Lấn chiếm lòng - lề đường, vỉa hè ở Quy Nhơn: Chuyện dài chưa có hồi kết
10:7', 11/8/ 2004 (GMT+7)

Theo thống kê, 171 trong tổng số 227 tuyến đường ở TP Quy Nhơn có vỉa hè. Nhưng hầu hết các lòng - lề đường, vỉa hè ở các tuyến đường này đều bị lấn chiếm một phần hoặc toàn phần để làm nơi sản xuất, nơi kinh doanh, buôn bán... Lấn chiếm lề đường, vỉa hè được nhiều người ví von là "bệnh đô thị", với Quy Nhơn nó đã trở thành mạn tính.

* Thượng tắc trách, hạ... lấn chiếm

Vỉa hè đường Nguyễn Huệ bị lấn chiếm làm nơi mua bán

Chỉ cần khảo sát qua một lượt, chúng tôi đã có thể khẳng định - Vỉa hè của tất cả các đường phố lớn trong TP Quy Nhơn đều đã bị lấn chiếm với nhiều cấp độ khác nhau. Trên đường Trần Phú, các bảng hiệu hớt tóc, pa nô quảng cáo hàng, bảng hiệu các cửa hàng kinh doanh, quán ăn… đều chồm ra trên vỉa hè, hầu như không còn một khoảng trống nào để người đi bộ chen chân. Nhiều đoạn rất dài của các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Lai, Phạm Ngọc Thạch, 31-3... đã bị biến thành nơi họp chợ. Có lẽ không cần kể nhiều, bạn đọc cũng có thể hình dung được mức độ trầm trọng của căn bệnh đô thị mà Quy Nhơn đã mắc phải.

Anh Hồng, chủ một đại lý bán vật liệu xây dựng trên đường Phan Bội Châu, nói: "Tôi kinh doanh vật liệu xây dựng, nếu không trưng bày ra vỉa hè thì khách hàng khó thấy mà mua. Nếu tôi chấp hành không chiếm vỉa hè mà lực lượng quản lý trật tự không kiên quyết xử lý các hộ khác vi phạm, khi đó cửa hàng của tôi sẽ bị thiệt hại do mất khách. Nếu tất cả những người kinh doanh như chúng tôi đều dọn hàng vào bên trong thì cơ hội thu hút khách sẽ ngang nhau. Cứ nơi trồi ra, nơi thụt vào thì làm sao chấp hành luật pháp được". Bác Đào Thanh Hội, 71 tuổi, ở tổ 8, khu vực 2, phường Trần Phú, than phiền: "Tôi già rồi đâu có đi xe cộ gì được. Người già như tôi thì hay đi bộ để thư giãn mà cũng là để tập thể dục nữa. Nhưng khi ra đường mình sợ nhất cái cảnh phải xuống lòng đường đi cùng ô tô, xe máy, vì thành phố mình làm gì có vỉa hè. Người già và trẻ con rất cần phần không gian trên vỉa hè để đi lại cho an toàn".

Những đường phố đã có vỉa hè thì bị chiếm dụng tối đa, nhưng không phải chưa có vỉa hè thì được để yên. Tại hầu hết những tuyến đường này, một phần lòng đường đã bị chiếm dụng để làm chợ hoặc hàng quán với sự làm ngơ của các lực lượng có chức năng như Cảnh sát giao thông, trật tự, Quản lý đô thị, Thanh tra giao thông. Điển hình là các đường Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch có đoạn bị biến thành chợ; các đường Bùi Thị Xuân, Phó Đức Chính... bị các quán nhậu chiếm dụng làm nơi để xe của khách. Có mặt tại "chợ tự phát" trên đường Tây Sơn trong giờ tan tầm, chúng tôi bị kẹt giữa hai dòng người qua lại để mua hàng. Cái chợ này, trước còn thưa thớt nên bị bỏ lơ, đến khi kịp nhận thấy nó gây trở ngại giao thông thì đã muộn. Từ khi hàng chục nhà máy mọc lên ở đây, cộng với sự hình thành khu dân cư mới Xóm Tiêu thì chợ trở nên... sầm uất, không khí buôn bán rất tấp nập và nó trở thành mối bung xung mà khi nói đến trách nhiệm phải dọn dẹp giải tỏa, chính quyền và các ngành lại đùn đẩy cho nhau. Tương tự như thế, "chợ tự phát" trên đường Phạm Ngọc Thạch đã khiến người dân nhiều lần bức xúc, gởi kiến nghị lên thành phố, lên tỉnh và chất vấn đến cả... đại biểu Quốc hội, đề nghị di dời.

* Những lý do rất cũ

Phải nhìn nhận rằng, các lực lượng quản lý trật tự đô thị của TP Quy Nhơn cũng có làm một vài động tác để lập lại trật tự, nhưng do thiếu kế hoạch, thực hiện thiếu kiên quyết, triệt để nên mọi chuyện rồi đâu vẫn hoàn đấy, tình trạng lấn chiếm lòng - lề đường, vỉa hè vẫn cứ tồn tại như một thách thức. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, cả ông Đặng Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Kiểm tra trật tự đô thị (UBND TP Quy Nhơn) lẫn thiếu tá Lê Văn Cẩm, Đội trưởng Đội Cảnh sát trật tự (Công an Quy Nhơn) đều giải thích nguyên nhân không kiểm soát được hiện tượng lấn chiếm này là: Lực lượng quản lý ít, ý thức của người dân quá kém. Khi có chiến dịch thì họ dẹp rất gọn, khi kết thúc thì lại như cũ. Có người chấp nhận chịu phạt đến 3-4 lần, miễn sao họ được tiếp tục kinh doanh buôn bán trên lòng - lề đường, vỉa hè. Một số tuyến đường sau khi lực lượng chức năng xác lập được trật tự, bàn giao cho UBND phường quản lý thì gần như ngay sau đó mọi chuyện lại rối beng.

Thật ra cách giải thích này đã được đưa ra từ cách đây nhiều năm, nhưng cũng từ nhiều năm qua, nó được sử dụng như chỗ lùi lại để cố thủ, để viện dẫn khi cần phải có một lý do nào đó. Người dân cần một cách thức làm việc mới đạt hiệu quả cao, hơn là nghe cách giải thích đầy tắc trách đã quá cũ này. Mới đây, ông Trần Thanh Lân, Chủ tịch UBND phường Trần Phú, cho biết UBND TP Quy Nhơn đã phê duyệt quy hoạch xây dựng một cái chợ khác để giải tỏa chợ tự phát trên đường Phạm Ngọc Thạch, nhưng bao giờ xây thì còn phải... chờ.

* Chính quyền cần mạnh tay hơn

Trước tình trạng lấn chiếm này, cách đây ít lâu, Ban Chỉ đạo An toàn giao thông (ATGT) TP Quy Nhơn đã đưa ra kế hoạch duy trì công tác kiểm tra sắp xếp giữ gìn trật tự đô thị - trật tự công cộng với 3 lực lượng tham gia: Thanh tra giao thông tỉnh, Công an TP Quy Nhơn và Đội Kiểm tra - Trật tự đô thị. Nghe qua thì có vẻ chẳng mấy chốc nữa lực lượng này sẽ lập lại được trật tự cho các đường phố ở Quy Nhơn. Thế nhưng, cho đến nay tình trạng lấn chiếm lòng - lề đường, vỉa hè vẫn cứ tiếp diễn. Phải thấy rằng, với một thành phố chỉ hơn 300.000 dân, chính quyền TP Quy Nhơn không thiếu lực lượng để giải quyết căn bệnh đô thị này (UBND phường nào cũng có Ban Chỉ đạo ATGT, trong đó chủ tịch UBND phường làm trưởng ban, để lập lại trật tự đô thị tại khu vực mình quản lý; phường nào cũng có lực lượng dân quân, cảnh sát khu vực để hỗ trợ). Nhưng do các lực lượng này chưa làm hết trách nhiệm của mình, việc duy trì trật tự không được làm thường xuyên, các biện pháp xử lý thiếu kiên quyết, còn vị tình nên đã khiến người vi phạm lờn mặt.

Ông Dương Văn Trọng, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị Quy Nhơn, cho biết: "Hiện nay, Phòng phối hợp với Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ Quy Nhơn, tiến hành khảo sát để xác định chỉ giới phần vỉa hè dành cho người đi bộ trên 5 tuyến đường chính là Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Tăng Bạt Hổ, Trần Phú và Ngô Mây. Làm vậy vừa giải quyết một phần nhu cầu sử dụng vỉa hè của các hộ kinh doanh, vừa đảm bảo hành lang dành cho người đi bộ. Khi đã có chỉ giới, nếu hộ nào vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý thật nặng để răn đe".

Cần nhắc lại rằng, giải pháp mà Phòng Quản lý đô thị đưa ra không phải là giải pháp mới, trước đây nó đã từng được áp dụng ở một số đường lớn như Trần Phú, Phan Bội Châu... nhưng do thiếu kiểm soát nên đã trở thành một điển hình về chuyện "đánh trống bỏ dùi". Có thể tạm yên tâm với giải pháp người đi bộ chia sẻ vỉa hè của mình cho các hộ kinh doanh, nhưng nạn lấn chiếm lòng - lề đường để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, làm nơi để xe… thì vẫn còn bị bỏ ngỏ. Ai sẽ là người lập lại trật tự ở những tuyến đường này nếu không phải là UBND TP Quy Nhơn?

. Nguyễn Phúc

 

Ý kiến của những người có trách nhiệm

* Ông Tô Ngọc Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn: UBND thành phố đã chỉ đạo cho UBND các phường, cảnh sát khu vực, các đoàn thể Phụ nữ Thanh niên vận động nhân dân trong địa bàn mình quản lý, khắc phục tình trạng lấn chiếm lòng - lề đường, vỉa hè. Trước mắt, thành phố sẽ cấp kinh phí phân vạch vỉa hè cho 5 tuyến đường chính để trả lại phần vỉa hè cho người đi bộ. Nếu từ 5 tuyến đường chính này phát huy được hiệu quả thì sẽ tiếp tục làm ở những tuyến đường còn lại.

Sau khi đã phân vạch vỉa hè, nếu người dân còn cố tình lấn chiếm, UBND thành phố sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết và triệt để hơn. Đi đôi với biện pháp xử lý, còn tích cực giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân tập quen dần với nếp sống văn minh đô thị để họ tự nhận thức được rằng, việc chiếm dụng lòng - lề đường, vỉa hè làm nơi sản xuất, kinh doanh là sai trái, là làm mất mỹ quan đô thị.

* Ông Đặng Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Kiểm tra trật tự đô thị: Cả đội chỉ có 20 người mà công việc đâu phải chỉ có kiểm tra xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng - lề đường, vỉa hè. Nhiệm vụ chủ yếu của đội là kiểm tra xử lý vấn đề lấn chiếm đất đai xây dựng trái phép, mà tình trạng này đang là việc nổi cộm trên địa bàn Quy Nhơn. Cứ một nhân viên của đội phải quản lý một phường, có khi 3 người quản lý đến 4 phường; mỗi một phường có rất nhiều tuyến đường bị lấn chiếm nên nhân viên của đội không tài nào quản lý cho hết. Hiện nay, các phường đều có Ban Chỉ đạo ATGT. Vì vậy tôi đề nghị Ban Chỉ đạo ATGT của phường phối hợp cùng chúng tôi để lập lại trật tự. Bên cạnh đó, do mức phạt còn quá nhẹ nên nhiều người vẫn cứ tái phạm. Cần chế tài ở mức cao hơn mới răn đe được mọi người.

* Thiếu tá Lê Văn Cẩm, Đội trưởng Đội Cảnh sát trật tự (Công an TP Quy Nhơn): Hiện số người lấn chiếm lòng - lề đường, vỉa hè có hai trường hợp. Thứ nhất là những người từ nơi khác đến lấn chiếm để buôn bán vặt vãnh kiếm sống qua ngày, vì họ thất nghiệp không có việc gì khác để làm. Nếu giải quyết được công ăn việc làm ổn định cho họ hoặc tìm nơi buôn bán thích hợp thì tình trạng này sẽ chấm dứt. Thứ hai là những người buôn bán ngay nơi ở của mình, nhưng do diện tích chật họ phải lấn thêm lòng đường, lề đường, vỉa hè để kinh doanh. Nếu trường hợp này sau nhiều lần nhắc nhở và xử phạt mà vẫn còn tái diễn thì phải có biện pháp mạnh hơn, như thu giấy phép kinh doanh chẳng hạn.

. N.P (ghi)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bá Nói: dám nghĩ dám làm   (10/08/2004)
Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2004-2005: Không ồn ào, ít căng thẳng  (10/08/2004)
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển văn hóa   (09/08/2004)
Về lãnh đạo Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam   (09/08/2004)
Công tác cán bộ người dân tộc thiểu số: Để việc đào tạo và sử dụng hợp lý hơn  (09/08/2004)
Rửa xe: nghề sống được   (06/08/2004)
Việc nhà, việc xã đều hay   (05/08/2004)
Nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao tăng   (05/08/2004)
Chuyện trò với tuổi trẻ xa xứ  (04/08/2004)
Mắc kẹt ở "thiên đường"   (04/08/2004)
Tây Sơn: Cán bộ cấp huyện về thôn, làng đã lơi dần   (04/08/2004)
Bạn đọc được phục vụ tốt hơn   (03/08/2004)
Chuyện ở quê tướng Nguyễn Chánh   (02/08/2004)
Ghi nhận ngày đầu tiên ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông  (02/08/2004)
Vì sao không tuyển được lớp chuyên Lịch sử và Địa lý?  (01/08/2004)