Chợ xổm
*Tản văn của PHAN HUY THÙY
Mỗi khi có dịp trở về làng cũ, tôi thường ghé qua chợ xổm mua ít quà cho ông bà, ba má, tìm dấu quê xưa cho tròn thêm ký ức, gặp gỡ bà con làng xóm thân quen để nâng niu hình bóng quê nhà và để giữ giọng quê kiểng. Với tôi, hình ảnh chợ xổm là niềm thương nỗi nhớ còn vương vấn mãi trong lòng.
Ở quê, nhà ai cũng tự trồng thêm luống cải, giàn bầu, mớ rau, nuôi con gà con vịt, có thêm chục trứng, miếng thịt… Lúc cần tiền hoặc dư dôi cũng toan tính đem bán; chợ lớn thì xa, chẳng bõ công mang đi thế là người quê nhóm chợ xổm từ nhu cầu trao đổi, rồi dần dần để còn gặp nhau, thăm hỏi mọi thứ về nhau.
Với người dân xứ Nẫu quê tôi, từ “xổm” được dùng quen thuộc như ngồi xổm, làm xổm, chợ xổm… Bắt nguồn từ động tác ngồi xổm là “ngồi gập chân lại, đùi áp vào bụng và ngực, mông không chấm chỗ”, tên gọi chợ xổm mang nghĩa là chợ nhóm họp tạm thời, mua bán nhanh gọn, hàng hóa giản đơn, diễn ra trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Chợ xổm của làng tôi nằm ở vị trí rất thuận lợi, trên khu đất trống vài chục mét vuông, cạnh hàng tre dày tỏa bóng mát, sát trục đường chính ra vào xóm nên có nhiều người qua lại và giao thông cũng dễ dàng. Chợ nhóm họp từ tờ mờ đất, đến khoảng nửa buổi sáng là xong. Ngày nghỉ cuối tuần thì ung dung, thong thả còn vào vụ mùa là họp chợ khẩn trương hơn.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN MAI LONG
Mới đầu, hàng hóa ở chợ xổm còn rất đơn sơ, chỉ là “cây nhà lá vườn” của bà con trong xóm mang đến như bí, bầu, dưa, mướp và các loại rau, trứng là chính. Sau đó, thấy nhu cầu của bà con cao dần, vợ chồng nhà nọ mua cá biển đưa về, lại chịu khó mổ con heo nhỡ nhỡ để bán. Người đi chợ đông dần, nhiều người đi sớm để chọn chỗ tốt nên dần dần các chị, các cô bán thêm thức ăn sáng như xôi, bánh bèo, bánh canh, bánh hỏi, bún… Rồi mới nhất là cạnh phía tường nhà kho cũ của hợp tác xã ngày trước có người bày ra ít ghế trụi bán cà phê, nước ngọt, thuốc lá… Thế là mấy ông đợi vợ đi chợ có chỗ ngồi tán dóc với nhau. Chợ vẫn là chợ xổm nhưng không gian nhộn nhịp hơn, vui hơn. Điều mà có lẽ không mấy chợ ở phố có được là người đến chợ cả người bán lẫn người mua, thậm chí mới là người bán đó thoắt đã thành người mua, chẳng phải bán đàn gà xong đã vội sang hàng quần áo may sẵn sắm tấm áo cho con, đồng quà cho cháu đấy ư… Chuyện trò qua lại vì thế cứ râm ran vui.
Chợ xổm là nơi in đậm dấu ấn văn hóa độc đáo của làng quê. Người đến chợ hầu hết là phụ nữ trong xóm, vừa mua bán vừa thăm hỏi nhau và trao đổi thông tin thời vụ, mùa màng, chuyện làng... Chợ đón các bà, các mẹ quảy đôi quang gióng, đội thúng, xách giỏ hoặc bưng bê rổ rau trái đến đây, bày ra để cùng chọn lựa. Cách mua bán ở chợ xổm cũng hay lắm, mua theo mớ, theo chục, tùy trái lớn nhỏ mà tính tiền, chẳng câu nệ chuyện lời lỗ vì của nhà làm chứ không phải mua đi bán lại. Mỗi nhà có một thứ hàng khác nhau nên sẵn sàng trao đổi mớ rau, trái dưa lấy trứng gà, trứng vịt. Hơn nữa, đều là người làng thân thiết nên còn biếu thêm trái bắp, củ khoai, củ sả… là rất bình thường. Người quê mua bán thật thà, chất phác, chẳng thách giá, thậm chí thảo thơm theo kiểu “chục có đầu” như mua chục trái bắp nhưng kì thực tới mười hai trái! Đi chợ xổm không mất thời gian với việc trả treo, lựa chọn nhưng đoạn thăm hỏi, cập nhật thông tin lại dài dòng, nhiều khi chuyện nọ xọ chuyện kia. Thế nhưng không ai lấy đó làm phiền!
Chủ nhật vừa rồi trời mát, tôi về quê rất sớm, nhắn trước để ở nhà hay tin xong tôi ghé chợ xổm mua bánh canh mang về cho ba má. Trời se se lạnh, nhưng từ chợ lại hực lên một dòng nhiệt lưu ấm áp thôn dã, đã có nhiều người nhắc đến Tết, hẹn hò vài chuyện liên quan đến Tết. Tôi ngồi ở hàng nước, gọi một cốc cà phê và nhận thêm một điều bất ngờ. Lâu lắm mới lại uống cà phê phin, mới có lại cảm giác chờ giọt giọt cà phê rơi. Không còn nhớ lần cuối cùng mình nhìn thấy cà phê rơi là tự lúc nào nữa. Chắc cũng đã quá nhiều năm rồi, cà phê thì vẫn uống đấy nhưng đến quán gọi là có mà. Nào có phải chờ đợi gì, kể cả gọi cà phê phin.
Nhiều người đi chợ nhìn tôi ngợ ngợ, gióng giả hỏi thăm, “có phải anh T. con cụ P. ở xóm Thượng không…”! Họ đã nhận ra tôi là người làng và cái cách mà giọng họ ấm lên rất nhanh bỗng khiến tôi chạnh lòng nghĩ đến “Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương qua bản dịch: “Khi đi trẻ, lúc về già/ Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao/ Trẻ con nhìn lạ không chào/ Hỏi rằng khách ở chốn nào lại chơi?”. Tôi tự thấy mình may mắn hơn người khách lạ giữa quê mình của nhà thơ họ Hạ. Niềm may mắn của tôi có lẽ bắt nguồn không ít với cuộc kết nối với chợ xổm chốn quê!