Trên những dặm đường xuân
9:57', 12/2/ 2008 (GMT+7)

Khai màn cho những lễ hội (LH) mùa xuân diễn ra trên quê hương Bình Định là hàng loạt các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí được tổ chức ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh trong những ngày đầu năm mới…

 

Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi vào chiều mùng 2 Tết. Ảnh: Xuân Thức

 

* Quy Nhơn: Xuân ấm tình nồng

Không khí LH mùa xuân ở Quy Nhơn đã tưng bừng ngay từ tối 6.2 (30 Tết), với chương trình Dạ hội Giao thừa rực rỡ sắc xuân, tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Khai màn Dạ hội Giao thừa là tiếng trống khai xuân vang vọng, được tiếp thêm khí thế bởi “Trống hội khai xuân” với âm thanh hào hùng của dàn trống chầu, như lời chào một mùa xuân mới đang về trên quê hương Bình Định.

Dạ hội Giao thừa vừa kết thúc, pháo đã “nở hoa” trên bầu trời Quy Nhơn. Tại điểm bắn pháo hoa đường Nguyễn Tất Thành, chùm pháo hoa đầu tiên bay lên, tiếng trống chầu, trống lân cũng vang lên, tạo không khí rộn rã trong thời khắc giao niên.

Sáng mùng 1 Tết (7.2), tại Quảng trường trước Tượng đài Chiến thắng, diễn ra nhiều hoạt động thể thao như: đồng diễn thể dục dưỡng sinh, võ thuật, kéo co… Cùng với các hoạt động thể thao, trong những ngày đầu năm, Trung tâm VHTT-TT Quy Nhơn đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như liên hoan đôi nhảy đẹp, thi giọng hát hay, thi trò chơi dân gian, diễn Tuồng, thi múa lân... Đáng chú ý là “Đêm hội Tháp Đôi” tổ chức vào tối mùng 2 Tết (8.2). Các tiết mục hát, múa Chăm như đưa người xem lạc vào không gian văn hóa Chăm trên nền tháp Đôi huyền ảo. Ở đó, có “Huyền thoại tháp Đôi”, kể về chuyện tình của đôi trai gái, không nỡ rời xa nhau, nên khi chết, hóa thành hai ngọn tháp nằm bên nhau; ở đó, âm vang “Tiếng trống Baranưng” và những sắc màu “Ngày hội Katê”… Mới nhất là màn trình diễn thời trang Chăm. “Đêm hội Tháp Đôi” càng rộn ràng hơn ở phần thi thơ nhanh về đề tài Tháp Đôi. Chị Nguyễn Thị Lan, một du khách đến từ Hà Nội, nhận xét: “Chương trình Đêm hội tháp Đôi ấn tượng vì diễn ra trong không gian tháp Chăm cổ kính. Nhiều tiết mục rất hay, giúp tôi hiểu những nét đặc sắc về văn hóa vùng đất này”.

Không chỉ nội thành, Tết này, các xã đảo và bán đảo ở TP. Quy Nhơn cũng sôi động với nhiều hoạt động thể thao. Trong đó, Nhơn Lý tổ chức thành công giải bóng đá với sự góp mặt của đội bóng sinh viên người Nhơn Lý. Đáng chú ý nữa là lượng người tham quan Eo Gió năm nay rất đông, do tuyến đường từ Quy Nhơn ra Nhơn Lý hiện đã thuận tiện.

* Tây Sơn: Tưng bừng LH Đống Đa

Ngay từ chiều mùng 4 Tết (10.2), rất đông du khách đổ về Bảo tàng Quang Trung tham quan và dự LH Kỷ niệm 219 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Năm nay, khuôn viên Bảo tàng Quang Trung được mở rộng thuận lợi cho tổ chức các hoạt động. Bước vào Bảo tàng, du khách đã có thể thấy không khí LH rộn ràng. Bên trái cầu, phía Nhà rông Bana mới xây dựng, vang vọng âm thanh của màn diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên, do đồng bào dân tộc Bana đến từ vùng Tây Sơn Thượng đạo (An Khê) biểu diễn. Bên phải, một sân khấu được dựng lên làm nơi biểu diễn trống trận và nhạc võ Tây Sơn, hát Tuồng… Tối mùng 4 Tết, Sân vận động thị trấn Phú Phong trở thành điểm đến của đông đảo người dân và du khách, bởi đây là đêm khai mạc Giải Võ cổ truyền Liên tỉnh (diễn ra trong ba đêm mùng 4, 5 và 6 Tết).

Mùng 5 Tết (11.2), những chuyến xe buýt lên thị trấn Phú Phong đông nghẹt  khách. Ngoài Bảo tàng Quang Trung, lượng khách đổ về Khu Du lịch Hầm Hô cũng tăng. Năm nay, với sự xuất hiện hơn một số khách sạn, nhà nghỉ mới mở dọc sông Kôn, nhu cầu lưu trú của khách phần nào được đáp ứng tốt hơn. Tuy giá cả tăng hơn bình thường, nhưng du khách về với LH Đống Đa năm nay đều tỏ ra hài lòng, vì được tận hưởng không khí Tết mang nét riêng của vùng đất Võ.

 

Diễn tấu cồng chiêng tại nhà rông trong Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: Hoài Thu

 

* Tuy Phước: Mở hội chào xuân

Đông vui nhất là LH chợ Gò được tổ chức vào sáng 7.2 (mùng 1 Tết), tại thôn Phong Thạnh (thị trấn Tuy Phước). LH năm nay, ngoài các hoạt động văn hóa và trò chơi truyền thống như: múa lân, đi cà kheo, diễn võ, đập ấm... còn có trò chơi chuyền bánh tráng bằng miệng - thứ lương thực địa phương góp trong quân lương nghĩa quân Tây Sơn trên đường hành binh.

Chiều ngày 8.2 (mồng 2 Tết), Hội đua thuyền truyền thống diễn ra trên sông Gò Bồi. 15 giờ hội đua thuyền mới khai mạc, nhưng từ 13 giờ, không khí bên sông đã tấp nập, rộn rã với hàng ngàn người dân trong vùng cùng khách thập phương. Những chiếc thuyền trang trí với đủ màu sắc cùng hàng cờ phướn tung bay trong nắng dịu của ngày đầu năm, làm sáng một khúc sông. Ông Đoàn Văn Minh, hiện sống tại Quy Nhơn, cho biết: “Những người con Tuy Phước như tôi, dù đi đâu xa, nhưng cứ đến ngày mồng 2 Tết, vẫn tìm về dự hội”.

Hội đua thuyền lần này, có hơn 50 VĐV đến từ các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng tham dự. Các đội tranh tài ở hai nội dung đồng đội và cá nhân, với các môn sõng câu bơi dầm, sõng câu chống sào và đua thuyền tập thể. Nhờ đầu tư chuẩn bị và tập luyện, các đội đã tạo nên những cuộc so tài gây cấn và sôi nổi.

 

Múa lân tại lễ hội Chợ Gò sáng mùng 1 Tết. Ảnh: Minh Thái

 

* Hoài Ân: Nhiều hoạt động văn hóa - thể thao

Tết năm nay, hội hoa xuân được huyện Hoài Ân tổ chức tại hai điểm là khu trung tâm huyện và tại UBND xã Ân Hảo Đông với trên 15.000 chậu hoa, cây kiểng các loại được trưng bày. Điểm hội vui xuân diễn ra tại Nhà Văn hóa huyện, diễn ra từ đêm 30 tháng Chạp đến ngày mồng 4 Tết, với nhiều trò chơi dân gian, thu hút hàng ngàn lượt khách tham gia.

Trước đó, trong đêm giao thừa, huyện tổ chức biểu diễn văn nghệ, với chương trình ca, múa, nhạc rất hấp dẫn. Đặc biệt, năm nay, Hoài Ân tổ chức hai đêm thi đấu võ thuật vào mùng 3 và mùng 4 Tết, với 32 võ sĩ đến từ các võ đường trong huyện và các huyện bạn như Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, TP. Quy Nhơn. Tại đền thờ Tăng Bạt Hổ, Trung tâm VHTT-TT huyện tổ chức dâng hương và mở cửa phòng trưng bày thân thế, sự nghiệp của Tăng Bạt Hổ, phục vụ hàng ngàn lượt người đến thăm viếng.

Còn ở các địa phương trong huyện, đáng chú ý là xã Bok Tới đã tổ chức giao lưu cồng chiêng giữa các làng, tạo được nét riêng, giàu bản sắc; xã Ân Hữu tổ chức Giải Bóng đá mừng xuân, với 6 đội bóng thôn tham gia; xã Ân Phong tổ chức Giải Bóng chuyền truyền thống; xã Ân Hảo Đông tổ chức phục vụ, bảo vệ chu đáo khu thắng cảnh thác Đá Yàng, tạo thuận lợi cho trên 3.000 lượt khách đến vui chơi trong dịp Tết. 

* Hoài Nhơn: Đầm ấm nét xuân

Tại Hoài Nhơn, không khí Tết dường như đầm ấp hơn khi những người làm ăn xa đều cố gắng trở về để sum họp gia đình. Nét văn hóa chính được tổ chức tại thị trấn Bồng Sơn là trò chơi cổ nhơn. Ngay chiều 30 Tết, nhà cái đưa ra câu thai: “Ai về quê mẹ Hoài Nhơn/ Ghé thăm thị trấn Bồng Sơn thuở nào/ Người xe tấp nập xôn xao/ Chợ đông, phố mới đón chào xuân sang”. Với câu thai này, người chơi đã luận ra được kết quả là “Con tôm”.

Đón Tết năm nay, nét mới ở khắp các vùng quê Hoài Nhơn, là mọi người ra đường đều đội mũ bảo hiểm, dù chỉ chạy xe trong xóm, trong làng. Chị Thanh (xã Hoài Châu Bắc), nói: “Ngày Tết, mình đội mũ bảo hiểm trước hết là để bảo vệ mình. Ngay ông xã tôi, chạy xe đi thăm bà con trong xóm mà không đội mũ bảo hiểm, tôi đã không chịu, chứ đừng nói là ra quốc lộ”.

Thêm một nét mới trong Tết này tại Hoài Nhơn là vấn nạn cờ bạc trong Tết giảm hẳn. Dọc các trục đường Hoài Nhơn trong những ngày Tết, ít khi ta gặp hình ảnh những sòng bầu cua hoạt động. Ngoài việc chính quyền địa phương kiểm soát gắt gao, dường như ý thức của người dân cũng được nâng lên.

* Vĩnh Thạnh, An Lão: Sắc xuân đại ngàn

Xuân này, từ các xã miền núi đến những bản làng giữa đại ngàn của hai huyện An Lão và Vĩnh Thạnh, đều ngập tràn trong không khí xuân. Những cành mai vàng rực rỡ, những giò phong lan đủ sắc màu tỏa hương thơm, quyện với mùi nếp mới, cùng hương vị rượu cần làm say đắm lòng người.

Tại Vĩnh Thạnh, nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết được tổ chức. Sáng mùng 1 Tết, nhiều xã trong huyện tổ chức giải bóng chuyền giao hữu giữa các thôn, tạo không khí vui tươi ngay từ đầu năm. Riêng xã Vĩnh Hiệp còn tổ chức thêm giải cầu lông nam nữ. Tại trung tâm huyện, ngoài với Giải Bóng chuyền, còn có Giải Cờ tướng dành cho nhiều lứa tuổi, cùng các gian hàng vui chơi có thưởng như ném bóng, đập ấm… Trong các đêm mùng Một và mùng Hai Tết, Trung tâm VH-TT huyện đã tổ chức diễn văn nghệ với nhiều tiết mục dàn dựng công phu.

Tại An Lão, ngay trong ngày đầu năm mới, cán bộ và nhân dân xã An Hòa, An Tân, An Trung và thị trấn An Lão đã về các nghĩa trang liệt sĩ dâng hương, tưởng niệm những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Trước đó, để người dân, ai cũng được đón một cái Tết đầm ấm, huyện An Lão cũng đã tổ chức thăm và tặng 589 suất quà, trị giá hơn 60 triệu đồng cho các đối tượng chính sách, người già neo đơn và nạn nhân chất độc da cam.

Năm nay, người dân An Lão đón Tết khá vui tươi, lành mạnh. Dọc các tuyến đường, ít còn thấy cảnh người say rượu đi ngất ngưởng như những năm trước. Trong ba ngày Tết, huyện đã tổ chức biểu diễn văn nghệ tại trung tâm huyện và lưu diễn tại các xã vùng cao, thu hút đông đảo người xem. Huyện còn tổ chức Giải Bóng chuyền “Mừng Đảng mừng Xuân” dành cho các cơ quan, trường học và các xã trong huyện.

  • P.V và C.T.V Văn hóa - Thể thao
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tôi rất tự hào là đảng viên Đảng Cộng sản  (02/02/2008)
Vĩnh Thạnh mùa xuân này  (01/02/2008)
Định Bình những ngày cuối năm  (28/01/2008)
Dù ở đâu, làm gì, tôi vẫn nhớ về Quy Nhơn  (26/01/2008)
Vượt “cổng trời” Canh Liên  (21/01/2008)
Tôi luôn tâm niệm mình phải sống có trách nhiệm với người đã khuất  (19/01/2008)
Đi trong lòng biển  (14/01/2008)
Trò chuyện với “nhạc sĩ của tuổi học trò”  (12/01/2008)
Cổ tích của mái ấm gia đình  (07/01/2008)
Không chịu học là không thoát khỏi đói nghèo đâu!  (05/01/2008)
Nhơn Lý bình yên  (31/12/2007)
“Chúng tôi muốn trao niềm tin để cùng phát triển”  (29/12/2007)
Tôi cố làm là để chia sẻ với người khó hơn mình...  (22/12/2007)
Kỳ tích eo nín thở  (17/12/2007)
Bồng Sơn - Dân hiến đất làm đường  (17/12/2007)