Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2004-2005: Không ồn ào, ít căng thẳng
9:38', 10/8/ 2004 (GMT+7)

Không ồn ào, việc xét tuyển vào lớp 10 ở tỉnh Bình Định ngày càng đi vào nề nếp và ổn định như một thông lệ hàng năm.

* Cạnh tranh theo thứ hạng

Hội khuyến học phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) tổ chức lễ ra mắt Trung tâm học tập cộng đồng (ảnh: Hoàng Vân)

Theo lịch, ngày 2-8, Sở GD-ĐT thông báo điểm xét tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông (THPT) công lập ở TP Quy Nhơn. Thế nhưng, đã quá cả tuần sau thời điểm đó các trường vẫn im ắng. Lác đác, mới có một vài học sinh (HS) ghé đến hỏi trường đã công bố điểm chuẩn hay chưa? Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Hiệu trưởng Trường Quốc Học cho biết: "Việc xét tuyển vào lớp 10 công lập nhiều năm nay đã thành nếp và khá ổn định".

Năm nay, số HS đăng ký xét tuyển vào Trường Quốc Học có sự tăng đột biến so với mọi năm với 759 hồ sơ. Bà Kim Lan giải thích: "Nguyên nhân do HS đăng ký thi tuyển vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có giảm hơn so với năm trước. Mặt khác, đa phần HS có điểm tốt nghiệp cao đều đăng ký vào đây và nếu không trúng tuyển vào trường, các em sẽ được chuyển sang học tại Trường Trưng Vương (nếu đủ điểm chuẩn vào Trưng Vương)...". Trước đây, Trường Quốc Học được chọn làm trường trọng điểm chất lượng của tỉnh và được lấy "đầu vào" là những học sinh khá, giỏi theo thứ tự từ trên xuống, nhưng từ năm 2000, khi tỉnh đã tách học sinh chuyên để thành lập Trường Lê Quý Đôn thì việc lấy "đầu vào" của 2 trường ngang nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, điểm chuẩn vào lớp 10 công lập của Trường Quốc Học thường cao hơn Trường Trưng Vương từ 3-4 điểm. Anh Khang, ngụ ở phường Ngô Mây, một phụ huynh có con đăng ký xét tuyển vào Quốc Học nhận xét: "Chúng tôi vẫn cho rằng Trường Quốc Học là "hệ 2" (sau Lê Quý Đôn), có truyền thống và nề nếp hơn, nên thấy cháu có điểm tốt nghiệp cao, tôi đã để cháu đăng ký xét tuyển vào trường này". Tâm lý của số đông phụ huynh đã đặt Trường Trưng Vương vào thế "cạnh tranh" về chất lượng dạy và học để thu hút HS đến với trường.

TP Quy Nhơn có 3 trường THPT công lập. Trường Hùng Vương có địa bàn tuyển sinh là các phường ngoại thành, còn Quốc Học và Trưng Vương chia nhau "miếng bánh" HS nội thành. Nhưng như đã nói ở trên, cuộc cạnh tranh này đã được phân định ngôi thứ. Mẹ của em Ngọc, một HS đăng ký xét tuyển vào Quốc Học có vẻ bí mật nói với tôi: "Năm nay, trường này chắc chắn lấy 53 điểm!". Thì ra, một số phụ huynh đã tính toán khá kỹ (đếm những HS có điểm tốt nghiệp lớp 9 cao ở nội thành, trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của mỗi trường, thường không có sự thay đổi lớn để tính điểm chuẩn).

* Tuyển sinh theo vùng - lợi và hại

Năm nay, Sở GD-ĐT có những thay đổi nhỏ về vùng tuyển sinh. HS ở thôn Thắng Công (thuộc xã Nhơn Phúc) và An Lộc (Nhơn Hòa) huyện An Nhơn trước đây thuộc vùng tuyển sinh của Trường THPT An Nhơn 3 nay được chuyển về Trường An Nhơn 1. Việc điều chỉnh này nhằm giúp HS ở những vùng này đi học thuận tiện hơn (do đã có cầu Phụ Ngọc và cầu Trường Thi nên HS 2 thôn này đến Trường An Nhơn 1 sẽ gần hơn). Việc khoanh vùng tuyển sinh đã tránh được tình trạng HS vùng có trường lấy điểm chuẩn cao đổ xô xuống các trường, các vùng lấy điểm chuẩn thấp để đăng ký xét tuyển. Sau đó lại quay về xin vào học ở những trường có điểm chuẩn cao gây nên sự rối loạn trong tuyển sinh và chiếm mất chỉ tiêu vào công lập của HS ở các vùng khó khăn. Tuy nhiên, việc khoanh vùng tuyển sinh cũng làm mất đi tính cạnh tranh của mỗi trường: muốn thu hút HS khá, giỏi vào trường phải cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học, tạo được môi trường giáo dục tốt và nâng cao uy tín trước phụ huynh.

Cũng do chỉ có một "nguyện vọng" duy nhất nên việc chạy đua vào trường công ở tỉnh Bình Định khá lặng lẽ, ổn định. Việc xét tuyển vào lớp 10 công lập đã giảm bớt sự căng thẳng, sức ép đối với HS, phụ huynh HS vì giảm bớt được một kỳ thi, nhờ đó cũng bớt đi sự tốn kém. Mặt khác, không thi tuyển vào lớp 10 thì tình trạng đổ xô vào các lò luyện thi sau tốt nghiệp lớp 9 của một bộ phận HS cũng không còn. Tuy nhiên, để tạo được sự công bằng trong xét tuyển thì ngay từ kỳ thi tốt nghiệp THCS phải được tổ chức thật nghiêm túc. Bà Kim Lan cho biết: "Có một số HS vào Trường Quốc Học có điểm thi tốt nghiệp rất cao nhưng qua thực tế học tập đã bộc lộ năng lực học tập chỉ vào hàng yếu, kém".

. Ngọc Quỳnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển văn hóa   (09/08/2004)
Về lãnh đạo Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam   (09/08/2004)
Công tác cán bộ người dân tộc thiểu số: Để việc đào tạo và sử dụng hợp lý hơn  (09/08/2004)
Rửa xe: nghề sống được   (06/08/2004)
Việc nhà, việc xã đều hay   (05/08/2004)
Nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao tăng   (05/08/2004)
Chuyện trò với tuổi trẻ xa xứ  (04/08/2004)
Mắc kẹt ở "thiên đường"   (04/08/2004)
Tây Sơn: Cán bộ cấp huyện về thôn, làng đã lơi dần   (04/08/2004)
Bạn đọc được phục vụ tốt hơn   (03/08/2004)
Chuyện ở quê tướng Nguyễn Chánh   (02/08/2004)
Ghi nhận ngày đầu tiên ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông  (02/08/2004)
Vì sao không tuyển được lớp chuyên Lịch sử và Địa lý?  (01/08/2004)
Những chặng đường lịch sử của ngành Tư tưởng - Văn hóa   (30/07/2004)
Người thương binh được dân kính mến   (30/07/2004)