơn, trong dòng lượng tử tinh thần của những giá trị phổ quát, ngữ pháp bí ẩn của vũ trụ thăng hoa lộng lẫy và mê hồn của nhân loại đã ngày càng được kết nối thành dòng, thành trang, thành biên bản của thức nhận, khám phá, gợi mở… Với nguồn cảm hứng giao lưu và cộng hưởng ấy, hai tiếng Quy Nhơn trở thành đại lượng trên tấm hộ chiếu vô biên của tình yêu vũ trụ.
NGUYỄN THANH MỪNG