Ðờn ca tài tử miệt vườn
● Tản văn của BÙI THỊ XUÂN MAI
Y hẹn với cô em nghệ sĩ cải lương, 3 giờ chiều em đưa xe đến chở tôi đi. Đường Sài Gòn lúc nào cũng đông đúc sôi động. Tay lái lụa của em len lách băng băng xuôi về phía Bình Chánh. 4 giờ chiều đến nhà một người bạn gái tiếp năng lượng bằng những chiếc bánh ngọt, củ lang và nhiều trái cây... Vừa lai rai vừa hát hò một lúc rồi 3 chị em cùng rủ thêm 2 bác nữa lên đường. Phố xá đã lên đèn... Vậy mà em nói mới đi có nửa chặng đường... Em đưa tôi len lách vào những con phố, hẻm nhỏ ngoằn ngoèo thưa thớt người đi. Chẳng biết là bao nhiêu cây số. Tôi cứ ước lượng sự “ê cả người” mà đoán chắc cũng trên chục. Cộng hai đoạn vị chi gần hai chục cây không kém...
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Đang phân tâm thì bỗng nghe từ xa tiếng đàn nhị đàn kìm hòa âm rộn rã réo rắt vang lên như mời gọi, giục giã... tôi bừng tỉnh, con tim cũng rộn ràng theo. Tưởng đã đến nơi vậy mà đoàn xe còn phải ngoằn ngoèo mấy khúc cua nữa mới tới một ngôi nhà với chiếc sân rộng. Đã có dăm bảy người ngồi lác đác. Tôi thoáng thấy buồn. Chạnh nghĩ ngày xưa hồi còn công tác ở Trung tâm Văn hóa tỉnh... Khi mời được đoàn cải lương vô nhà hát diễn, đêm nào trong rạp và ngoài sân cũng đông nghịt người. Rạp chứa một nghìn chỗ, người ngồi đặc kín mà người đứng xem cũng chộn rộn vây quanh...
Vậy mà tôi ngồi chưa ấm chỗ thì bà con đã lần lượt kéo đến đầy sân tự lúc nào với những câu chuyện râm ran và những cặp mắt háo hức... nhìn ngắm các nghệ nhân đang say sưa với ngón đàn của mình... Không để khách chờ lâu, người dẫn chương trình trong trang phục đĩnh đạc với chiếc mũ phớt trên đầu dáng lãng tử đã bước nhanh lên sân khấu khai cuộc.
Mấy lời vắn tắt đón rào rào tiếng vỗ tay của mọi người, chuỗi âm thanh nao nức chưa dứt thì hòa âm đã nổi lên rộn ràng, rồi có người xung phong lên ca ngay. Sáu câu vọng cổ ngọt ngào mùi mẫn sâu lắng cuốn hút trái tim mọi người... Tiếp sau ngay là người thứ hai, người thứ ba, rồi các cặp nam nữ dắt tay nhau lên ca đối đáp...
Những bản tình ca lịm người kéo tôi mê mải nghe quên tất cả mọi sự xung quanh... Em gái bấm nhẹ tay tôi. Tôi lại như tỉnh người. Nhìn thấy trong khuôn viên rộng rãi đặt nhiều bàn tròn có mấy món ăn nhẹ, bia, nước ngọt, nước lọc... tùy khách cần gì dùng nấy...
Để ý, trong mỗi lớp ca, thường có khán giả cầm các bông hoa hồng lên tặng cùng trao nhau nụ cười thân thiện... Tôi cũng nhẹ nhàng cầm hai bông hồng trong bình trước mặt tặng cho 2 tài tử đang ca bản Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang... và tặng anh chị nụ cười vô cùng ngưỡng mộ. Ở đây mỗi người ngồi dự vừa là diễn viên vừa là khán giả. Sau mỗi lần “ca sĩ “ trên sân khấu dứt tiếng ca là tiếng vỗ tay nổi lên không ngớt. Không hiểu từ bao giờ tôi đã rất thích nghe đờn ca tài tử. Đến đây là niềm vui của tôi. Và... tôi nghĩ: Đến đây không hát thì hò/ Đừng như con cò nghểnh cổ mà nghe...
Nên tôi cũng muốn góp vui với bà con. Nhưng sợ mình ca vọng cổ mọi người chạy hết... Vì vậy, tranh thủ khi chưa có ai lên, tôi vội góp vui bằng một bài thơ với tựa đề có hơi hướm vọng cổ là “Em mãi mãi là em”. Vậy mà cũng được hai ba chị lên tặng hoa động viên. Thật vô cùng cảm động!
Đêm đã khuya, đường về khá xa nên chị em chúng tôi phải xin phép lui trước... Ra về mà “bước đi một bước giây giây lại dừng”, tôi cứ ngoái cổ lại hoài để nhìn để nghe những làn điệu ca cổ ngọt ngào da diết, mấy lần suýt vấp ngã khi bước ra xe. Khi lên xe đã thấy sương đêm nhè nhẹ bay trên đầu, vậy mà tiếng ca còn đuổi theo chúng tôi mãi. Chợt nghĩ, nếu như ngày còn trẻ, với máu “dăng ngợ xóm” của mình, tôi nhứt định sẽ nán lại, đằng hắng sửa giọng và lên góp cùng với bà con miệt vườn Nam bộ một bản dân ca bài chòi ấm áp của quê hương Bình Định…
Đã nhiều lần được nghe đờn ca tài tử trong các khu du lịch. Còn đây là lần đầu tôi đi tham gia - chứng kiến đờn ca tài tử miệt vườn, bà con tự tổ chức, đơn giản thôi nhưng thu hút người dân... Tôi càng hiểu hơn tâm hồn của những người con Nam bộ. Trước đây tôi chỉ mang máng biết: Người Đất Mũi mạnh mẽ trên sóng cả/ Nhưng trong tình yêu lại thầm kín dịu hiền…
Quả loại nghệ thuật Đờn ca tài tử thật xứng đáng được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...
Các bạn có biết không, hiện ở 21 tỉnh thành của vùng Nam bộ từ Bình Thuận trở vào có đến trên 2.500 CLB, nhóm, gia đình đờn ca tài tử như vậy... Chuyên nghiệp có cái hay của chuyên nghiệp. Còn đờn ca tài tử dân dã miệt vườn lại có cái cuốn hút rất đặc biệt của nó. Đã thấm đẫm như máu thịt của con người nơi đây. Đờn ca tài tử là món ăn tinh thần bình dị, gần gũi nhưng vô cùng bổ dưỡng tâm hồn, không thể thiếu được của người dân Nam bộ...
Sau lần được nghe đờn ca tài tử miệt vườn ấy, lòng tôi cũng thêm nhiều ngẫm nghĩ... Đêm nằm, cứ ước mong sao Bình Định quê mình với loại hình dân ca bài chòi - cũng là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại - hằng đêm trên khắp quê hương Bình Định thân yêu của mình cũng như của 6 tỉnh miền Trung đều vang lên những câu ca Dân ca bài chòi ngọt ngào như thế.