Công tác cán bộ người dân tộc thiểu số: Để việc đào tạo và sử dụng hợp lý hơn
10:28', 9/8/ 2004 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua cùng với sự phát triển chung về kinh tế - xã hội, trình độ của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh không ngừng được nâng lên. Riêng đối với đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số cũng không ngừng được cải thiện về nhiều mặt: chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và quản lý nhà nước.

Niềm vui ngày hội vùng cao

Không kể số cán bộ đang công tác tại 2 ngành y tế và giáo dục, cán bộ các ngành trong khối quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đã có 12 đại học, 54 trung học chuyên nghiệp, 11 cao cấp và đại học lý luận chính trị, gần 120 trung cấp lý luận chính trị. Về cử tuyển đào tạo, chỉ tính riêng từ năm 1999 đến nay, toàn tỉnh đã có 70 học sinh vào học các trường đại học của trung ương, 197 học sinh vào học các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ở địa phương; chưa kể hàng năm tỉnh đã dành hàng tỉ đồng từ ngân sách để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho số cán bộ đương chức ở các xã, huyện miền núi. Những cố gắng đó không chỉ để nâng cao nhận thức mà còn giúp cho đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở các cấp, các ngành, nhất là chính quyền ở cơ sở có trình độ nhất định để tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa phương.

Tuy vậy, trong thực tế việc thực hiện chế độ cử tuyển đào tạo và sử dụng học sinh người dân tộc thiểu số và thực hiện chính sách đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số hiện nay còn nhiều bất cập. Theo báo cáo của UBND huyện An Lão và Vân Canh, số học sinh cử tuyển đã tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm ở huyện An Lão là 15 người, trong đó có 10 cao đẳng sư phạm, 5 trung học y tế; huyện Vân Canh có 9 người, trong đó có 2 đại học, 2 cao đẳng, 5 trung học chuyên nghiệp. Bên cạnh đó số giáo viên tiểu học dôi dư do thiếu lớp ở 2 huyện trên, trong năm học đến có thể trên 60 người! Ngoài ra, bắt đầu từ đầu năm sau, với trên 200 học sinh cử tuyển theo các hệ đào tạo từ năm 1999 đến nay sẽ tiếp tục ra trường và sẽ lại tiếp tục không có việc làm. Trong khi đó, mặc dù trình độ cán bộ là người dân tộc ở các cấp đã được cải thiện, nhưng phần lớn số cán bộ chủ chốt ở cơ sở chưa tốt nghiệp trung học phổ thông còn cao.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nội vụ, đến tháng 6-2004, trong 300 cán bộ chủ chốt ở cơ sở là người dân tộc thiểu số, có 219 người còn ở trình độ tiểu học, trung học cơ sở chiếm khoảng 73%. Về trình độ chuyên môn chỉ có 2 đại học, 6 cao cấp và đại học lý luận chính trị. Đa số còn lại được đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Và sở dĩ có được trình độ lý luận chính trị trung cấp cũng là nhờ vào việc không đòi hỏi cao về bằng cấp văn hóa và được mở lớp học tại địa phương, tạo điều kiện cho đa số cán bộ vừa học, vừa làm việc.

Cấp cơ sở đã "mỏng" cấp huyện cũng không hơn gì! Số cán bộ là người dân tộc thiểu số đang công tác tại các phòng, ban, ngành ở 3 huyện miền núi (chưa tính đến đội ngũ giáo viên và y tế) hiện có 59 người, nhưng chỉ có 8 đại học, 29 trung học chuyên nghiệp; có 4 đại học và cao cấp lý luận chính trị, 22 trung cấp. Số cán bộ là người dân tộc thiểu số đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh có khá hơn về "chất" trong đó có 7/17 đại học, 2 trung học chuyên nghiệp. Về trình độ lý luận chính trị các cấp có 8 người. Tuy nhiên trong số cán bộ này có một số là người dân tộc thiểu số từ nơi khác đến.

Từ những vấn đề trên cho thấy giữa công tác đào tạo và sử dụng còn có khoảng cách khá xa, hay nói cách khác đó là việc đào tạo cứ đào tạo, còn việc bố trí cán bộ thì cứ bố trí, không có mối quan hệ gì với nhau. Tình trạng này vừa gây lãng phí lớn không chỉ về kinh phí, mà cái lớn hơn chính là thời gian và hiệu suất công tác của chính quyền đối với các xã, huyện miền núi vùng đồng bào dân tộc.

Để khắc phục tồn tại này, trước mắt có thể dừng việc cử tuyển và dùng chỉ tiêu này để đào tạo lại số học sinh đã tốt nghiệp cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, số giáo viên dôi, dư còn trong độ tuổi những ngành nghề theo yêu cầu phục vụ cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… ở địa phương. Đối với các xã vùng đồng bào dân tộc, ngoài chỉ tiêu biên chế trung ương quy định, tỉnh tăng thêm mỗi xã từ 1-2 cán bộ làm công tác tổng hợp về công tác Đảng và công tác chính quyền, để sau một vài nhiệm kỳ có thể thay thế số cán bộ chưa qua đào tạo. Ngoài ra hàng năm cần có quy hoạch ngành nghề đào tạo để sau khi học xong có thể bố trí việc làm cho phù hợp.

. Huỳnh Văn Chưa

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Rửa xe: nghề sống được   (06/08/2004)
Việc nhà, việc xã đều hay   (05/08/2004)
Nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao tăng   (05/08/2004)
Chuyện trò với tuổi trẻ xa xứ  (04/08/2004)
Mắc kẹt ở "thiên đường"   (04/08/2004)
Tây Sơn: Cán bộ cấp huyện về thôn, làng đã lơi dần   (04/08/2004)
Bạn đọc được phục vụ tốt hơn   (03/08/2004)
Chuyện ở quê tướng Nguyễn Chánh   (02/08/2004)
Ghi nhận ngày đầu tiên ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông  (02/08/2004)
Vì sao không tuyển được lớp chuyên Lịch sử và Địa lý?  (01/08/2004)
Những chặng đường lịch sử của ngành Tư tưởng - Văn hóa   (30/07/2004)
Người thương binh được dân kính mến   (30/07/2004)
Mỹ Đức có một ông... "quan"   (29/07/2004)
Sôi động thị trường mũ bảo hiểm   (28/07/2004)
Công hội đỏ và những cuộc đấu tranh đầu tiên của CNLĐ Bình Định  (28/07/2004)