|
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Nhà báo Bình Định phối hợp tổ chức lớp nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng cho các hội viên |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ được tổ chức vào cuối quý II năm 2005, là sự kiện chính trị quan trọng của báo giới Việt Nam nhằm phát huy mạnh mẽ năng lực của báo chí Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội được tiến hành dưới ánh sáng Chỉ thị 37-CT/TW ngày 18 tháng 3 năm 2004 của Ban Bí thư
"Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới". Đây là cơ sở định hướng quan trọng giúp cấp ủy đảng, chính quyền, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam các cấp, các cơ quan quản lý báo chí chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội các cấp Hội ở cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tốt Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ VIII. Cụ thể, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1- Tiếp tục chỉ đạo và quan tâm tạo điều kiện để xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam thực sự là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước. Việc tổ chức Đại hội ở các cấp là dịp cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị của Hội là tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà báo trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, chủ động tham gia công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; xây dựng hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách báo chí, xây dựng và phát triển vững chắc nền báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa hội nhập vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
2- Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam các cấp phải thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong báo giới, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp; tăng cường đoàn kết, tập hợp những người làm báo, mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa những người làm báo với toàn xã hội. Đổi mới việc tổ chức Đại hội để Đại hội thực sự là ngày hội của những người làm báo, là diễn đàn khơi dậy tình yêu nghề nghiệp, nâng cao tầm trí tuệ và kỹ năng nghiệp vụ; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, gây niềm phấn khởi, tin tưởng giữa các thế hệ nhà báo - hội viên; bảo đảm tính thiết thực; tránh phô trương, hình thức.
3- Chỉ đạo việc chuẩn bị thật tốt nội dung Đại hội. Báo cáo tổng kết cần đánh giá đúng thực trạng tình hình hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định những bước phát triển, trưởng thành của Hội và những đóng góp quan trọng của báo giới Việt Nam trong thời gian qua; nêu rõ những việc đã làm được, chưa làm được; phân tích sâu sắc những nguyên nhân hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, báo chí - xuất bản, đặc biệt là Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư "Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới", cần xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội trong giai đoạn mới theo hướng tăng cường sự hấp dẫn, lôi cuốn các hội viên tự giác, chủ động hiến kế và tích cực tham gia các hoạt động chính trị, nghiệp vụ, chuyên môn cũng như các hoạt động xã hội do Hội tổ chức.
Phương hướng quan trọng đối với các cấp Hội và toàn thể hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là thông qua việc tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, tiếp tục giáo dục, động viên hội viên thực hiện tốt trách nhiệm lớn lao và vẻ vang của báo chí là phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu, có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng dư luận xã hội, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp có hiệu quả hơn nữa vào mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.
4- Chỉ đạo tốt công tác nhân sự, lựa chọn người có phẩm chất đạo đức, uy tín, năng lực và nhiệt huyết với công tác Hội tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; bảo đảm sự trẻ hóa và tính kế thừa; chú trọng bổ sung đại biểu nữ; bảo đảm tính đại diện tiêu biểu các binh chủng báo chí trong cả nước. Lãnh đạo chặt chẽ, thực hiện dân chủ trong việc lựa chọn giới thiệu cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở mỗi cấp Hội.
5- Các cấp ủy Đảng cần tập trung chỉ đạo tốt Đại hội Hội Nhà báo các cấp cả về nội dung cũng như nhân sự Đại hội.
6- Các cấp chính quyền, các ngành, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí cần phối hợp, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để Hội Nhà báo Việt Nam các cấp tổ chức thành công Đại hội.
Căn cứ Hướng dẫn này, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ tiến tới Đại hội VIII Hội Nhà báo Việt Nam.