Kỷ niệm 59 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19.8.1945-19.8.2004):
Vùng đất dưới chân Đồi 10
15:14', 19/8/ 2004 (GMT+7)

Đó là xã Hoài Châu trước kia nằm ở đầu cực bắc của tỉnh, ngày nay là 2 xã Hoài Châu và Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn - một vùng đất đã chứng kiến nhiều trận đánh oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên đỉnh đèo Bình Đê ngày nay, khu sân bay quân sự dã chiến Đồi Trảng của Mỹ ngày nào vẫn còn đó.

Ruộng bắp năng suất cao dưới chân Đồi 10

Cách Quốc lộ 1A về hướng tây khoảng 1km, giữa vùng đồng bằng nổi lên 2 quả đồi liền kề; ở phía đông là Đồi 10, phía tây là Đồi 9, người dân địa phương gọi là khu vực Cấm Hang Dơi (ngày nay thuộc thôn Gia An, xã Hoài Châu Bắc). Nơi đây, xưa kia là chốt cứ điểm quan trọng của địch ở bắc Hoài Nhơn và cũng là nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.

Các chiến sĩ lão thành cách mạng ngày trước đã bồi hồi kể lại cho chúng tôi nghe cái khí thế cách mạng hào hùng năm xưa. "Gian khổ và ác liệt lắm!" - ông hai Phốc, một chiến sĩ đã tham gia nhiều trận đánh, hiện ở thôn Gia An - Hoài Châu Bắc đã tâm sự với chúng tôi như vậy. Qua lời kể của ông, chúng tôi đã cảm nhận được nỗi đau mà giặc Mỹ và bọn ngụy quân, ngụy quyền đã gây ra cho người dân vô tội; sự tàn ác của chúng đã làm tăng thêm lòng căm thù, ý chí quyết tâm giải phóng quê hương của người dân nơi đây. Vùng đất này đã từng chứng kiến rất nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch, nhưng ác liệt và thương vong nhất là những trận đánh vào cứ điểm Đồi 10 được xem là chốt điểm quan trọng của địch, ngăn chặn con đường huyết mạch của ta nối từ căn cứ phía tây sang địa bàn các xã phía đông. Nó là lá chắn vững chắc ở phía bắc của địch cho căn cứ Đệ Đức (xã Hoài Tân) nên địch huy động rất đông lực lượng chốt giữ.

Điển hình là trận đánh ngày mùng 5 tháng Giêng năm 1965, bộ đội chủ lực Quân khu V phối hợp với bộ đội địa phương tấn công vào cứ điểm Đồi 10. Sau những giờ phút quyết chiến, quân ta tiêu diệt gọn 1 đại đội bảo an, 4 trung đội dân vệ và toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền tại đây. Sau chiến thắng đó, lòng dân rất phấn khởi, liên tiếp các xã Hoài Châu, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam và quận lỵ Tam Quan đã nhất tề nổi dậy tiến công địch, cục diện trên chiến trường bắc Hoài Nhơn đã xoay chuyển, buộc địch co cụm về căn cứ Đệ Đức chờ tiếp viện. Tuy sau đó, địch đã quay lại đánh chiếm Đồi 10 và nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, tạo thế trận giằng co giữa ta và địch trong thời gian dài.

Đến tháng 3-1975, hòa chung với khí thế tiến công trên khắp chiến trường Bình Định, quân và dân địa phương đã bao vây, gây sức ép liên tục với địch quanh cứ điểm Đồi 10. Đến ngày 25-3-1975, cứ điểm được giải phóng hoàn toàn.

Gần 40 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng chứng tích lịch sử Đồi 10 năm nào vẫn còn đó. Nơi đây đã từng chứng kiến biết bao chiến tích anh hùng, đã thấm biết bao xương máu của chiến sĩ đồng bào. Mỗi mùa xuân về, cứ đến ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm, nhân dân 2 xã Hoài Châu và Hoài Châu Bắc tập trung về lại nơi đây để gặp mặt, kể cho con cháu thế hệ sau nghe về những trận đánh ác liệt năm xưa đã từng xảy ra ở mảnh đất này. Bên dưới chân Đồi 10 ngày nay, một nghĩa trang liệt sĩ quy mô, khang trang được xây dựng, hàng nghìn ngôi mộ của những chiến sĩ anh hùng ngày ngày vẫn tỏa khói hương…

Đi lên từ sự đổ nát, hoang tàn của chiến tranh, bằng ý chí và nghị lực của mình, người dân nơi đây đã dần xây dựng lại quê hương ngày một giàu đẹp, vươn lên hòa nhập với cuộc sống mới, Hoài Châu đã thực sự thay da đổi thịt. Từ cảnh buôn bán tấp nập đang diễn ra hằng ngày dọc theo Quốc lộ 1A đến hệ thống trường học các cấp, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp; rồi con đường bê tông thẳng tắp từ ngã ba Chương Hòa đến trung tâm xã hai bên nhà cửa mọc lên san sát, tầng có, ngói có. Đời sống của người dân Hoài Châu chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng giờ đây, ngoài trồng lúa nước, người dân đã hướng đến phát triển một số cây trồng cạn như: đậu phụng, bắp… Nhiều hộ gia đình ở phía đông đã cải tạo đất nhiễm mặn để nuôi tôm, trồng cói… tăng thu nhập hàng năm. Người dân nơi đây đã hướng đến phát triển mạnh nghề dệt chiếu truyền thống, nghề khai thác đá chẻ… tạo được việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho lực lượng lớn lao động.

Nhìn những ngôi nhà ngói mới xây ẩn hiện sau những rặng dừa xanh bạt ngàn, đến những đường dây tải điện chạy sâu vào tận thôn, xóm, chúng tôi nhận thấy vùng đất này đang trào dâng một sức sống mới. Thật vậy, sự đổi thay đang từng ngày diễn ra ở vùng đất nhiều chiến tích này.

. Hồng Dương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những người lặng lẽ gìn giữ niềm vui  (19/08/2004)
Công an Bình Định không ngừng lớn mạnh trong phong trào học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND  (19/08/2004)
Chị Bảy hòa giải   (18/08/2004)
Chú trọng công tác tư tưởng ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số   (18/08/2004)
Xây dựng cuộc sống mới ở Vân Canh  (18/08/2004)
Nghe nói chuyện thời sự thích lắm!   (17/08/2004)
Nhức nhối nạn lấn chiếm đất trái phép ở phường Quang Trung  (16/08/2004)
Hành trình lên đất thượng nguồn  (16/08/2004)
Hai khu dân cư tiên tiến điển hình của Bình Định   (15/08/2004)
Tiếng kêu khẩn thiết từ thôn Tân Hòa   (15/08/2004)
Tệ nạn mại dâm ở Quy Nhơn: Nhìn và thấy  (15/08/2004)
Ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục hải quan  (12/08/2004)
Trước ngày khai giảng năm học mới: Quá tải công chứng bản sao  (12/08/2004)
Những đứa trẻ ở vùng sông nước   (11/08/2004)
Lấn chiếm lòng - lề đường, vỉa hè ở Quy Nhơn: Chuyện dài chưa có hồi kết   (11/08/2004)