Chú trọng công tác tư tưởng ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số
11:43', 18/8/ 2004 (GMT+7)

Bình Định có 44 xã miền núi vùng cao. Nhiều khó khăn đặt ra cho công tác tư tưởng ở những vùng này là: địa bàn rộng, dân cư thưa thớt (mật độ dân số ở các huyện miền núi 35-40 người/km2, trong khi đó các huyện đồng bằng 250 -300 người/km2), các bản làng xa cách nhau, giao thông đi lại khó khăn, nhiều xã cách trung tâm huyện cả nửa ngày đường đi bộ.

Đại diện UBND xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) cấp giấy chứng nhận kết hôn tại xã cho những cặp vợ chồng trẻ người dân tộc thiểu số

Do những khó khăn về địa hình nên nhân dân ít có điều kiện giao lưu, học hỏi giữa các vùng với nhau. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nghèo cả về cơ sở vật chất và hưởng thụ văn hóa. Nỗi lo lớn nhất của công tác tư tưởng ở những vùng này là trình độ dân trí thấp, tình trạng tế lễ, cúng bái, tà đạo mê tín dị đoan vẫn còn; bên cạnh đó ở miền núi có nhiều dân tộc sinh sống trên cùng một địa bàn, sự khác nhau về phong tục, lối sống cũng có thể tạo ra những mâu thuẫn, là nguyên nhân có thể dẫn đến mất đoàn kết giữa các dân tộc. Đây là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch, các phần tử phản động lợi dụng chia rẽ dân tộc, chống phá.

Tuy có những khó khăn thử thách như vậy, nhưng trong những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng đã vượt lên những khó khăn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Đài truyền thanh các huyện miền núi tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng dân tộc thiểu số, giúp cho nhân dân nắm bắt kịp thời tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, những chủ trương, chính sách của tỉnh và của địa phương. Hàng tháng, Ban Tuyên giáo các huyện biên soạn tài liệu Thông báo nội bộ dùng cho sinh hoạt chi bộ của các tổ chức cơ sở đảng. Để chuyển tải thông tin đến cơ sở, hàng tháng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên nhằm phổ biến, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thông tin kịp thời tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh để đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tiếp thu về phổ biến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

Nét nổi bật của công tác tư tưởng trong năm 2003 là các cấp ủy đã phát động phong trào toàn dân nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh và đã tổ chức thành công Hội thi báo cáo viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh; trong đó gần 100% các xã miền núi cũng đã tổ chức thành công Hội thi này. Thành công của công tác tư tưởng trong những năm qua đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, an ninh chính trị ở nông thôn, miền núi được giữ vững.

Đáng chú ý là trong thời gian qua, mặc dù đã xảy ra các vụ bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên, nhưng do làm tốt công tác tư tưởng, việc tuyên truyền giáo dục kịp thời nên tư tưởng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Định vẫn không dao động, họ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy vậy, thực tiễn ở một số cơ sở miền núi, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chưa đến được với người dân; việc phát hiện, nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng và tâm trạng xã hội đôi lúc chưa kịp thời; sự phối hợp giữa các binh chủng làm công tác tư tưởng chưa thật chặt chẽ. Để làm tốt công tác tư tưởng ở cơ sở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, theo chúng tôi cần tập trung những nhiệm vụ sau:

- Cấp ủy cần tổ chức tốt việc giao ban, tạo sự "giao thoa" của những thông tin từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên. Thông qua giao ban, cấp ủy, lãnh đạo các ngành, các xã, các làng bản nắm bắt được tình hình thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội ở khu vực; nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng, những thắc mắc của nhân dân để có biện pháp giải quyết, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

- Nội dung và hình thức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng phải sát với thực tiễn cơ sở. Đối với đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trình độ dân trí của họ thấp, nhận thức của họ còn hạn chế; vì vậy khi tuyên truyền phải cụ thể, rõ ràng, sao cho dễ hiểu dễ nhớ, dễ thực hiện; cần "trực quan hóa" nội dung và hình thức tuyên truyền đối với đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

- Tăng cường bồi dưỡng, đổi mới việc đào tạo cán bộ làm công tác tư tưởng ở cơ sở miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay vẫn còn có trường hợp cán bộ cơ sở không thể truyền đạt được những chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng; vì vậy cần đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh ở cơ sở. Cần lựa chọn những cán bộ dân tộc thiểu số trong thôn, bản để đào tạo thành những cán bộ tuyên truyền cho Đảng ở miền núi. Đặc biệt chú trọng vai trò trưởng thôn, già làng, trưởng bản, bởi chính họ là "linh hồn" của thôn bản.

- Cấp ủy các cấp cần tăng cường về cơ sở. Đây là hình thức gắn bó chặt chẽ quan hệ giữa Đảng với dân, thể hiện sự chăm lo, quan tâm của Đảng đến đời sống của dân, tạo niềm tin trong dân đối với Đảng. Qua đó giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng.

. Hồ Xuân Ánh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng cuộc sống mới ở Vân Canh  (17/08/2004)
Nghe nói chuyện thời sự thích lắm!   (17/08/2004)
Nhức nhối nạn lấn chiếm đất trái phép ở phường Quang Trung  (16/08/2004)
Hành trình lên đất thượng nguồn  (16/08/2004)
Hai khu dân cư tiên tiến điển hình của Bình Định   (15/08/2004)
Tiếng kêu khẩn thiết từ thôn Tân Hòa   (15/08/2004)
Tệ nạn mại dâm ở Quy Nhơn: Nhìn và thấy  (15/08/2004)
Ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục hải quan  (12/08/2004)
Trước ngày khai giảng năm học mới: Quá tải công chứng bản sao  (12/08/2004)
Những đứa trẻ ở vùng sông nước   (11/08/2004)
Lấn chiếm lòng - lề đường, vỉa hè ở Quy Nhơn: Chuyện dài chưa có hồi kết   (11/08/2004)
Bá Nói: dám nghĩ dám làm   (10/08/2004)
Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2004-2005: Không ồn ào, ít căng thẳng  (10/08/2004)
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển văn hóa   (09/08/2004)
Về lãnh đạo Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam   (09/08/2004)