Những đứa trẻ ở vùng sông nước
15:56', 11/8/ 2004 (GMT+7)

Mặt trời vừa nhô lên, cũng là lúc hàng chục đứa trẻ sống ở vùng sông nước của các xã khu Đông Tuy Phước bắt đầu một ngày "lặn ngụp" của mình để mưu sinh. Mặc cho cái nắng gay gắt, nước đục ngầu, lũ trẻ vẫn lầm lũi, cặm cụi, lặn ngụp để bắt từng con cua, con ốc... Những ngày nghỉ hè của lũ trẻ nơi đây là như vậy.

Nghề mưu sinh của những đứa trẻ vùng sông nước 

Các xã khu Đông Tuy Phước có chiều dài ngót 30 km ven đầm Thị Nại, từ Phước Thuận, Phước Sơn ra đến Phước Hòa, Phước Thắng và là nơi có nguồn thủy sản khá dồi dào, là nguồn kiếm sống chính của người dân ở đây.

Trong những ngày hè có dịp về các xã khu Đông, chúng tôi chứng kiến cuộc sống và sinh hoạt của những đứa trẻ nơi đây khác hẳn với những đứa trẻ ở những nơi gần trung tâm huyện, thành phố. Trẻ ở gần trung tâm huyện, thành phố thì được cha mẹ chở đi học hè, được tham gia các buổi sinh hoạt... Còn những đứa trẻ ở vùng sông nước này, ngày hai buổi phải lặn ngụp dưới đáy sông, ao hồ để bắt từng con cua, con ốc. Tại thôn Kim Đông (Phước Hòa) chúng tôi đếm có hơn 10 em độ chừng đang là học sinh trung học cơ sở hoặc tiểu học, đang đổ xô ra đầm để mò cua, bắt ốc khi gặp con nước ròng. Có một đặc điểm rất chung là những đứa trẻ ở đây đều có nước da đen xì. Khi chúng tôi hỏi sao các em không đi học hè? Lũ trẻ đều đồng thanh trả lời: Không có tiền đóng cho cô giáo, ở nhà đi bắt cua, bắt ốc bán có tiền hơn.

Trong những năm gần đây, ven đầm Thị Nại xuất hiện cua giống nhiều, bán rất được giá. Người dân nơi đây đổ xô đi bắt cua và trong đó lũ trẻ chiếm phần đông. Hành trang để hành nghề rất đơn giản, một chiếc rổ cào làm bằng tre và một túi xách. Cứ mỗi con cua giống bắt được bán giá 2.000 đồng/con, 1 lon (lon sữa Ông Thọ) ốc bán được 1.000-1.500 đồng/lon. Nguyễn Phúc Việt, ở xóm Gò Miếu thôn Kim Đông (Phước Hòa), mới 13 tuổi, qua hè lên lớp 7 (Trường THCS Phước Hòa), nhưng Việt đã có 3 năm đi mò cua, bắt ốc để bán kiếm tiền phụ với gia đình. Gia đình Việt có tất cả năm người, Việt là anh lớn trong nhà. Do liên tiếp những vụ tôm mất mùa, nhà không nuôi tôm nữa nên ba Việt phải đi nuôi tôm thuê cho các chủ khác trong vùng, mẹ ở nhà chỉ trông vào hai sào ruộng. Thế là mới 13 tuổi đầu, Việt trở thành một lao động chính cho gia đình. Việt cho biết: "Cô giáo cũng nhắc nhở phải đi học hè nhưng tiền đóng học phí 30.000 đồng/tháng, mẹ không cho. Mẹ bắt ở nhà đi mò cua, bắt ốc bán để mua gạo. Nếu ngày nào bắt được nhiều cũng được 20 đến 40 ngàn đồng, có ngày phải về tay không". Không riêng Việt, những cái tên Hòa, Thanh, Nam... mới chỉ học lớp 4, lớp 5 cũng đã phải đi mò cua, bắt ốc để phụ giúp thêm cho gia đình.

Đánh bida là môn giải trí duy nhất ở đây

Chúng tôi đến thôn Huỳnh Giản, một vùng nuôi tôm nhiều nhất của xã Phước Hòa, đồng thời cũng là thôn hàng năm có số em bỏ học chiếm tỷ lệ cao, khi mặt trời đã lên cao, nắng gắt nhưng nhiều đứa trẻ nơi đây vẫn miệt mài vừa cào, vừa mò trong những hồ tôm bỏ hoang nằm dọc đầm Thị Nại để bắt từng con cua, con ốc. Nguyễn Văn Tiến, ở xóm Huỳnh Sa, thôn Huỳnh Giản, vừa học xong lớp 5 Trường tiểu học số 2 Phước Hòa, qua hè lên lớp 6, buồn buồn nói: "Không biết sang năm học mới, ba má em có cho đi học nữa không?". Được một bạn cùng xóm với Tiến kể, chúng tôi mới biết gia đình Tiến hiện nay rất khó khăn do liên tiếp nhiều năm liền bị mất mùa tôm. Đến nhà Tiến, ngôi nhà nằm ngay bên hồ tôm, được xây tạm bợ đủ che nắng, che mưa và cũng vừa làm nơi canh hồ tôm, gặp chị Hoa, mẹ của Tiến, tâm sự: "Ngôi nhà chính đã bị ngân hàng tịch thu rồi, vì quá hạn mà vẫn chưa trả được nợ. Sắp đến thằng Tiến phải ở nhà đi mò ốc, bắt cua kiếm sống. Nó cũng là thu nhập chính của gia đình. Học chi cho lắm cũng quanh quẩn ở vùng sông nước này thôi". Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, ông Xuân không khỏi lo âu: "Những năm trước đây, tỷ lệ các em vùng sông nước bỏ học có giảm. Nhưng liên tiếp nhiều năm liền, người nuôi tôm bị mất mùa, vậy là nhiều gia đình không quan tâm gì chuyện học hành của các em. Thậm chí có gia đình bắt các em ở nhà để đi bắt cua, bắt ốc bán kiếm tiền. Bằng nỗ lực của mình, xã cũng đã phổ cập trung học cơ sở cho các em, mỗi năm có từ 20-30 em được phổ cập. Đối với các em thuộc gia đình khó khăn, xã còn đến tận nhà vận động, tặng quà để khích lệ cho các em đến trường trở lại". Cũng theo ông Xuân, không riêng gì xã Phước Hòa, các xã lân cận cũng xảy ra tình trạng này mặc dù chính quyền địa phương rất chú trọng đến việc học cho các em, nhưng vẫn chưa có biện pháp nào đưa các em đến trường 100%. Còn việc tổ chức sinh hoạt hè cho các em thì rất khó khăn.

Chúng tôi nhìn xa xăm về phía trung tâm huyện, thành phố, nơi có nhiều bạn trẻ tuổi bằng Việt, Tiến... đang có những ngày hè thú vị. Còn lũ trẻ vùng sông nước này, ngày ngày phải lặn ngụp dưới sông để kiếm sống. Không lẽ, tương lai của các em chỉ quanh quẩn mãi ở vùng sông nước này sao?

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lấn chiếm lòng - lề đường, vỉa hè ở Quy Nhơn: Chuyện dài chưa có hồi kết   (11/08/2004)
Bá Nói: dám nghĩ dám làm   (10/08/2004)
Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2004-2005: Không ồn ào, ít căng thẳng  (10/08/2004)
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển văn hóa   (09/08/2004)
Về lãnh đạo Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam   (09/08/2004)
Công tác cán bộ người dân tộc thiểu số: Để việc đào tạo và sử dụng hợp lý hơn  (09/08/2004)
Rửa xe: nghề sống được   (06/08/2004)
Việc nhà, việc xã đều hay   (05/08/2004)
Nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao tăng   (05/08/2004)
Chuyện trò với tuổi trẻ xa xứ  (04/08/2004)
Mắc kẹt ở "thiên đường"   (04/08/2004)
Tây Sơn: Cán bộ cấp huyện về thôn, làng đã lơi dần   (04/08/2004)
Bạn đọc được phục vụ tốt hơn   (03/08/2004)
Chuyện ở quê tướng Nguyễn Chánh   (02/08/2004)
Ghi nhận ngày đầu tiên ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông  (02/08/2004)