Tôi rất tự hào là đảng viên Đảng Cộng sản
11:51', 2/2/ 2008 (GMT+7)

Gần trọn cuộc đời theo cách mạng, các đảng viên của những thế hệ đầu tiên ấy, vẫn kiên định, son sắc một lòng với Đảng. Họ luôn tự hào là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và nguyện mãi sống xứng đáng với Đảng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

 

Đồng chí Trần Tín (bìa trái) trò chuyện cùng Bác Tôn tại một kỳ họp Quốc hội. (Ảnh tư liệu do đồng chí Trần Tín cung cấp).

 

* Sức đã tàn nhưng “hương” còn đọng lại

Ông mở đầu câu chuyện bằng một nụ cười và đưa chúng tôi xem chiếc thẻ đảng viên của mình. Trên đó có những thông tin ngắn gọn: Họ tên: Trần Tín. Năm sinh: 1917. Quê quán: xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Ngày vào Đảng: 11.1938, chính thức: 1.1939. Vậy nhưng phía sau những dòng thông tin tưởng chừng ít ỏi trên tấm thẻ nằm gọn trong lòng bàn tay ấy là cả một câu chuyện đầy gian khổ và vinh quang về cuộc đời một người cộng sản.

* Thưa ông, ông đã đến với cách mạng, với Đảng như thế nào?

- Tôi có may mắn được học ở Trường College Quy Nhơn 6 năm bậc tiểu học. Lên cấp 2, không đủ điều kiện học tiếp ở đây vì trường tuyển số lượng ít, tôi đi làm công nhân cho Sở đạc điền. Thời gian này, tôi lại may mắn ở trọ chung với anh Tôn Thất Vỹ, cũng là công nhân. Anh Vỹ vốn người gốc Huế, là đảng viên từ năm 1931, khi anh mới 17 tuổi. Lúc này anh Vỹ 23 tuổi, tôi 19 tuổi. Anh Vỹ hay nói chuyện với tôi về Đảng, về cách mạng. Có lần tôi thấy anh thức suốt đêm đọc một cuốn sách dày cộm có nhan đề “Luân lý của những người cách mạng”, đến sáng thì được nửa quyển. Tôi ngạc nhiên vì anh đọc nhanh quá, anh nói: “Đã đọc một lần rồi, giờ đọc lại”. Sau khi đọc xong, anh thường giảng giải cho tôi nghe. Anh nói: “Tôi nói cho Tín nghe và hiểu, cũng là để củng cố thêm nhận thức của mình”.

Qua những gì anh Vỹ nói, tôi hiểu ra rằng thế giới đã có Quốc tế Cộng sản, Liên Xô thắng lợi nhờ có Đảng Cộng sản, vậy thì nhất định mình cũng phải đi theo Đảng Cộng sản vì chỉ có Đảng mới giải phóng được dân tộc. Từ nhận thức đó, tôi đi đến các đồn điền cao su ở Sông Cầu (Phú Yên), Bà Rịa tìm hiểu cuộc sống công nhân, vào Sài Gòn tiếp xúc với phong trào công nhân Sài Gòn, tham gia một số cuộc đấu tranh của Mặt trận Dân chủ ở đây. Có thể nói tôi tiếp cận với Đảng, với chủ nghĩa Mác - Lênin trên thực tế nhiều hơn từ lý luận, thông qua việc hòa mình vào phong trào công nhân và phong trào Mặt trận Dân chủ.

Từ Sài Gòn về lại Quy Nhơn, tôi đi học may. Trong thời gian này, tôi quen anh Trần Lung - thợ điện và anh Nguyễn Trí ở Ban liên tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Chính các anh ấy đã giới thiệu tôi vào Đảng ở Chi bộ Quy Nhơn. Đó là vào cuối năm 1938. Chi bộ lúc này có 4 người, gồm anh Trần Lung (Bí thư), anh Tôn Thất Vỹ, Trần Cầu và tôi.

Một năm sau, tôi bị bắt. Trước đó, các đồng chí ở Chi bộ Hồng Lĩnh cũng bị bắt. Trước khi ra tòa, chúng tôi đã chuẩn bị tư tưởng là biến tòa án thành nơi tố cáo kẻ địch, nêu cao quan điểm tự hào mình là người cộng sản đấu tranh cho độc lập tự do. Làm được như vậy thì có bị treo cổ cũng không sợ. Phiên tòa ấy do Tổng đốc Bình Định Hồ Đắc Ứng làm chánh án. Tòa hỏi tôi: “Tại sao vào Đảng Cộng sản? Có biết vào Đảng là làm rối trật tự an ninh không?”. Tôi đáp: “Tôi rất tự hào khi được vào Đảng. Vào Đảng Cộng sản là tham gia cách mạng, giành độc lập tự do cho đất nước, giành hạnh phúc cho nhân dân chứ không phải làm rối trật tự an ninh”. Chánh án rung chuông mấy lần ra hiệu dừng lại nhưng tôi vẫn cứ nói. Tôi bị kết án 2 năm tù và bị đưa đi nhà đày Buôn Mê Thuột.

* Ông có thể kể một kỷ niệm sâu sắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình?

- Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi chính là ngày 23.11.1941 - ngày tôi ra tù và trở lại với con đường lý tưởng mà mình đã chọn. Với tôi, nhà đày Buôn Mê Thuột chính là trường đại học cách mạng mà ở đó tôi đã được học nhiều từ các tấm gương dũng cảm, mưu trí đấu tranh của các đàn anh đi trước. Nên khi ra khỏi tù, có thể nói tôi như được trang bị thêm vũ khí, đó là bài học về đoàn kết đấu tranh, là niềm tin son sắt vào Đảng, là tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Để thoát khỏi sự bắt bớ trở lại của bọn địch, tôi trốn vào Phan Rang làm mướn sau đó dạy tiểu học. Từ đây, tôi giác ngộ được một số chức sắc địa phương, và bắt liên lạc được với một đồng chí đảng viên vốn là bạn tù ở nhà đày Buôn Mê Thuột. Chúng tôi bắt đầu gầy dựng cơ sở cách mạng và tham gia phong trào cách mạng tỉnh Ninh Thuận. Tôi vinh dự là một trong những người lãnh đạo cuộc cách mạng giành chính quyền tháng 8.1945 ở Ninh Thuận. Sau đó, tôi làm thư ký Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận và được cử đi dự Hội nghị công nhân cứu quốc Trung Bộ. Tại đây, trong một lần tình cờ gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh, tôi gợi ý nên có một số đại biểu công nhân trong Quốc hội. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đồng ý và sau đó tôi được lãnh đạo tỉnh Bình Định triệu tập về để ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Tiếp theo, tôi được lưu lại 2 nhiệm kỳ nữa. Tổng cộng tôi tham gia Quốc hội 3 khóa, từ năm 1946 đến 1970.

* Ông có nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ hôm nay không?

- Lớp già chúng tôi đã từng theo Đảng đi khắp chiến trường, nay thì sức đã tàn nhưng “hương” còn đọng lại. Sự nghiệp cách mạng hôm nay là của chúng ta, nên chúng ta phải làm theo yêu cầu của thời đại. Điều đó đòi hỏi trẻ già phải cùng nhau gánh vác. Tôi có câu thơ thế này: Trẻ già nối tiếp: hoa với cảnh/ Cảnh đẹp làm nền, hoa thắm hơn/ Sức trẻ vươn lên như Phù Đổng/ Tuổi già ửng sáng tựa vừng hồng.

* Tôi may mắn được sinh ra từ cái “nôi” cách mạng Hoài Nhơn

Hàng ngày, ông Phan Việt Hùng vẫn thường xuyên đọc báo, nghe đài để nắm tin tức thời sự.

Nhà cách mạng lão thành Phan Việt Hùng, sinh năm 1920, tại thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn, Hoài Nhơn. Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Có “vốn” chữ Hán và có được nghề làm thuốc đông y gia truyền nên ông được tổ chức phân công làm công tác dân vận, mặt trận, trực tiếp xuống cơ sở xây dựng phong trào cách mạng, kết hợp công tác binh vận… Trước khi được đưa ra Bắc chữa bệnh (trước năm 1954), ông đã tham gia thường vụ huyện ủy, làm chủ tịch Mặt trận huyện Hoài Nhơn. Ở miền Bắc, ông làm giám đốc bệnh viện (y học dân tộc) Hữu nghị Việt - Trung. Năm 1977, ông trở về Nam, làm phó giám đốc Bệnh viện Y học dân tộc Nghĩa Bình, đến năm 1982 thì nghỉ hưu. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; Huân chương chống Pháp hạng Ba, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…

* Phải chăng, cái “nôi” cách mạng Hoài Nhơn đã thôi thúc ông đi làm cách mạng? 

- Vùng đất Hoài Sơn, Hoài Nhơn là nơi đã từng ra đời một trong những chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh - Chi bộ Đảng thôn An Đỗ. Vào những năm 1930 - 1931, khi phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh bị dìm trong bể máu, phong trào cách mạng ở khắp nơi đã tạm lắng xuống nhưng khí thế cách mạng ở Hoài Nhơn vẫn còn sục sôi lắm. Năm 1931, huyện đã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân để hưởng ứng phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.

Hồi đó, tôi mới là cậu bé 11 tuổi, thấy người ta đi biểu tình cũng sợ lắm nhưng khí thế của cuộc đấu tranh đã tác động mạnh đến tôi… Đến những năm 1936, thì chưa có nơi nào mà nhiều cán bộ cách mạng (nhờ khí thế áp đảo của quần chúng) lại được bầu vào các vị trí chính quyền cấp xã của địch - ăn cơm của địch nhưng làm việc cho cách mạng - như ở Hoài Nhơn. Cũng vì vậy mà Hoài Nhơn có số đảng viên đông nhất và hiện nay, cán bộ lão thành cách mạng cũng đông nhất.

Gia đình tôi cũng là một gia đình cách mạng. Chú, bác đều làm cách mạng (bác ông Phan Việt Hùng là Phan Mão, nguyên là Bí thư Chi bộ thôn An Đỗ) và bị địch bắt tù đày. Sống trong một môi trường như vậy, tôi đã dần giác ngộ và trưởng thành. Lý tưởng và lập trường cách mạng kiên định đã thấm vào người tôi từ những bài thơ chú, bác làm trong tù đưa về và tôi đã đọc thuộc làu.

Cuộc đời làm cách mạng của tôi gắn liền với công tác mặt trận, công tác dân vận. Tại sao tôi lại có duyên với công tác này ư? Hồi đó, tôi làm thuốc Bắc lại có vốn chữ Hán nên có thể ngồi đàm đạo, “nói sách” được với giới thân hào, thân sĩ, từ đó kết hợp tuyên truyền vận động họ đi theo cách mạng. Làm công tác mặt trận, tôi đã gần gũi, sâu sát với dân nên được họ quý mến và giới thân hào, thân sĩ cũng kính phục, nể vì. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó…

* 88 tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng, “vào sinh, ra tử” cũng đã nhiều. Vậy, ông chiêm nghiệm được điều gì trong suốt cuộc đời đi theo Đảng?

- Đi làm cách mạng, tôi luôn phải sống xa người thân, xa gia đình. Ngày mẹ mất, con mất, tôi cũng không có mặt - không được lạy mẹ cho trọn đạo làm con. Thế nhưng, tôi không hề cảm thấy hối tiếc vì sự lựa chọn của mình. Suốt cuộc đời, tôi đã sống gương mẫu và phấn đấu, rèn luyện để làm tròn trách nhiệm của một người đảng viên. Nay, tuổi đã cao, sức đã yếu, được miễn sinh hoạt Đảng, nhưng, tôi vẫn cố gắng tham gia sinh hoạt chi bộ với địa phương. Tôi tự hào đã sớm chọn cho mình con đường đi đúng đắn. Đó là một lòng theo Đảng làm cách mạng và được trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

* Xin cám ơn hai ông!

  • Hoa - Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vĩnh Thạnh mùa xuân này  (01/02/2008)
Định Bình những ngày cuối năm  (28/01/2008)
Dù ở đâu, làm gì, tôi vẫn nhớ về Quy Nhơn  (26/01/2008)
Vượt “cổng trời” Canh Liên  (21/01/2008)
Tôi luôn tâm niệm mình phải sống có trách nhiệm với người đã khuất  (19/01/2008)
Đi trong lòng biển  (14/01/2008)
Trò chuyện với “nhạc sĩ của tuổi học trò”  (12/01/2008)
Cổ tích của mái ấm gia đình  (07/01/2008)
Không chịu học là không thoát khỏi đói nghèo đâu!  (05/01/2008)
Nhơn Lý bình yên  (31/12/2007)
“Chúng tôi muốn trao niềm tin để cùng phát triển”  (29/12/2007)
Tôi cố làm là để chia sẻ với người khó hơn mình...  (22/12/2007)
Kỳ tích eo nín thở  (17/12/2007)
Bồng Sơn - Dân hiến đất làm đường  (17/12/2007)
Lãng mạn trên cầu Thị Nại  (15/12/2007)