|
Một pha tranh bóng trong trận BĐ (áo đỏ)-HKVN trên sân Quy Nhơn tại V-League 2003 |
Ngày 28-6 tới đây, Vòng chung kết (VCK) Giải bóng đá Cúp quốc gia (CQG) 2002-2003 sẽ khởi tranh tại SVĐ Quy Nhơn. Trước ngày VCK CQG chính thức khai mạc, giới hâm mộ bóng đá không khỏi không chạnh lòng nhớ đến những nghịch lý của nó.
Là một trong những giải bóng đá quan trọng thuộc hệ thống các giải đấu quốc gia nhưng nhiều CLB, đội bóng của các tỉnh, thành, ngành lại không mặn mà với CQG. Thực ra, thời gian đầu CQG cũng khá hấp dẫn đối với nhiều đội bóng nhưng dần về sau, có thể do cách thức bố trí, sắp xếp hệ thống thi đấu, thể thức thi đấu, lịch thi đấu của các giải bóng đá chưa thực sự khoa học, hợp lý nên càng ngày CQG càng trở nên tẻ nhạt (!?). Điều trái khoáy nhất có lẽ là việc một giải bóng đá mà có tới 3 loại đẳng cấp: chuyên nghiệp, hạng nhất, hạng nhì. Vì không bằng vai - phải lứa nên nhiều đội bóng không muốn tham dự giải, hoặc nếu có tham dự thì cũng chỉ mang hình thức chiếu lệ, gọi là cho xong nghĩa vụ. Không ít CLB, đội bóng chỉ cử đội hình làng nhàng, hoặc tham dự với tính cách mượn CQG để làm sân tập dượt, chuẩn bị cho mục tiêu chính là giải V.League...
Chỉ cần lấy một vài ví dụ qua những CQG từ năm 2000-2001 trở lại đây cũng có thể minh chứng cho nhận định trên. Chẳng hạn, ở CQG 2000-2001, đội CSG, đương kim vô địch CQG 1999-2000 bị đội CAHN (hiện mang tên HKVN) loại ngay từ vòng 1/4. Nghịch lý hơn, cùng thời điểm trên, đội đương kim vô địch Giải bóng đá vô địch quốc gia SLNA đã bị đội hạng nhất Bình Định hạ "đo ván" cả 2 trận và phải "ngậm ngùi" chia tay giải (!?). Và ở CQG 2001-2002, đội đương kim vô địch NHĐA đã "bất ngờ" bị đội Thừa Thiên - Huế, một đội bóng khi đó đang lận đận, vẫy vùng ở bờ vực xuống hạng, hạ gục ở vòng bán kết. Với thắng lợi này, đội Thừa Thiên - Huế đã đoạt danh hiệu Á quân CQG mùa bóng 2001-2002. Nhưng ngay sau đó bi kịch đã xảy ra với chính đội bóng Cố đô. Trong trận đấu play-off, Á quân CQG Thừa Thiên - Huế đã bị đội hạng nhất LG.ACB Hà Nội đánh bại và phải xuống chơi ở giải hạng nhất cho đến bây giờ.
Một nghịch lý khác của CQG là kết quả những VCK. Gần như đã thành "thông lệ", hầu hết các đội đoạt Cúp vô địch đều là những đội chủ nhà (!?). Những đội bóng từng đăng quang ngôi vô địch CQG với tư cách chủ nhà là các đội CSG, Đà Nẵng, Hải Quan, SLNA…
Nghịch lý nối tiếp nghịch lý! CQG 2002-2003 lại nảy sinh những nghịch lý khác. Đầu tiên là thể thức thi đấu của giải. Trước đây VCK CQG có tới 8 đội bóng, chia làm 2 bảng, đá loại nên khán giả được xem nhiều trận hơn. Còn giờ đây, VCK chỉ còn 4 đội bóng với vỏn vẹn 3 trận đấu. Mặt khác, diễn biến của CQG và những đội bóng lọt vào VCK năm nay cũng bộc lộ những nghịch lý. Trong khi một số đội từng "một thời vang bóng" như đương kim vô địch CQG Đà Nẵng, Đồng Tháp bị loại ngay từ vòng 1/8, thì có những đội "đàn em" hạng nhất, thậm chí hạng nhì, như LG.ACB, Đăklăk lại vào sâu tới vòng tứ kết. Kết quả, ở VCK CQG 2002-2003 có 4 đội, gồm: Bình Định, NHĐA, HKVN và LG.ACB. Cả 4 đội bóng này đều đã và đang trải qua những khó khăn và những bi - hài kịch. Bốn đội bóng lọt vào VCK CQG năm nay không phải là những đội bóng tiêu biểu của bóng đá Việt Nam. Thậm chí, phân nửa trong số này là những đội bóng yếu kém. Khá nhất trong 4 đội là Bình Định hiện mới chỉ tạm xếp thứ 4/12 đội dự V.League 2003. Ba đội còn lại hiện đang hết sức khó khăn, lận đận, bi đát. Đội NHĐA đang tạm xếp ở vị trí thứ 8/12 đội dự V.League 2003, đội HKVN xếp thứ 9/12, còn đội LG.ACB thì đã chính thức xuống hạng. Thật là bi kịch và cũng thật nghịch lý!
Đến bao giờ những nghịch lý của CQG mới chấm dứt? Câu trả lời thuộc về LĐBĐ Việt Nam và BTC giải.
. Viết Hiền
|