Bát nháo nạn đào sắt phế liệu ở kho đạn Đèo Son
16:18', 19/8/ 2004 (GMT+7)

Mỗi ngày có hàng trăm người ở quanh Đèo Son, thuộc các phường Quang Trung, Ngô Mây, Đống Đa và Nhơn Phú (Quy Nhơn), vào kho đạn cũ để đào phế liệu. Dù phải đối mặt với những quả đạn pháo chưa nổ còn sót lại nhưng họ vẫn không lo sợ vì đó là miếng cơm của họ hàng ngày.

* Nghề nguy hiểm

Anh Đoàn Văn Hùng đang vác 4 quả đạn pháo 105 mm bị hỏng vừa đào được

Mới 5 giờ sáng nhưng khu vực quanh Đèo Son đã trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Người ôm bao, người vác cuốc, vác xà beng... từng đoàn kéo nhau lên núi vào khu vực Đèo Son để đào bới sắt phế liệu. Để đến được địa điểm đào, phải vượt qua ngọn núi rất khó đi và con đường mòn khá trơn trượt. Do số người đi đào sắt phế liệu thường xuyên ra vào nên đã hình thành nên một con đường mòn dẫn vào các bãi sắt phế liệu.

Kho đạn Đèo Son là của Mỹ-Ngụy để lại, sau năm 1975 Quân khu 5 đã tiếp quản kho đạn này và mới bàn giao lại cho tỉnh Bình Định đầu tháng 8-2004. Sau đó UBND tỉnh bàn giao lại cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý nhưng do công tác quản lý còn chưa chặt chẽ, nên nhiều người dân đã ồ ạt kéo vào đây đào sắt phế liệu.

Những người đi đào sắt phế liệu chỉ mang theo dụng cụ rất gọn nhẹ và cơ động, nhưng khi gặp may thì chỉ trong chốc lát là có ngay vài chục kg sắt phế liệu. Do đó đã thu hút rất đông người tham gia vào nghề này, dù khá nguy hiểm do có thể gặp phải những quả đạn pháo hoặc bom mìn còn sót lại. Ngày ít cũng gần 100 người, ngày nhiều 150-200 người tập trung tại Đèo Son để đào bới phế liệu. Hôm chúng tôi có mặt tại bãi sắt, nhẩm đếm có gần 150 người, già, trẻ, gái, trai đều có cả. Phần lớn những người đi đào sắt phế liệu thuộc thành phần nghèo khó và thất nghiệp nên họ phải "bám" theo nghề này. Ngày "trúng mánh", có người thu nhập 200-300 ngàn đồng, ít thì cũng 30-50 ngàn đồng/ngày.

Trong khi đào và lấy sắt, nhiều người không cẩn thận, đã bị các loại sắt rỉ sét đâm vào tay, chân làm chảy máu. Chưa nói đến nếu bị "xui xẻo" gặp phải những quả đạn còn nguyên, sơ ý là "toi" cả mạng. Theo những người đào sắt ở đây, đã có vài trường hợp do những quả đạn còn sót lại phát nổ gây thương tích. Anh Hồng, một người đào sắt phế liệu ở phường Ngô Mây, cho biết: "Chỉ cần đào xuống 1m đến 2m thì gặp sắt ngay. Mỗi ngày tôi đào ít nhất là 100 kg trở lên. Khi gặp những quả đạn còn nguyên là tôi cẩn thận đào lấp lại, không dại gì mà mang của nợ ấy xuống núi. Tôi đã tận mắt chứng kiến, nhiều người quá ham, đem những quả đạn còn nguyên đập để lấy sắt, đạn nổ bị thương mang tật suốt đời, có khi mất mạng". Ngày 13-8-2004, trong khi đào sắt phế liệu tại khu vực này, anh Nguyễn Sơn Tùng, 20 tuổi, ở tổ 6, khu vực 1, phường Quang Trung, đã gặp một quả đạn còn sót lại phát nổ làm cho anh bị đứt 1 bàn tay và 2 mắt bị hỏng.

Sắt phế liệu sau khi đào xong, được đưa ngay xuống "chợ phế liệu" dưới chân núi (cách đó khoảng 3 km). Chị Hồ Thị Minh, ở khu vực 1 phường Quang Trung, cho biết: "Cứ được khoảng 40 kg là tôi gánh xuống dưới chân núi bán ngay, để nhiều sẽ gánh không nổi." Trong lúc đang trò chuyện với chị Minh, thì trên lối mòn dẫn xuống chân núi, chúng tôi thấy một cậu bé đang kéo cái bao sắt ước chừng 40 kg. Trọng lượng cơ thể của cậu bé không bằng trọng lượng của bao sắt phế liệu, ấy vậy mà cu cậu phải cố gồng sức để kéo bao sắt cho được vì đó là công sức một buổi đào bới của cậu ta. Qua câu chuyện, chúng tôi biết cậu bé ấy là Trần Xuân Vương, 14 tuổi, ở phường Nhơn Bình. Vương tâm sự: "Do nhà nghèo, tranh thủ những ngày nghỉ hè em đi theo cha mẹ lên đào sắt bán kiếm tiền để chuẩn bị bước vào năm học mới. Bạn bè cùng lứa với em kéo lên đây đào sắt nhiều lắm ".

* "Chợ phế liệu" dưới chân núi

"Chợ phế liệu" tại tổ 6, khu vực 1, phường Quang Trung

Do lượng sắt phế liệu đào được mỗi ngày khá nhiều, một số đại lý thu mua phế liệu ở Quy Nhơn đã chớp thời cơ hình thành ngay một cái "chợ phế liệu" ở dưới chân núi, thuộc tổ 6, khu vực 1, phường Quang Trung. Mỗi ngày tại đây họ thu mua được vài tấn sắt phế liệu. Chủ yếu là sắt thùng đạn, thùng phi, những vỏ đạn, các thanh sắt dùng để nẹp thùng phi, các quả đạn pháo 105 mm bị hư... Bắt đầu 6 giờ sáng, "chợ phế liệu" này đã được nhóm họp khá nhộn nhịp cho đến chiều tối. Có 4-5 chủ đại lý phế liệu đến tranh giành mua sắt. Nhờ đó mà những người đào sắt có quyền… lựa chọn người mua, nếu chủ nào trả giá cao hơn thì họ bán. Giá mua sắt phế liệu ở đây thấp nhất là 1.500 đồng/kg, cao nhất là 2.500 đồng/kg, tùy theo chất lượng. Anh Đoàn Văn Hùng, 37 tuổi, ở phường Ngô Mây, một người đào sắt ở đây cho hay: "Cũng nhờ có các chủ đại lý thu mua phế liệu lên mua tại chỗ nên đỡ một phần công sức cho những người đào sắt như tôi. Nhưng giá cả thu mua là do họ định giá, nên giá mua thường bị ép so với giá mua tại đại lý".

Nhiều đứa trẻ cũng tham gia đào sắt phế liệu tại Đèo Son

Trước tình hình người dân ồ ạt vào khu vực Đèo Son đào sắt phế liệu, ngày 7-8-2004, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành công điện khẩn số 12 về việc nghiêm cấm việc khai thác phế liệu trái phép tại khu vực kho đạn Đèo Son CK 52, do ở khu vực này hiện nay có rất nhiều bom mìn, vật nổ chưa được rà phá nên rất nguy hiểm… Để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tất cả mọi người không có phận sự không được vào khu vực này. Giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm bố trí lực lượng quân đội, cắm biển cấm và quản lý chặt chẽ khu vực ra vào...

Bên cạnh đó, UBND các phường Đống Đa, Quang Trung, Ngô Mây và Nhơn Phú cũng đã có thông báo gửi đến từng khu vực, Đài Truyền thanh các phường cũng thường xuyên tuyên truyền việc nghiêm cấm khai thác phế liệu trái phép tại khu vực kho đạn Đèo Son cho từng người dân. Tuy nhiên, do nguồn thu nhập khá cao từ việc đào sắt phế liệu mang lại, nên nhiều người vẫn bất chấp mọi nguy hiểm, đến đào bới sắt phế liệu tại Đèo Son. Hiện nay, việc đào sắt phế liệu quanh khu vực này diễn ra ngày càng rầm rộ và càng nhiều người tham gia, kể cả ban đêm. Nếu không có những biện pháp cấp thời từ phía chính quyền và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đơn vị trực tiếp quản lý khu vực này, thì chuyện bom mìn, vật nổ còn sót lại phát nổ gây thiệt hại về người là điều có xảy ra.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vùng đất dưới chân Đồi 10   (19/08/2004)
Những người lặng lẽ gìn giữ niềm vui  (19/08/2004)
Công an Bình Định không ngừng lớn mạnh trong phong trào học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND  (19/08/2004)
Chị Bảy hòa giải   (18/08/2004)
Chú trọng công tác tư tưởng ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số   (18/08/2004)
Xây dựng cuộc sống mới ở Vân Canh  (18/08/2004)
Nghe nói chuyện thời sự thích lắm!   (17/08/2004)
Nhức nhối nạn lấn chiếm đất trái phép ở phường Quang Trung  (16/08/2004)
Hành trình lên đất thượng nguồn  (16/08/2004)
Hai khu dân cư tiên tiến điển hình của Bình Định   (15/08/2004)
Tiếng kêu khẩn thiết từ thôn Tân Hòa   (15/08/2004)
Tệ nạn mại dâm ở Quy Nhơn: Nhìn và thấy  (15/08/2004)
Ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục hải quan  (12/08/2004)
Trước ngày khai giảng năm học mới: Quá tải công chứng bản sao  (12/08/2004)
Những đứa trẻ ở vùng sông nước   (11/08/2004)