Chú tiểu Hiến và hành trình “tiếp thị” võ Việt
20:31', 28/1/ 2008 (GMT+7)

HLV Nguyễn Văn Cảnh đang biểu diễn bài roi trước các võ sinh phái Song Long Quyền Thuật. Ảnh: C.X

Không chỉ giành về nhiều thành tích cao cho võ cổ truyền Bình Định, HLV Nguyễn Văn Cảnh còn là một trong những người góp phần vào việc quảng bá võ Việt đến với bạn bè thế giới. Nhưng, ít ai biết rằng, trước đây, vị HLV này từng là một… chú tiểu.

* Vô chùa học võ

Sinh ra trong một gia đình đông anh em ở Chánh Hữu (Cát Chánh, Phù Cát), mới 10 tuổi, Nguyễn Văn Cảnh đã được gởi vào chùa Long Phước (Phước Thuận, Tuy Phước), theo người chú ruột là thầy Thích Hạnh Hòa (trụ trì chùa Long Phước). Ngoài những công việc hàng ngày của một chú tiểu, Cảnh còn được các thầy (trong đó có võ sư Nguyễn Đông Hải, pháp danh Vạn Thanh) truyền thụ cho nhiều bài võ. Vốn bản tính lành hiền, thông minh, ham học hỏi; lại thêm được thừa hưởng “gen” võ thuật từ người cha (cũng là một võ sư), nên chú tiểu Hiến (tên thường gọi của Cảnh khi ở trong chùa Long Phước), tiếp thu khá nhanh và thực hiện thuần thục các thế tấn, bộ pháp, sử dụng thành thạo các loại binh khí; trong đó, sở trường là roi, kiếm và thương.

Đến năm 1988, Cảnh được chọn vào Trường Năng khiếu TDTT tỉnh. Vốn có kiến thức cơ bản về võ học, lại được HLV Kim Dũng uốn nắn thêm, nên chỉ một năm sau, anh đã đoạt HCV Giải Võ cổ truyền Toàn tỉnh lần thứ I. Năm 1994, anh đoạt HCV Giải Vô địch Võ cổ truyền Toàn quốc. Tuy nhiên, phải đến những năm đầu thế kỷ XXI, mới vào “mùa” thu hoạch HCV của Nguyễn Văn Cảnh. Anh đem về cho võ cổ truyền Bình Định thêm 6 chiếc HCV ở các giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc.

Đến nay, tuy đã “rửa tay chậu vàng”, chuyển hẳn sang làm công tác huấn luyện tuyến trẻ, nhưng HLV Nguyễn Văn Cảnh đã tạm yên tâm, bởi cô con gái lớn của anh là Nguyễn Thị Ái Thiện (8 tuổi), cho thấy mình hoàn toàn đủ khả năng kế thừa nghiệp võ của cha, bằng chiếc HCB giành được tại Giải Vô địch trẻ Võ cổ truyền Toàn quốc năm 2007.

* “Số” xuất ngoại

Chưa trở thành một môn võ phổ biến ở các nước trên thế giới và chưa được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức ở các Đại hội Thể thao trong khu vực, vì vậy, trước đây, cơ hội để giới thiệu võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài có phần hiếm hoi. Tuy nhiên, những năm qua, cùng với quá trình hội nhập, võ Việt đã được nhiều môn phái tìm đến học hỏi, nhằm làm phong phú thêm vốn võ học của chính họ. Một trong những địa chỉ tin cậy của các môn phái, khi muốn tìm hiểu về võ Việt Nam là Bình Định. Bởi ngoài những bài võ mang đặc trưng võ cổ truyền dân tộc, võ Tây Sơn còn có một sức cuốn hút rất lớn với những người đam mê võ học.

Đặc biệt, qua những festival võ thuật quốc tế, võ cổ truyền Bình Định đã tạo được ấn tượng tốt với bạn bè thế giới. Năm 1991, một năm sau khi tham gia thi đấu biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam tại Festival Võ cổ truyền Quốc tế ở các nước thuộc Liên Xô (cũ), Nguyễn Văn Cảnh (khi đó mới 20 tuổi) đã được cử sang huấn luyện võ cổ truyền Việt Nam cho các môn phái ở Pháp, Thụy Sĩ, Angieria. Sau đó, năm 2002, anh lại được tham dự Festival Võ cổ truyền tại Chungju (Hàn Quốc).

Qua một số lần sang Việt Nam học hỏi, trao đổi về võ thuật, môn phái Song Long Quyền Thuật (có trụ sở tại Pháp) rất “kết” lối đánh của Nguyễn Văn Cảnh. Sau khi cử người sang học tại Bình Định, năm 2007, môn phái này còn mời Cảnh qua Pháp, Thụy Sĩ để huấn luyện cho 15 HLV của họ về các bài võ dân tộc Việt Nam trong vòng hai tháng.

Nói về những chuyến biểu diễn, tập huấn cho HLV, VĐV các nước, HLV Nguyễn Văn Cảnh cho biết: “Sang nước bạn, tôi học hỏi được rất nhiều bài võ hay, thế đánh lạ. Nhưng sung sướng nhất là được góp phần quảng bá võ Việt, với mục tiêu chung là để võ cổ truyền dân tộc dần tìm được vị trí xứng đáng trong các đại hội thể thao lớn trên thế giới. Đó là tâm nguyện của tôi và có lẽ, cũng là của tất cả người Việt Nam”.

  • Lê Cường
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bóng đá Bình Định chờ ngày “thái lai”  (28/01/2008)
Để di tích “sống” lại  (28/01/2008)
Bên thềm xuân  (28/01/2008)
Vãn cảnh Eo Gió  (28/01/2008)
Đám cưới chuột - bức tranh Xuân hay và đẹp  (28/01/2008)
Ăn uống ngoài đồng  (28/01/2008)
Những cái Tết kỳ thú trên thế giới  (28/01/2008)
Câu lạc bộ Xuân Mậu Tý  (28/01/2008)
Giáo dục quốc phòng: Khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của mỗi người  (19/01/2008)
Phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang huyện Tuy Phước  (19/01/2008)
Tình nguyện xung kích chung sức cùng cộng đồng khắc phục hậu quả lũ lụt  (19/01/2008)
Nơi kết nối những ý tưởng  (19/01/2008)
Chén trà trong sương sớm  (19/01/2008)
Nghề truyền thống thăng hoa  (19/01/2008)
Tôn vinh vẻ đẹp nữ doanh nhân Việt Nam  (19/01/2008)