Kỷ niệm 40 năm chiến thắng An Lão (1964-2004):
Hành trình lên đất thượng nguồn
17:14', 16/8/ 2004 (GMT+7)

Những thôn, làng của các xã An Hòa, An Tân, An Trung hiện ra dưới mắt tôi trên đường về trung tâm huyện lỵ An Lão miên man những bãi ngô, nương dâu dọc triền sông, những hàng cau và những tán sầu đâu… Và nắng. Cái ánh nắng sớm óng ánh đổ vàng những vạt ruộng, tâm trí tôi tự dưng bật dậy câu thơ Chào mảnh đất nắng lại vàng sáp mới (Yến Lan- An Lão).

* Đất và người

80% diện tích ruộng nước ở An Lão đã áp dụng giống cấp I

Phải chăng trầm tích của mảnh đất này, thấm mồ hôi, nước mắt và máu qua bao thế hệ, nên trong ánh nắng tỏa bóng trên mặt đất cũng đẹp một cách lạ kỳ là vậy. 

Nếu không được giới thiệu trước, có lẽ chẳng ai ngờ rằng trên mảnh đất này, dưới những tán cây kia, từng hứng chịu bao chất độc hóa học của Mỹ. Ngày ấy, cây cối cháy lụi, chết trơ xương. Những vạt rừng hôm nay, đang xanh trước mắt chúng tôi, hóa ra lại là những cánh rừng tái sinh còn non tuổi. 40 năm, thời gian chưa đủ cho cây trở thành cổ thụ, nhưng cũng đủ để cánh rừng tỏa màu xanh cho mặt đất.   

Góp vào sắc xanh ấy, ngoài cái sức sống bền bỉ của núi rừng còn là những người An Lão hôm nay đang trăn trở vươn lên bằng sức lao động. Lên thôn 2, xã An Quang, chúng tôi tìm đến nhà anh Đinh Văn Sơn. Năm nay 28 tuổi, người thanh niên H’rê này có cái dáng vẻ tự tin của một người nhiều nghị lực. Trên 50 gốc tiêu đã cho thu hoạch cùng 600 cây sầu đâu đang đợi thêm 5 năm nữa, rồi thanh long… Sơn giới thiệu một cách dè dặt về cơ ngơi của mình. "Hồi đầu, chưa ai trồng sầu đâu cả, tui trồng thử. Vạt đất ấy, khi xưa cỏ và gai nhiều lắm, cũng mất nhiều công sức mới được vậy. Bây giờ thì sầu đâu lại đang có giá" - Sơn nói. 

Cùng với những thanh niên như Sơn, là những hộ như ông Đinh Văn Oi (An Trung), ông Nguyễn Quyên (An Tân), Đinh Văn Leo (An Quang)… ươm ước mơ làm giàu ngay trên những mảnh vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng của mình.

* Và chủ trương đúng

Không nói nhiều về thành quả, ông Phạm Minh Dựng, Chủ tịch UBND huyện An Lão, dẫn ra với chúng tôi một vài con số: "Năm 2004, huyện đã có 2.500 ha lúa nước. Để đi đến con số này là cả một sự cố gắng lớn. Thực ra, trước đây, dọc theo các triền sông, trên các thung lũng hẹp, người H’rê đã biết đến trồng lúa nước. Tuy nhiên, do tập quán canh tác lạc hậu, ruộng nước không đảm bảo số lương thực cần thiết hàng năm cho đồng bào. Bởi vậy, nâng diện tích lên chưa đủ, chúng tôi còn phải tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng giống cấp 1, đầu tư các công trình thủy lợi như Hưng Long, Hóc Tranh… Đến nay, huyện đã chủ động sản xuất giống cấp I và đã có trên 80% diện tích sử dụng giống cấp I. Nhờ vậy, năng suất cây lúa ngày càng cao, đến năm 2003 đạt 39,8 tạ/ha; bình quân lương thực đầu người đạt 430kg/người/năm, tính ra là đã tăng gấp 1,56 lần so với năm 1981".

Anh Đinh Văn Sơn (thôn 2, xã An Quang) một điển hình thanh niên lập nghiệp ở An Lão

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp lúa nước thuần túy thì sẽ không thể tụ đủ lực cho người An Lão vươn lên làm giàu. Chính vì thế, hướng phát triển quan trọng trong sản xuất nông nghiệp là kinh tế vườn nhà, vườn rừng. Định hướng cơ cấu kinh tế của huyện đã được xác định là lâm - nông nghiệp kết hợp, rồi mới đến tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ. Từ những năm 1997 trở về trước, phong trào kinh tế VAC ở An Lão chỉ phát triển ở An Hòa và An Tân (hai xã có đông người Kinh sinh sống) nhưng quy mô cũng chưa lớn. Vậy mà vài năm trở lại đây, ngoài diện tích sản xuất lúa nước, cây lương thực, mỗi hộ còn quy hoạch một vườn nhà hoặc vườn đồi có diện tích từ 1,5 ha trở lên để trồng cây dài ngày và các cây ăn quả khác. Dù quy mô của những mô hình này chưa lớn, nhưng để đi đến một nhận thức như vậy, đã là cả một sự thay đổi lớn.

Mặt khác, huyện đã hình thành được các vùng cây ăn quả, cây công nghiệp như quế, đào, xoài, chôm chôm… Đến nay, An Lão đã có 145 ha quế, 412 ha đào, 300 ha cây ăn quả. "Chúng tôi đã quy hoạch khu trọng điểm kinh tế phía Đông xã An Hưng, nơi có điều kiện thuận lợi về giao thông, điện và diện tích đất chưa sử dụng còn lớn, để phát triển công nghiệp - chăn nuôi đại gia súc, cây công nghiệp với diện tích cả nghìn ha" - ông Dựng tiết lộ.

Nhưng biểu hiện cụ thể nhất cho những thành quả ấy lại nằm trong những đổi thay đang diễn ra từ mỗi nếp nhà. Không chỉ ở các vùng trung tâm như An Hòa, An Trung mà lên với các vùng cao, nép bên những bóng cây, là những nếp nhà mới, rồi những bể nước sạch, những con đường làng nay đã sạch sẽ, khang trang hơn. Sóng phát thanh, truyền hình đã vươn đến các bản làng. Đến nay, 90% hộ gia đình đã xem truyền hình, 95% hộ dùng điện sinh hoạt. Rồi với chủ trương đưa trường về làng, An Lão đã hình thành ở mỗi làng một điểm trường từ 3 đến 4 phòng học và thành lập 3 trường PTDT bán trú Đinh Nĩ, Đinh Rúi, An Hưng, tạo điều kiện cho con em các xã vùng cao học tập. Hiện ở An Lão cứ 3 người dân thì có 1 người đi học, huyện đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Số học sinh tốt nghiệp cao đẳng, đại học cao hơn gấp 10 lần so với năm 1981, đặc biệt, trong đó có 50 học sinh là người dân tộc thiểu số…

* Còn đó những khó khăn

Trong câu chuyện với ông Dựng và trong nỗi niềm của những người dân, chúng tôi hiểu, An Lão vẫn còn không ít khó khăn trên đường phát triển. Đường giao thông có lẽ vẫn là một trở ngại thật lớn. Dù chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn thời gian qua đã được đẩy mạnh với hơn 90 km đường bê tông nông thôn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 100% xã đã có đường ô tô đi đến trung tâm xã, nhưng một số tuyến đường lên một số xã vùng cao vẫn gặp không ít trở ngại, nhất là vào mùa mưa. Ông Dựng nói: "Tuyến khó nhất là đi lên An Vinh, đến cuối năm 2005 cơ bản hoàn thành, xe có thể xuống đến các thôn được. Tuyến An Hưng thì cơ bản đã đến được các thôn. Riêng tuyến đường lên An Toàn - An Nghĩa - An Quang thì nếu trời mưa việc đi lại cực kỳ khó khăn. Ngoài ra, hiện nay, các thôn như: thôn 5 (An Hưng), thôn 6 (An Vinh), thôn 3 (An Nghĩa) không làm được đường giao thông". Một khó khăn khác là đầu ra cho nông sản. Hiện ở An Lão, vẫn còn những sản phẩm thiếu đầu ra do mô hình cây trồng chưa gắn với chế biến và chưa nghiên cứu kỹ về thị trường. Một số cơ sở sấy khô nông sản đã hình thành nhưng quy mô còn nhỏ. Cơ sở chế biến thì đã lập dự án, chuẩn bị mặt bằng, nhưng rồi lại chưa thể thành hình vì kinh phí đầu tư xử lý môi trường quá lớn. Rồi quế không nơi tiêu thụ, hơn 120 ha xoài trồng từ năm 1996 đến nay không cho trái, 160 ha dứa trong vùng nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến Dứa và Rau quả xuất khẩu chưa hấp dẫn người dân vì chi phí quá lớn so với điều kiện của người vùng cao, trong khi những mô hình điểm lại chưa thực sự chứng minh hiệu quả. Kinh tế trang trại ở An Lão chưa phát triển, trong đó, ngoài khó khăn về vốn, kỹ thuật, còn do diện tích đất canh tác hãy còn manh mún… 

Bình minh vừa chớm sau một đêm mưa thượng nguồn. Thấm trong bàn chân trần cái khí vị mát lạnh của mạch đất đại ngàn, tôi muốn thu trong ống kính tâm hồn tôi, không chỉ những đỉnh núi ngút ngàn và những thung lũng mơ màng giữa các triền non, mà cả hình ảnh những cô gái H’rê đang cần mẫn bên những chân ruộng và những chàng trai đang phóng xe máy trên những đường núi quanh co… Chợt thấy đất và người An Lão sao mà gần gũi đến thân thương.

. Lê Viết Thọ

 

Một số mục tiêu cơ bản của An Lão thời gian tới

1. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông lâm nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp chiếm 70-72%, công nghiệp xây dựng 13-14%, dịch vụ 13-14%.

2. Duy trì, phát huy các ngành nghề truyền thống; thu hút và mở rộng các ngành nghề mới như sản xuất đũa tre, xay đá, chế biến mì, hạt đào, thuốc lá sợi.

3. Thu ngân sách hàng năm tăng 2,9%. Xây dựng các chợ ở khu vực huyện lỵ, các trung tâm cụm xã An Vinh, An Quang. Đầu tư hình thành điểm du lịch sinh thái hồ Sông Vố.

4. Nâng cấp các tuyến giao thông. Đến năm 2010 các tuyến đường từ huyện đến xã thông suốt cả 4 mùa. Đến năm 2007 kéo điện lưới quốc gia 100% xã. 90-95% hộ dùng điện sinh hoạt. 80% diện tích lúa nước được tưới bằng các công trình thủy lợi kiên cố.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hai khu dân cư tiên tiến điển hình của Bình Định   (15/08/2004)
Tiếng kêu khẩn thiết từ thôn Tân Hòa   (15/08/2004)
Tệ nạn mại dâm ở Quy Nhơn: Nhìn và thấy  (15/08/2004)
Ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục hải quan  (12/08/2004)
Trước ngày khai giảng năm học mới: Quá tải công chứng bản sao  (12/08/2004)
Những đứa trẻ ở vùng sông nước   (11/08/2004)
Lấn chiếm lòng - lề đường, vỉa hè ở Quy Nhơn: Chuyện dài chưa có hồi kết   (11/08/2004)
Bá Nói: dám nghĩ dám làm   (10/08/2004)
Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2004-2005: Không ồn ào, ít căng thẳng  (10/08/2004)
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng và phát triển văn hóa   (09/08/2004)
Về lãnh đạo Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam   (09/08/2004)
Công tác cán bộ người dân tộc thiểu số: Để việc đào tạo và sử dụng hợp lý hơn  (09/08/2004)
Rửa xe: nghề sống được   (06/08/2004)
Việc nhà, việc xã đều hay   (05/08/2004)
Nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao tăng   (05/08/2004)